“Bác” đề xuất lập Ủy ban quốc gia về an toàn thực phẩm
(Dân trí) - Tâm đắc với mô hình Ủy ban Dân số - Kế hoạch hóa gia đình trước đây, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đã “tiến cử” thành lập Ủy ban quốc gia về an toàn thực phẩm song không nhận được nhiều hưởng ứng.
Tại buổi thảo luận của Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật An toàn thực phẩm (sáng 19/1), Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho rằng, nên thành lập Ủy ban quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm bởi đây là mô hình quản lý thống nhất, một đầu mối, tránh chồng chéo, giúp cho việc quản lý chặt chẽ từ trung ương đến địa phương.
Người đứng đầu Bộ Y tế đã dẫn ra mô hình Ủy ban quốc gia về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình trước đây để tăng tính thuyết phục cho quan điểm của mình. Theo đó, năm 1990, bình quân mỗi gia đình có 3,8 con nhưng nhờ hoạt động hiệu quả của Ủy ban Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, đến năm 2000 chỉ còn 2,1 con/gia đình.
Theo ông Triệu, khi đó mặc dù ngành Y tế chiếm một khối lượng công việc lớn, nhưng không phải ngành nọ điều hành ngành kia mà có một ủy ban “trùm lên”. Cụ thể, ủy ban này có bộ máy chuyên trách trên 100 người điều tiết hoạt động giữa các bộ.
“Không bắt chước hoàn toàn, nhưng công tác quản lý an toàn thực phẩm ở một nước sản xuất nhỏ lẻ, biên giới dài… xứng đáng thành lập một Ủy ban thuộc Chính phủ - ủy ban này cầm việc, cầm tiền, làm chính sách, kế hoạch điều phối việc của các ngành”, ông Triệu nhấn mạnh.
Cũng theo ông Triệu, ủy ban này cần một người đứng đầu là Phó Thủ tướng Chính phủ và tồn tại khoảng 15 -20 năm, khi tình hình tốt hơn sẽ nhập lại bộ.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh, Lê Quang Bình cho rằng, nếu lập ủy ban theo mô hình liên bộ như các ủy ban quốc gia về an toàn giao thông, về phòng chống tội phạm, hiệu quả sẽ không cao. Thực tế, theo ông Bình, có những lãnh đạo Bộ không nhớ mình tham gia bao nhiêu ủy ban hay có những cuộc họp ủy ban, danh sách toàn những Thứ trưởng, nhưng khi nhìn xuống thấy toàn… lãnh đạo cấp vụ.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Uông Chu Lưu cũng đặt vấn đề, nếu thành lập ủy ban, vị trí pháp lý của cơ quan này là gì?
Theo ông Lưu, trước đây chúng ta có Bộ, Ủy ban, cơ quan ngang bộ, nhưng đến khi sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã chủ trương không thành lập cơ quan ngang Bộ có chức năng quản lý nhà nước (hiện chỉ có có 3 cơ quan ngang Bộ là Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng, Ủy ban Dân tộc).
Chính vì vậy, nếu thành lập ủy ban sẽ không đúng với xu hướng đang thực hiện. Hơn nữa, an toàn thực phẩm không thuộc về riêng Bộ nào, nếu tiếp tục thành lập ủy ban sẽ không phù hợp với chức năng nhiệm vụ của các Bộ đang được giao.
Duy Phó Chủ tịch Quốc hội, Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị đưa đề xuất thành lập Ủy ban quốc gia về an toàn thực phẩm vào nghiên cứu. “Mô hình nào có thể đạt hiệu quả cao nhất thì ta làm, không vì tăng biên chế, rườm rà mà gạt bỏ”, ông Sơn bày tỏ.
Cũng theo ông Sơn, nếu không thực hiện theo mô hình ủy ban, khi xảy ra các trường hợp ngộ độc thực phẩm, ngược lên trên, ai chịu trách nhiệm, sẽ phải… “cãi nhau suốt”.
Không tán thành cả 2 quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Phùng Quốc Hiển lại đề xuất thành lập Tổng cục Quản lý an toàn thực phẩm thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Theo ông Hiển, cơ chế chính sách có thể do các Bộ, nhưng thực hiện quản lý do Tổng cục đảm nhận.
Chủ trì buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên thống nhất với đa số các ý kiến, không nên có một ủy ban chung chung, không có địa vị pháp lý cụ thể, không đủ mạnh để đảm nhận vai trò.
Theo ông Kiên, cần tiếp tục quan điểm, 2 bộ Y tế, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn làm trọn gói trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, trong đó Bộ Y tế đảm nhận cả khâu hậu kiểm. Với Bộ Công thương chỉ tập trung vào chống hàng giả, gian dối thương mại.
Cấn Cường