Bình Định:
Bà lão mù 20 năm lặn dưới đầm Ô Loan
(Dân trí) - Hơn 20 năm nay, người dân sống xung quanh đầm Ô Loan (huyện Tuy An, Phú Yên) vẫn thường chứng kiến hình ảnh một người đàn bà mù cả hai mắt, quanh năm ngụp lặn dưới đầm bắt từng con hàu mưu sinh.
Sinh ra tại một làng quê nghèo của tỉnh Phú Yên, hoàn cảnh gia đình khó khăn, quanh năm sống bên sông nước nên từ nhỏ bà Lựu đã phải tiếp xúc với cuộc sống mênh mông đầm nước. Từ chèo sõng, ngụp lặn, bắt hàu, mò điệp, chấn tôm…, đến lên núi cắt tranh, nhổ sắn, mì thuê, kiếm củi. Dù là nữ nhi nhưng mọi công việc bà đều làm rành rọt chẳng thua đám trai làng.
Như bao người phụ nữ khác, bà Lựu lấy chồng và sinh đến 6 người con. Những tưởng cuộc sống cứ bình yên trôi đi, ai ngờ năm 1988 tai họa ập xuống, đôi mắt bà bị mù vĩnh viễn.
“Lúc đầu tôi cảm thấy mắt mình đau, kèm nhèm, cứ tưởng bị nhặm bình thường, không có tiền mua thuốc nên chỉ xông và nhỏ nước muối. Càng ngày mắt càng đau, một sáng thức dậy, tôi không thấy gì nữa cho đến giờ. Sau này tôi nghe người ta bảo do đập hàu, vỏ hàu có chất dâu găm vào mắt nên mắt mù luôn. Giờ biết thì đã muộn” - bà Lựu kể lại tai nạn của đời mình.
Có những lúc bà Lựu nghe hàng xóm khoe bắt được nhiều hàu nhiều tôm, bà lại thấy lòng nôn nao muốn quay lại nghề cũ. Cho đến một bà quyết định dậy thật sớm, lấy cây dầm, cái thau và bộ
áo mưa, mò ra bến đầm lần được sợi dây neo chiếc sõng của mình rồi bước xuống đầm trở lại nghề cũ. Nói về những tháng ngày gian truân, bà Lựu cười buồn tâm sự: “Cái gì lúc đầu chẳng khó, dần dần rồi cũng quen cả thôi. Ngồi không lâu ngày, chân tay nó quẩn. Phải đi làm mới có tiền nuôi con”.
Từ đó đến nay, bất kể trời nắng hay mưa, ngày nào bà Lựu cũng lội đầm kiến tiền mua gạo. Và đầm Ô Loan gần như chỗ nào cũng có dấu chân của người đàn bà mù ấy.
Hàng ngày, bà Lựu thức dậy từ 4 giờ sáng, ăn tí cơm nguội rồi chuẩn bị đồ nghề gồm một cái rựa gãy để cạy hàu, một cái thau nhôm to bằng cái thúng, một bộ áo tơi rồi dắt sõng ra đầm bắt đầu một ngày mưu sinh. Những chỗ nước sâu, không lội được bà cắm sõng neo lại rồi dùng đôi chân rà dưới mặt đầm, tay cầm cái thau nhôm, khi nào phát hiện có hàu thì cứ thế lặn xuống đầm bắt lên.
Bà Lựu cho biết: “Con hàu thường bám trong các rạn san hô, bờ đá nên tôi dùng chân để dò tìm, khi phát hiện phải ngụp lặn xuống, cạy lấy. Đi bắt hàu chuyện dập móng chân, tét tay vì vỏ hàu chém là chuyện thường. Nếu trời yên thì không khó gì nhưng những lúc trời động, sóng lớn mực nước sâu, một mình rất sợ sõng chìm. Tuy nhiên bao nhiêu năm lặn đầm, nhờ ông bà thương nên không gặp chuyện trở ngại. Những năm gần đây, do tuổi già nên ngâm mình lâu dưới nước thường bị lạnh, bệnh cảm”.
Đối với người mù, chuyện lặn bắt hàu đã khó, để bán được con hàu còn gian truân hơn. Đặc điểm con hàu bắt từ đầm nhìn bề ngoài như một cục đá xù xì, người bắt phải đập bỏ cái phần xấu xí đó mới lấy được cục thịt căng mọng bên trong. Bà Lựu kể: “Trước đây mình còn khỏe, hàu còn nhiều, mỗi ngày tôi bắt được vài chục ký, bán kiếm tiền mua gạo nuôi đàn con khôn lớn. Do những năm gần đây đầm ngày càng cạn kiệt, mỗi ngày khó khăn lắm cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng...”.
Đến nay, dù đã bước sang tuổi 63 và có hơn 20 năm lặn dưới đầm kiếm sống, có những lúc gặp nguy hiểm đến cả tính mạng, dù bị con cháu ngăn cản không cho đi đầm, bà Lựu vẫn không thể từ bỏ được nghề mưu sinh mấy mươi năm của mình. Những hôm trời yên nước lặng, hàu xuất hiện nhiều là bà lại đi. “Làm cái nghề này bao nhiều năm rồi giúp tôi nuôi 6 đứa con khôn lớn. Bây giờ không đi thấy thiếu vắng lắm” - bà Lựu cười lý giải.
Chuyện bà Lựu mù quanh năm lặn đầm bắt hàu đã khiến người dân nơi đây vô cùng nể phục. “Dù bị mù nhưng bà ấy giỏi lắm, suốt ngày cứ ngụp lặn dưới nước không biết mỏi, chúng tôi sáng mắt mà còn phải thua bà”- bà Huỳnh Rây, 55 tuổi, một người hàng xóm, chia sẻ.
Doãn Công - Tuy An