1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bà lang phá thai bằng que

Sau khi phá thai bằng que tại nhà bà lang Tình ở xóm Cọi, xã Yên Phú, Lạc Sơn, Hòa Bình, chị Bùi Thị Thịm phải cấp cứu tại bệnh viện tỉnh trong tình trạng sốc nặng. Các bác sĩ phải cắt bỏ tử cung để giữ mạng sống cho chị.

Người phụ nữ trên chỉ là một trong nhiều nạn nhân của bà lang Tình (tên thật là Bùi Thị Ẻ), nổi tiếng vì "tài" phá thai bằng que. Nhiều ca tai biến sản khoa đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra sau khi thai phụ đến với bà. Các ngành chức năng cũng đã không ít lần lập biên bản nhắc nhở, yêu cầu bà chấm dứt việc hành nghề phá thai trái phép, nhưng rồi đâu vẫn hoàn đó.

 

Một trong các nạn nhân của bà Tình là chị Bùi Thị Ân, quê ở huyện Lạc Sơn. Người phụ nữ này tìm đến nhà bà để phá thai 3 tháng. Một ngày sau khi được bà lang đặt đoạn que có đầu vót nhọn buộc kèm một đoạn dây vào cơ thể, chị Ân thấy đau quặn ở vùng bụng dưới, người lúc nóng lúc lạnh, ra huyết đen từng đợt.

 

Nghĩ là cái thai đang "ra" theo đúng chỉ dẫn của bà lang, chị Ân cố nhịn đau nằm nhà chờ. Chỉ đến khi thấy bị co giật từng cơn, mắt lờ đờ, người nhà mới vội vàng đưa chị đến trung tâm y tế huyện Yên Thuỷ. Lúc này bệnh nhân đã ở trong tình trạng vô cùng nguy kịch. Các bác sĩ cho biết, chỉ cần cấp cứu chậm một chút nữa, bệnh nhân Ân sẽ khó bảo toàn được tính mạng do bị sốc trụy mạch, nhiễm trùng huyết.

 

Các bác sĩ ở trung tâm y tế hai huyện Yên Thủy, Lạc Sơn và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã tiếp nhận nhiều ca cấp cứu tai biến sản khoa có chung các triệu chứng như hai phụ nữ kể trên. Có những nạn nhân sau khi mổ cấp cứu, các bác sĩ lấy ra được nguyên đoạn que đã thâm đen, bốc mùi và những sợi dây loằng ngoằng không biết làm từ chất liệu gì.

 

Mặc dù đã gây nhiều tai nạn (gần đây nhất là vụ chị Thịm, xảy ra cuối tháng 5) nhưng bà Tình vẫn tiếp tục "hành nghề". "Cơ sở y tế" của bà là một căn lều nhỏ, rộng không quá 3 m2, tối tăm, ẩm thấp, nằm giữa nương sắn ngay sát chân cầu Vụ Bản. Bà lang đã 74 tuổi, thâm niên phá thai đã 32 năm. Bà cho biết bí quyết để cho thai "ra" là do mẹ bà truyền lại, muốn phá thai bao nhiêu tháng tuổi cũng nhận. "Bệnh nhân" phải sửa cho bà một cái lễ nhỏ để tế thần linh; còn tiền công thì cứ mỗi tháng tuổi thai tính 100.000 đồng.

 

Khi được hỏi có bị chính quyền địa phương cấm hoặc phạt gì không, bà lang Tình trả lời: "Mới bị chính quyền và các bác sĩ bắt viết tờ giấy bảo không được phá thai cho mọi người như thế này nữa. Nếu còn tiếp tục làm, có ai chết là bà phải đi tù đấy. Từ hôm viết giấy đến giờ bà cũng làm cho 4 người nữa rồi, thai toàn từ 5 tháng trở lên mà có thấy ai bị làm sao đâu!". Bà lang không quên dặn khách nếu có làm ở chỗ bà thì cũng kín tiếng đừng để chính quyền biết.

 

"Đồ nghề" của bà lang là mớ dây bùng nhùng như được tước từ sợi đay và chiếc "que thuốc" được bẻ từ ngoài vườn. Bà cho biết đoạn que thuốc này sau khi "chài tiếng" (đọc bùa chú để làm phép) sẽ được vót nhọn một đầu, buộc vào đoạn dây kể trên và "đưa vào cổ tử cung để gọi cái thai ra". Tùy tuổi thai và cơ thể mỗi người, cái thai sẽ ra sau 5-10 ngày và khi đó sản phụ có thể "dậy đi làm luôn mà không phải kiêng cữ gì".

 

Ông Nguyễn Đình Hoàn, Trưởng phòng y tế huyện Lạc Sơn, cho biết, từ năm 1998, Trung tâm Y tế và chính quyền huyện Lạc Sơn đã lập biên bản xử phạt hành chính đối với bà lang Tình, yêu cầu bà làm cam kết không tái phạm. Thế nhưng suốt từ đó đến nay, bà vẫn lén lút nhận phá thai cho những người có nhu cầu. Chính quyền biết, y tế biết, các ngành chức năng khác cũng biết nhưng để "bắt tận tay, day tận trán" thì khó khăn vô cùng. Đã nhiều lần, nhà chức trách kiểm tra căn lều nơi bà Tình vừa ở vừa hành nghề nhưng không phát hiện dụng cụ y tế hay bệnh nhân nào cả.

 

Cũng theo ông Hoàn, mới đây, bà lang Tình đã chịu viết bản cam kết thừa nhận việc hành nghề trái phép của mình và hứa sẽ không tái phạm. Tuy nhiên, một mình ngành y tế sẽ không đủ sức để "theo sát" và ngăn chặn việc tiếp tục hành nghề nạo phá thai trái phép của bà. Ngoài sự phối hợp của các cơ quan chức năng khác, điều quan trọng hơn cả là phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục để cho nhân dân hiểu sự nguy hiểm của việc phá thai chui.

 

Tiến sĩ Nguyễn Đức Hinh, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết, phá thai chỉ được làm ở các cơ sở y tế được phép tiến hành thủ thuật này. Việc phá thai chui đe dọa mạng sống thai phụ hoặc ảnh hưởng đến chức năng sinh đẻ, có nhiều người đã vĩnh viễn không còn khả năng làm mẹ nữa. Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng đã tiếp nhận không ít trường hợp do phá thai lén lút mà dẫn đến thủng, vỡ tử cung, viêm phúc mạc, nhiễm trùng huyết… Có trường hợp dù đã cắt tử cung nhưng cũng không cứu được sản phụ.

 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, phá thai đứng vị trí thứ ba trong số các nguyên nhân gây tử vong cho phụ nữ mang thai; và Việt Nam nằm trong số các nước có tỷ lệ phá thai cao. Các trường hợp phá thai lén lút thường rơi vào những người trẻ tuổi, chưa xây dựng gia đình.

 

Theo Sức Khỏe & Đời Sống

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm