Hàng trăm tàu thuyền mắc cạn trên sông Hồng
Hơn 1 tháng nay, sông Hồng giống như một “đại công trường” sáng đèn suốt đêm chỉ để cứu tàu ra khỏi bãi cạn. Mỗi ngày có tới hàng trăm con tàu ngược từ Hà Nội lên các tỉnh mắc cạn do nước sông xuống thấp đến mức kỷ lục trong hơn 100 năm qua.
Mất tàu vì mắc vào bãi cát cuốn
Bến đò Vân Phúc, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) so với nửa tháng trước nước sông Hồng đã nhiều hơn đôi chút. Tuy nhiên, theo người dân bám nghề sông nước thì chưa khi nào họ thấy nước sông lại bất thường như năm nay. Theo chu kỳ hằng năm, sau Tết Nguyên đán nước sông Hồng mới ở mức cạn kiệt kỷ lục thì năm nay ngay từ tháng 10 có đoạn nước sông xuống thấp chỉ còn 1,2m.
Sông Hồng cạn kỷ lục trong vòng hơn 100 năm qua.
Nhắc đến bãi cát cuốn, hầu hết những người làm nghề sông nước đều biết hiểm họa của nó. Tuy nhiên, những bãi cát này lại là nơi tàu thuyền mắc cạn nhiều nhất. Có mặt ở bãi cạn Trung Hà (huyện Phúc Thọ) - một trong những bãi cát cuốn lớn trên sông Hồng, chúng tôi thấy gần chục chiếc tàu đang bị mắc cạn ở đây.
Một chiếc tàu chở cát có tải trọng trên 1 nghìn tấn đi từ Việt Trì (Phú Thọ) về đến đoạn này bị mắc cạn đang được Công ty TNHH Đầu tư thương mại và Dịch vụ Biển Đông (Công ty Biển Đông) dùng phương tiện kéo. Anh Doãn Văn Huấn, Công ty Biển Đông cho biết, nếu không được kéo ra khỏi bãi cạn kịp thời, con tàu này sẽ bị cát cuốn mất. Tàu cứu hộ phải sử dụng bộ điều tốc lớn, hơn 1h vất vả mới kéo được con tàu ra khỏi bãi cát lầy. Trong khi đó, nhiều con tàu khác vẫn phải nằm chờ với mối lo ngay ngáy.
Theo Công ty Biển Đông, sông Hồng chảy qua địa phận huyện Phúc Thọ có 2 bãi cạn là Cao Đại và Trung Hà thì cả 2 bãi này đều là bãi cát cuốn. Vào những ngày nước cạn kỷ lục (khoảng 1,2 đến 1,5m nước), tàu mắc cạn rất nhiều, từ 50 đến 60 chiếc/bãi. Ngày 29/11, hai tàu chở cát từ sông Lô (mỗi tàu nặng 600 tấn) khi đi đến địa phận bãi cạn Trung Hà đã đâm vào nhau làm một tàu bị đắm.
Công ty Biển Đông phải cho thợ lặn xuống thổi cát ra khỏi tàu, dùng cẩu lớn cẩu từng đầu tàu lên, rồi dùng máy bơm để hút nước ra. Sau 2 ngày con tàu đã được trục vớt an toàn. Hiện nay ở bãi Trung Hà có con tàu bị chìm cách đây 10 năm, do đợt này nước cạn tàu mới nổi mui lên khỏi mặt nước.
Theo ước lượng thì con tàu này khoảng 300 khối, là tàu chở cát, nhưng chưa có ai đến nhận và cũng chưa ai lặn xuống thám hiểm. Năm 2008, Công ty Biển Đông cũng trục vớt được con tàu bị chìm ở bãi Trung Hà cách đây 5 năm. Do vậy, khi tàu mắc cạn vào bãi cát cuốn Trung Hà và Cao Đại, nếu ban ngày chưa kéo được thì cả đêm công nhân của Công ty Biển Đông phải đốt đèn để kéo tàu vì sợ nó sẽ bị cát nhấn chìm.
Sông cạn: chi phí kéo tàu lớn
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ Phú Thọ đến khu vực Hải Bối có 7 bãi cạn, ngày nào cũng có tàu mắc cạn, thậm chí còn quá tải vào những ngày nước cạn đỉnh điểm. Từ huyện Phúc Thọ đến Chèm (huyện Từ Liêm) có 2 đơn vị cứu nạn là Công ty Biển Đông và Công ty Hoa Nam, chỉ hoạt động 7 tháng/năm (mùa khô). Mỗi phương tiện qua đây vào mùa nước cạn thường mua vé cứu hộ từ 50 đến 150 nghìn/lượt (tùy vào tải trọng của tàu). Tàu nào mua vé khi bị mắc cạn thì tàu cứu hộ đến kéo không thu phí.
Còn tàu nào không mua vé, khi bị mắc cạn phải thuê phương tiện đến kéo, làm hợp đồng với giá cao gấp đôi. Những ngày cao điểm có tàu phải chờ đến ngày thứ 2 mới được kéo, hoặc có tàu mắc sâu vào trong bãi cạn phải chờ nước lên mới kéo được. Tuy nhiên, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy của nhiều nhà tàu vẫn còn kém, tranh lên và tranh xuống luồng khiến tai nạn, bục, đắm thuyền thường xảy ra.
Năm 2009 đã có gần 20 con tàu được Công ty Biển Đông trục vớt từ những vụ va chạm trên. Nhất là ở khu vực cầu phao Chèm, do cầu phao mở cửa từ 23h đến 5h nên tàu nào cũng tranh nhau đi và lao vào bãi cạn. Trung bình một ngày có khoảng 30 con tàu bị mắc cạn tại đây.
Trên dòng sông Hồng qua địa phận Hà Nội có nhiều công ty được cấp phép làm công tác dịch vụ cứu hộ. Do cấp phép còn đan xen nên nhiều tàu thuyền khi bị nạn mà không mua vé trước, khi gọi cứu hộ thường bị ép giá hoặc chèn giá cao.
Sông Hồng cạn kiệt, kéo theo nó là những hệ luỵ trong hoạt động vận tải, cuộc sống của ngư dân bám vào sông nước ngày càng trở nên bấp bênh. Thiết nghĩ, để đảm bảo cho ngư dân, tàu thuyền qua lại, các cơ quan chức năng cần cắm cọc tiêu, biển báo khu vực nguy hiểm để tàu thuyền không mắc cạn, đặc biệt là phân rõ ranh giới đơn vị nào được cứu hộ ở đoạn sông nào để các phương tiện dễ bề liên lạc. |
Theo Nhật Minh
Công an nhân dân