1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ao hồ cạn trơ đáy, người dân hút bùn cứu cà phê

Đặng Dương

(Dân trí) - Cao điểm mùa khô, nắng nóng kéo dài khiến nhiều ao hồ ở tỉnh Đắk Nông cạn trơ đáy. Nhiều diện tích cà phê có nguy cơ chết khô vì thiếu nước.

Công trình thủy lợi Nông trường Thuận An (thôn Thuận Bắc, xã Thuận An, huyện Đắk Mil, Đắk Nông) mới tu sửa, nâng cấp nhằm dự trữ nước phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, hàng chục hộ dân chưa kịp tưới xong đợt 2 cho cà phê, hồ đã cạn trơ đáy.

Ông Đặng Ngọc Luân (trú xã Thuận An) cho biết, gia đình có 1,7ha cà phê. Năm nay mùa mưa kết thúc sớm nên mới giữa tháng 3, mực nước hồ đã giảm sâu, gần như không thể bơm lên được.

Ao hồ cạn trơ đáy, người dân hút bùn cứu cà phê - 1

Công trình thủy lợi Nông trường Thuận An, hàng chục máy bơm nằm bất động do đã cạn kiệt nguồn nước tưới (Ảnh: Đặng Dương).

"Gia đình tôi chưa kịp tưới cà phê đợt 2 đã thiếu nước. Bây giờ chúng tôi chỉ cầu trời mưa mới hy vọng cứu vãn diện tích cà phê đang khô héo", ông Luân than vãn.

Những ngày qua, hồ chứa nước 40, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil mỗi ngày có khoảng 20 máy bơm của bà con hoạt động hết công suất để lấy nước tưới cho cà phê.

Hồ thủy lợi này cung cấp nước tưới cho hơn 150ha cây trồng. Tuy nhiên, nắng nóng kéo dài từ trước Tết Nguyên đán 2024 tới nay, đồng thời nhiều hộ dân bơm tưới đồng loạt nên hồ đã cạn kiệt nước. Nhiều hộ dân đành chấp nhận hút bùn loãng để cứu diện tích cà phê.

Ao hồ cạn trơ đáy, người dân hút bùn cứu cà phê - 2

Nhiều ao hồ tại Đắk Nông đã cạn trơ đáy (Ảnh: Đặng Dương).

Theo các hộ dân có rẫy tại khu vực hồ chứa nước 40, nhiều diện tích cà phê đã vàng lá, khô cành. Các hộ dân chỉ biết trông chờ ngành chức năng, địa phương hỗ trợ bơm nước trung chuyển từ hồ Tây, thị trấn Đắk Mil sang để có thêm nguồn nước phục vụ sản xuất.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô (Đắk Nông), vụ Đông Xuân 2024, huyện này có khoảng 32.000ha cây công nghiệp, cây ăn quả dài ngày. Hiện tại một số vùng nông nghiệp của huyện đã thiếu nước tưới.

Chỉ tính riêng hai xã Nam Xuân và Đắk Sôr, đang có khoảng 1.500ha cây trồng các loại thiếu nước tưới. Trong đó, có khoảng 30% diện tích cây cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả trên địa bàn hai xã này chưa đủ nước tưới đợt 2.

Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô cho biết năm nay, tình hình khô hạn diễn ra khốc liệt hơn những năm trước. Mực nước ở 12 hồ đập thủy lợi trên địa bàn đã giảm sâu hơn khoảng 15% so với mọi năm.

Ao hồ cạn trơ đáy, người dân hút bùn cứu cà phê - 3

Nhiều công trình thủy lợi ở tình trạng khô cạn nước từ lâu, cỏ đã mọc xanh dưới lòng hồ (Ảnh: Đặng Dương).

"Nếu mùa khô kéo dài đến tháng 5, 6, một số diện tích cây trồng tại địa bàn các xã như Đắk Sôr, Nam Nung, Nam Xuân, Tân Thành sẽ đối mặt với khô hạn khốc liệt", ông Lộc cho biết thêm.

Huyện Đắk Mil là vùng trọng điểm sản xuất cà phê của tỉnh Đắk Nông. Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk Mil cho biết, huyện có hơn 21.000ha cà phê, tập trung chủ yếu ở các xã Thuận An, Đắk Lao, Đức Minh, Đức Mạnh và Đắk Sắk...

Để giải quyết tình trạng thiếu nước sản xuất, huyện Đắk Mil phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông tổ chức bơm nước trung chuyển từ hồ Tây sang một số hồ đập đã cạn nước để phục vụ sản xuất, chăm sóc cây trồng của người dân.

Ao hồ cạn trơ đáy, người dân hút bùn cứu cà phê - 4

Hàng nghìn hecta cà phê của tỉnh Đắk Nông đang thiếu nước tưới (Ảnh: Đặng Dương).

Trong khi đó, huyện Krông Nô phải tìm cách "giải hạn" bằng việc điều tiết nước từ huyện Đắk Mil, Đắk Song (2 huyện cách xa hàng chục km).

Địa phương này sẽ thực hiện điều tiết 2 đợt nước về suối Đắk Sôr, thời gian mỗi đợt 12-15 ngày. Khối lượng nước dự kiến điều tiết từ huyện Đắk Mil và Đắk Song về huyện Krông Nô là 300.000-500.000 m3/đợt.

Bên cạnh đó, huyện Krông Nô cũng đề nghị điều tiết nước từ các hồ thủy điện trên sông Krông Nô. Đây là nguồn nước ảnh hưởng trực tiếp tới hàng chục nghìn ha cây trồng tại 7 xã ven sông của huyện.