1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
  3. Thảm họa lũ quét Làng Nủ

Ba học sinh bị dụ làm phu cà phê

Huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) có một số học sinh cấp 2 bị lừa ra Lâm Đồng hái cà phê. Hai em vừa được gia đình giải cứu, một em đã mất tích.

Căn nhà của vợ chồng ông Vũ Sỹ Lung (ấp 3, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) mấy tháng nay vắng hoe, chiếc máy xay xát nhỏ không hoạt động. Hai vợ chồng ông tốn rất nhiều tiền để đi tìm con trai là Vũ Sỹ Huy (sinh năm 1997), học sinh lớp 8 Trường THCS Tân Kiều, đi đâu không rõ từ tháng 10/2010 đến nay.

 

Ông Lung sụt sùi kể, hôm 28/10/2010, Huy đi học bình thường nhưng tối mịt vẫn không thấy về. Ông Lung chạy khắp xóm hỏi thăm, không ai biết. Sau đó mấy đứa bạn cho biết có thấy ông Hiếu chạy xe ôm chở Huy ra hướng chợ Mỹ An. Tìm gặp ông Hiếu, ông này chỉ nói ngắn gọn: “Thằng Huy đi Sài Gòn rồi”. Hôm sau, Huy điện thoại về báo tin có người thuê đi làm ăn xa ở Lâm Đồng rồi từ đó bặt tin luôn.

 

“Tôi đã nhờ người thân ở Lâm Đồng vào huyện Lâm Hà tìm cháu Huy. Cả bà con dòng họ đã đi khắp các rẫy cà phê, cao su ở Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước nhưng cũng không tìm được. Tôi và vợ bỏ công ăn việc làm, đã tốn gần 20 triệu đồng để đi tìm cháu, đêm nào vợ tôi cũng khóc vì nhớ con” - ông Lung nói.

 

Sau khi Huy mất tích năm ngày, đến lượt hai em học cùng lớp với Huy là Lý Minh Hiếu và Phạm Quốc Hảo cũng… biến mất. Theo thầy Nguyễn Hiền, Hiệu trưởng Trường Tân Kiều, ba em đều là học sinh loại khá trở lên, đạo đức tốt.

 

Ba học sinh bị dụ làm phu cà phê - 1

Ông Vũ Sỹ Lung và tấm ảnh đứa con trai đã mất tích.

 

Gia đình các em này đi tìm và đều được ông Hiếu xe ôm cho biết đã chở các em ra Bến xe Tháp Mười đi Sài Gòn làm việc. Đến ngày 5/11/2010, em Hảo mượn được điện thoại của người bạn gọi về cho cha báo tin em đang bị bắt ép vào một đồn điền cà phê ở Lâm Hà để làm việc. Em Hảo khóc nức nở kêu cha lên giải cứu vì điều kiện ăn ở, làm việc quá cực nhọc. Hảo còn cho số điện thoại của người thuê lao động.

 

Ngày 6/11/2010, cha em Hảo thuê ôtô lên Lâm Hà. Năn nỉ hết lời, cuối cùng người thuê lao động đồng ý cho chuộc người với điều kiện gia đình không được báo tin cho công an. “Tôi đồng ý vậy nhưng họ hướng dẫn chạy lòng vòng thị trấn Lâm Hà mấy tiếng đồng hồ mới cho biết đồn điền cà phê ở thôn Sóc Sơn, xã Nam Hà, huyện Lâm Hà. Từ Sóc Sơn phải đi sâu vô rừng gần 20 km mới tới chỗ mấy đứa nhỏ ở” - cha em Hảo nhớ lại.

 

Khi đến nơi, ông thấy Hảo, Hiếu bị nhốt chung với hơn 20 em khác trong một lán trại giữa rẫy cà phê. Người đại diện cho ông chủ rẫy ra giá: Ông phải đóng tiền chuộc 1,5 triệu đồng/người (tiền mua lao động), trả tiền ăn 50.000 đồng/người/ngày. Cha của Hảo đã bỏ tiền ra chuộc Hảo, Hiếu và một em quê ở Sóc Trăng, ngay trong đêm đó tức tốc chở về Tân Kiều.

 

Làm từ sáng đến tối mịt

 

Tụi em được ông Hiếu xe ôm dụ dỗ lên TPHCM làm sẽ có nhiều tiền. Ông Hiếu chở ra bến xe đò đi TPHCM, đến TPHCM thì tụi em được một người lạ đón ở Bến xe Miền Tây, sau đó đưa thẳng lên Lâm Hà, buộc vào rẫy cà phê làm việc. Tụi em không biết mặt và tên người chủ. Tụi em bị người quản lý buộc hái cà phê, vác cà phê từ sáng sớm đến tối mịt, nếu không làm thì không cho ăn cơm. - Em PHẠM QUỐC HẢO, học sinh lớp 8 Trường THCS Tân Kiều, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp.

 

Địa phương đang truy tìm

 

Bước đầu, UBND, công an xã xác định ba em học sinh Huy, Hiếu, Hảo bị kẻ xấu dụ dỗ ra Lâm Đồng làm phu hái cà phê. Sau khi gia đình trình báo, địa phương đã tiến hành xác minh, điều tra, phối hợp với đội cảnh sát hình sự công an huyện làm rõ vụ việc. Hiện hai em Hảo, Hiếu đã được gia đình giải cứu, riêng em Huy bị mất tích, công an huyện đang tiếp tục truy tìm tung tích. - Ông NGÔ VĂN TRANG, Chủ tịch UBND xã Tân Kiều

 

UBND tỉnh chưa nghe địa phương báo cáo nhưng theo tôi vụ việc này rất nghiêm trọng. Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh làm rõ vụ việc và phải nhanh chóng phối hợp với các cơ quan chức năng ở tỉnh Lâm Đồng tìm kiếm em Huy đưa về đoàn tụ gia đình. - Ông LÊ MINH HOAN, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

 

Theo Hùng Anh

 Pháp Luật TPHCM