"Áp lực điểm số không ngừng tăng khiến học sinh trầm cảm"
(Dân trí) - "Việc học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử xảy ra trong thời gian gần đây có liên quan tới vấn đề điểm số và học lực đang không ngừng tăng lên, gây hệ lụy cho xã hội" - đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung nói.
Sáng nay (1/6), Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (đoàn Hải Dương) nêu vấn đề về áp lực học từ nhà trường, gia đình và học sinh. Theo bà Dung, đây là nguyên nhân hàng đầu gây tự kỷ ở trẻ, dẫn tới nhiều vấn đề tâm sinh lý khác ở học sinh, sinh viên hiện nay.
"Đáng buồn hơn, việc học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử xảy ra trong thời gian gần đây có liên quan tới vấn đề điểm số và học lực vẫn đang không ngừng tăng lên gây hệ lụy cho xã hội. Chúng ta đang tạo ra áp lực cho giới trẻ từ nhiều phía?" - bà Dung cho hay.
Nữ đại biểu đoàn Hải Dương cho rằng, giáo dục ở Việt Nam chỉ có học, học và học, thiếu đi những mô hình trải nghiệm, những chương trình ngoại khóa gắn kết với tự nhiên, thiếu không gian xanh hoạt động ngoài trời cho học sinh, thay vào đó là quy hoạch những mô hình kinh doanh quán xá, game, bia hơi, karaoke…
"Giới trẻ thiếu đi sự vận động tự nhiên ngoài trời, thay vào đó là không gian gò bó với những áp lực thành tích ảo, chỉ tiêu ảo từ nhà trường và gia đình đặt ra. Tôi thiết nghĩ, học tập không chỉ từ phía gia đình, nhà trường mà cả xã hội, do vậy cần xây dựng mô hình công cộng nhiều hơn để giải tỏa áp lực tới trường" - nữ đại biểu bày tỏ.
Về vấn đề học phí và kinh phí đào tạo, đại biểu đoàn Hải Dương cho rằng đang có tình trạng tăng vô cớ và kiến nghị một số cơ chế học phí theo bậc học.
"Mức học phí cấp 1, 2, 3 cần hỗ trợ vì đây là đối tượng dưới 18 tuổi. Có chăng chúng ta nên điều chỉnh ở cấp đại học và sau đại học, vì đây là những đối tượng trên 18 tuổi, các em có thể tự định hướng và có trách nhiệm với cuộc sống của mình" - bà Dung nói và cho biết ở các nước, bậc học THPT được hỗ trợ rất nhiều, sinh viên đại học có thể đi làm thêm ngoài giờ để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.
Đối với việc thi tuyển đại học, nữ đại biểu nêu quan điểm nên thu hút đầu vào nhưng cần làm chặt chẽ ở đầu ra. Tuy nhiên, hiện ở Việt Nam đang thi tuyển khắt khe ở đầu vào đại học nhưng đầu ra lại buông lỏng dẫn tới chất lượng không đảm bảo, không có chọn lọc.