Bắc Bộ “vật vã” trong khô hạn
(Dân trí) - Bắc Bộ đang khô hạn nghiêm trọng, giao thông đường thuỷ trên sông Hồng có đoạn đã gần như tê liệt, nhiều diện tích trồng lúa phải chuyển sang trồng màu. Các hồ chứa dù “đói” nước vẫn nhận lệnh xả lũ ứng cứu hệ thống thuỷ lợi đang khát cháy.
Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT thông báo, trước thực trạng thiếu hụt nước tưới nghiêm trọng, trong vụ đông xuân 2009-2010 sẽ có khoảng 30.000ha lúa ở miền Bắc phải chuyển đổi sang trồng cây hoa màu. Dù vậy, nếu không có phương án xả nước từ các hồ chứa thì kể cả hoa màu cũng sẽ mất mùa, do nhiều địa phương không thể hoàn thành việc tích nước vì thời tiết năm nay quá thiếu mưa, ít lũ.
Do kho hạn nên nhiều diện tích trông lúa phải chuyển sang trồng màu. (Ảnh minh họa)
Trong cuộc họp khẩn cấp bàn cách chống hạn cho nông dân miền Bắc diễn ra tại Bộ NN& PTNT, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ, cho biết: năm nay, lượng nước thiếu hụt tại các sông hồ đã lên 40-60% khiến tình hình khô hạn ngày càng diễn biến phức tạp. Trong khi đó, từ nay đến tháng 2/2010, cả vùng Bắc bộ sẽ hầu như không có mưa. Bởi vậy, lượng nước trên các dòng chảy và phục vụ sản xuất nông nghiệp sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào nước xả từ các hồ chứa.
Nhưng theo báo cáo hiện chỉ có 2/17 hồ chứa lớn ở miền Bắc tích đủ nước phục vụ cho nông nghiệp. Hệ thống các hồ chứa phục vụ thuỷ điện cũng lâm vào tình trạng tương tự.
Tuy nhiên, trước tình hình khẩn cấp của hệ thống thuỷ lợi, Cục Thủy lợi và EVN đã thống nhất phương án phải xả lũ các hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang. Theo đó các hồ này sẽ xả lũ 3 đợt từ cuối tháng 1 tới cuối tháng 2/2010 cho đến tạm đáp ứng về nhu cầu nước tưới.
Phía EVN cho biết, với mức thiếu hụt nghiêm trọng về nước chứa tại các hồ thuỷ điện vào năm 2010, đơn vị này sẽ phải tăng cường mua và sản xuất điện từ nhiều nguồn khác nhau. Dù vậy, chắc chắn hiện tượng thiếu điện vẫn sẽ diễn ra trong mùa hè tới.
Nhằm tận dụng triệt để nguồn nước mà các hồ chứa thủy lợi sẽ xả theo yêu cầu, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương lập tức lên phương án gieo cấy tập trung. Nơi nào không đảm bảo vấn đề này sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm khi thiếu nước xảy ra.
Sông Hồng cạn nước khiến giao thông đường thuỷ tê liệt. (Ảnh TTXVN)
Hạn hán diện rộng cũng gây nhiều khó khăn cho giao thông đường thuỷ, trong tháng 11, sông Hồng đã cạn đến mức kỷ lục trong vòng 107 năm qua. Giao thông đường thủy luôn rơi vào tình trạng tê liệt do nhiều đoạn sông đã cạn trơ đáy. Hàng trăm tàu thuyền đã mắc cạn trên sông do mực nước xuống quá thấp.
Thanh Trầm