1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

ĐBSCL:

Bà con vùng lũ “eo sèo” vì nước lớn không về

(Dân trí) - Gần đến đỉnh mùa nước nổi, nước ở các huyện đầu nguồn tỉnh An Giang, Đồng Tháp,… vẫn chưa về. Nhiều nông dân lo ngại vụ mùa đông xuân tới sẽ thất thu, dịch bệnh sẽ nhiều,… Những hộ sống bằng nghề cung cấp câu lưới cũng thất thu đáng kể.

Nghề câu, lưới thất thu

 

Nhiều người dân sống ở vùng “rốn lũ” cho biết: Năm nào nước về nhiều, nguồn thủy sản trở nên dồi dào, bà con tha hồ giăng lưới, cắm câu, đặt dớn, kéo vó,… Còn năm nào nước về ít như năm nay thì sản vật thiên nhiên giảm, cá tôm ít, bà con thất thu đáng kể.
 
Thời điểm này, đi đến đâu chúng tôi cũng nghe bà con sống nghề chài lưới than phiền. Anh Nguyễn Minh Tân - xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), sống bằng nghề đặt lọp cua - cho biết: Mỗi năm lũ lớn, với hơn 200 cái lọp, đặt một ngày anh thu được gần 50-60kg cua đồng. Năm nay lũ nhỏ, cũng với số lọp đó anh chỉ kiếm được 5-10kg một ngày.

 

Anh Nguyên Thanh Hiên - ở xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai (Cần Thơ) - ngậm ngùi: "Cứ tưởng năm nay nước lớn bán 2 bầy vịt hơn 100 con, lấy tiền mua hết 400 thước lưới cá linh để giăng kiếm chút đỉnh trong mùa nước nổi này. Ai dè gần nửa tháng 10 rồi mà nước ngoài đồng chỉ cao đến gối thì làm sao có cá mà giăng?".
 

Bà con lo lắng khi nước lớn không về

Bà con lo lắng khi nước lớn không về
 

Anh Lê Văn Nương - thương lái bán sản vật mùa lũ ở chợ Tháp Mười - thì chia sẻ: “Lũ lớn như năm rồi, mỗi ngày tôi thu vô hàng chục kí rắn, hàng trăm kí lươn; rồi rùa, cua, ốc dồi dào từ bên nước bạn Campuchia chở qua. Năm nay các mặt hàng đó giảm đáng kể từ 4-5 lần so với năm ngoái, khiến thu nhập của gia đình cũng teo tóp theo”.

 

Có thể nói, cá linh là nguồn lợi dồi dào nhất của các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp,… trong mùa lũ. Năm trước vào thời điểm này, mỗi ngày lượng cá linh tập trung về các chợ đầu mối hàng chục tấn, còn năm nay tới giờ này vẫn khan hiếm. Ai có hàng bán đắt như tôm tươi, giá cá biến động có khi lên đến trên dưới 100.000đ/kg.

Ông Võ Văn Bé, một lão nông ở xã Khánh An, huyện An Phú, An Giang cho biết: Những ngày này năm trước, bà con ở các huyện đầu nguồn đã vui vẻ sống chung với lũ, bằng cách tận dụng mùa lũ để làm giàu như đánh bắt, nhổ bông súng và khai thác các loài đặc sản như rùa, rắn, lươn, cua, ếch... Nhưng năm nay mực nước quá thấp, nguồn lợi thiên nhiên trở nên hiếm hoi.

 

Làng nghề truyền thống cũng “eo sèo”

 
Nước về trễ không chỉ gây thất thu đáng kể cho bà con sống bằng nghề câu lưới mà còn ảnh hưởng đến các làng nghề chuyên phục vụ đồ nghề câu lưới như làng nghề câu lưới ở Thơm Rơm (Cần Thơ), làng nghề ghe xuồng ở Ngã Bảy (Hậu Giang).
 
Những ngày này năm trước, làng lưới Thơm Rơm, ở xã Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ đã rất nhộn nhịp, tất bật khách vào ra mua lưới. Ông Phạm Văn Tấn, chủ một cơ sở lưới, cho biết, năm ngoái thời điểm này tha hồ nhận đơn đặt hàng từ các tỉnh bạn, còn năm nay mỗi ngày chỉ gửi 5, 6 món là mừng.

Nước về trễ, lang làng lưới Thơm Rơm (Cần Thơ) trở nên im ắng thế này

Nước về trễ, lang làng lưới Thơm Rơm (Cần Thơ) trở nên im ắng thế này

Các làng đóng ghe, xuồng ở rạch Bà Đài, xã Long Hậu, huyện Lai Vung (Đồng Tháp); làng xuồng ở thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang),… thời gian này không khí mua bán cũng eo sèo theo con nước ròng. Không còn cảnh tất bật của những thợ mộc cởi trần, mồ hôi nhễ nhại gắng làm việc hết công suất để kịp giao hàng cho bà con.

Ông Nguyễn Văn Thanh - một lão mộc chuyên đóng ghe xuồng ở Bà Đài - cho biết: “Trong xã có hơn 400 hộ dân chuyên sản xuất, kinh doanh ngành nghề này. Những thợ rành nghề có việc làm quanh năm, mỗi ngày thu nhập khoảng 150.000 đồng. Đến tháng 6 âm lịch là các thợ làm việc không có ngày nghỉ. Tuy nhiên đến giờ này xuồng ghe của các cơ sở đã sẵn sàng mà người đến mua vắng ngắt. Chúng tôi cũng đang lo khi nước vẫn chưa về”.

Làng nghề ghe xuồng ở thị xã Ngã Bảy cơ sở nào cũng đầy hàng chờ người mua. Anh Nguyễn Văn Thành - một nông dân ở Ngã Bảy - ngán ngẩm: “Tình hình nước hiếm hoi thế này thì mua xuồng về chắc để trồng hành chứ có giăng lưới cấm câu gì được mà đầu tư cho tốn kém!”.

Ngoài việc, bà con cũng lo nước về ít, phù sa vơi, vụ mùa năm sau sẽ thất thu, dịch bệnh sẽ nhiều, đặc biệt là nạn sâu, chuột sẽ có cơ hội hoành hành.
 
Ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, cho biết: “Để chuẩn bị đón con nước về như những năm trước, năm nay tỉnh có kế hoạch mở rộng diện tích xuống giống tôm càng xanh mùa lũ đến 2.000ha, tăng khoảng 700ha so với năm ngoái. Nhưng đến nay tỉnh chỉ xuống giống được 1.300ha, tập trung chủ yếu ở huyện Tam Nông và một số huyện đầu nguồn”.
 
Địa phương có diện tích xuống giống tôm càng xanh mùa lũ lớn nhất tỉnh là huyện Tam Nông. Năm 2011 diện tích xuống giống đạt trên 800ha. Dự kiến năm nay xuống giống 1.000ha. Nhưng nếu nước không lớn hơn, e rằng người nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn.
 
Theo nhiều hộ dân nuôi tôm ở các huyện đầu nguồn: “Năm nay nước chỉ ngập ngang đầu gối; nước nhỏ như vậy nuôi tôm không lớn, lại tốn nhiều tiền thức ăn, gấp 2-3 lần so với nước lũ nhiều”. 
 

Nguyễn Hành