1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bắc bộ có dấu hiệu hạn hán khốc liệt

Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương Nguyễn Lan Châu vừa cho biết, mùa khô 2005-2006 có khả năng khốc liệt hơn 2004-2005, vốn được đánh giá là khô hạn nghiêm trọng nhất trong vòng 40 năm trở lại đây. Tình trạng thiếu điện, thiếu nước có thể tiếp diễn.

Xin bà cho biết cơ sở nào để khẳng định mùa khô sắp tới sẽ khốc liệt hơn năm 2004-2005?

 

Năm nay, đỉnh lũ trên các sông ở Bắc Bộ vào loại nhỏ, thấp hơn năm ngoái và thấp hơn trung bình nhiều năm gần 1 m. Ví dụ, đỉnh lũ trên sông Hồng tại Hà Nội chỉ đạt 9,52 m, ở mức báo động 1; sông Thái Bình tại Phả Lại là 4,05 m, trên báo động 1 khoảng 0,55 m.

 

Đỉnh lũ nhỏ, trong khi mùa lũ Bắc Bộ lại kết thúc sớm. Theo quy luật, mùa lũ ở khu vực này kết thúc vào cuối tháng 8, đầu tháng 9. Nhưng năm nay cuối tháng 8 chỉ có đợt lũ nhỏ và đến bây giờ thì dứt hẳn.

 

Mực nước hiện nay trên các sông chính ở Bắc Bộ so với cùng kỳ 2004 đều thấp hơn từ 0,6 đến 1 m.

 

Cả 3 dấu hiệu trên cho thấy mùa khô hạn ở Bắc Bộ sẽ căng thẳng hơn năm 2004-2005, năm được đánh giá là khốc liệt trong vòng 40 năm trở lại đây. Sự khốc liệt ngoài lý do thời tiết còn do nhu cầu dùng nước, dùng điện không ngừng tăng.

 

 

Bà có những dự báo nào về những khu vực sẽ căng thẳng vì hạn hán?

 

Vùng núi bị tác động đầu tiên, hạn có thể đến sớm, khoảng tháng 11. Vùng đồng bằng phải đến tháng 12 mới bước vào mùa khô hạn do hiện nay còn vài đợt mưa và được hưởng một chút từ mùa lũ ở miền Trung (miền Trung bây giờ mới vào mùa mưa lũ).

 

Vậy theo bà, cần phải làm gì để giảm thiệt hại của hạn hán?

 

Mùa khô kéo dài tới 7-8 tháng, để đủ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cần xây dựng các hồ chứa. Bên cạnh đó phải tiết kiệm nước tối đa. Riêng về hồ Hòa Bình, do thấy trước khả năng thiếu điện, Nhà máy thủy điện Hòa Bình đã cho tích nước từ ngày 14/8, sớm hơn so với quy trình 11 ngày.

 

Theo Như Trang
VnExpress