1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

ATM hết tiền, làm sao ăn tết?

Lượng giao dịch tăng 40-50%, kẹt đường nên khó chuyển tiền đến các máy ATM... là những lý do mà các ngân hàng giải thích cho hàng triệu chủ thẻ không thể rút tiền ATM trong những ngày giáp tết.

Nhưng nguyên nhân lớn nhất chính là hạ tầng ngành ngân hàng chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển quá nhanh.

Vietcombank là ngân hàng sở hữu số lượng máy ATM lớn nhất nước, với hơn 1.000 máy chủ yếu đặt ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM. Nhưng hệ thống máy ATM của ngân hàng này đã tê liệt từ nhiều ngày nay khiến cho các chủ thẻ của Vietcombank “khóc dở, mếu dở”.

Rất ít giao dịch của chủ thẻ ATM Vietcombank ở Hà Nội thành công trong nhiều ngày qua. Câu trả lời tự động từ các máy rút tiền là: “hết tiền” hoặc “giao dịch không thành công”.

Một liên minh thẻ lớn ở Việt Nam hiện nay và có số lượng máy ATM nhiều thứ hai sau Vietcombank là Ngân hàng Đông Á (EAB) cũng gặp tình trạng tương tự.

Chạy qua một số điểm đặt máy tại các đường Nguyễn Chí Thanh, Ngọc Hà, đường Láng (Hà Nội) trong ngày 2/2 nhưng các máy ATM của EAB ở đó đều thông báo: “Hết tiền”. Nhiều điểm khác là các máy mới trong tổng số 300 máy mới được lắp đặt năm 2008, nâng tổng số máy của EAB lên 1.000 máy (tương đương Vietcombank) nhưng chưa thể sử dụng được vì còn đang niêm phong.

Bên cạnh đó là các máy ATM của ACB, VP Bank đều lâm vào tình trạng tương tự.

Ở các ngân hàng khác, nhiều chủ thẻ đã chạy thẳng vào ngân hàng để lấy mẫu khai báo rút tiền trực tiếp từ tài khoản thẻ. Có điều, các ngân hàng chỉ làm việc đến 11h trưa ngày thứ Bảy (2/2), ngày 3/2 là ngày nghỉ, bởi thế, các cánh cửa ngân hàng đều đóng lại trước mắt các chủ thẻ đang cần tiền chi tiêu trong dịp tết.

Giải thích của hầu hết đại diện các ngân hàng về việc không rút được tiền qua ATM trong những ngày gần đây là do nhu cầu rút tiền tăng từ 40% đến 50%. Lý do khác là tắc đường nên việc “bơm” tiền cho các máy ATM không thể kịp được.

Ông Trịnh Thượng Thức, trưởng phòng thẻ của ngân hàng Vietcombank chi nhánh TPHCM, cho biết ngân hàng đã lường trước được việc này nhưng đây thật sự là thời gian cao điểm nhất trong năm nên khó mà khắc phục. “Việc này luôn diễn ra trong thời gian 10 ngày trước tết và sẽ kéo dài đến trưa 30 tết”, ông nói.

Ngân hàng đã chủ động nhập thêm 70 máy ATM, nâng tổng số máy ATM của Vietcombank tại TPHCM lên 300 máy. Mỗi ngày lượng tiền mặt cung cấp riêng cho các máy ATM của Vietcombank chi nhánh TPHCM là 100 tỉ đồng và nếu tính chung tiền cung cho hệ thống ATM của Vietcombank trên toàn TPHCM là 150 tỉ đồng, gấp đôi so với ngày thường.

Ngay cả Ngân hàng Nhà nước cũng không thể cung cấp đủ tiền mặt cho các ngân hàng phục vụ việc rút tiền của người dân, mà bản thân Vietcombank TPHCM phải chạy vạy để huy động tiền từ các chi nhánh và ngân hàng khác trên địa bàn. Bộ phận tích tiền cho ATM mỗi ngày phải làm việc đến 8h tối, còn các đội vận chuyển tiền thì hoạt động đến 9-10h tối, ông Thức cho biết.

Theo ông Thức, tình trạng kẹt xe trong thành phố cộng với việc máy ATM hay bị kẹt vì các tờ tiền mới dính với nhau (tiền cũ đã sử dụng hết) cũng khiến khách hàng mất nhiều thời gian chờ đợi.

Ông Thức khuyên khách hàng cố gắng linh động tìm điểm ATM khác gần với nơi mình đứng nhất bằng cách tham khảo danh sách địa điểm các nơi có đặt ATM của Vietcombank được dán tại mỗi nơi rút tiền.

Nếu trong giờ hành chính, khách hàng có thể đến các chi nhánh và phòng giao dịch của Vietcombank trên địa bàn thành phố để rút tiền. Chi nhánh và phòng giao dịch sẽ phục vụ đến hết ngày thứ Ba (29 tết).

“Chủ thẻ có thể đến 130 điểm giao dịch của VP Bank để rút tiền nếu máy có vấn đề”, ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc VP Bank, gợi ý. Nhưng vào hai ngày nghỉ cuối tuần như vừa qua, ngân hàng đóng cửa, gợi ý này xem ra không có tác dụng.

Theo Ngọc Lan - Thủy Triều
Thời báo Kinh tế Sài Gòn