Anh thợ xây nghèo nay thu được tiền tỷ nhờ hàng nghìn con chim
(Dân trí) - Từ một lao động nghèo, làm qua đủ thứ nghề như: Thợ xây, bốc vác… anh Nguyễn Thanh Lịch (SN 1981 - Tân Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội) đã đổi đời với trang trại nuôi hơn 4000 cặp chim bồ câu Pháp.
Hiện, trang trại của anh Lịch có 3 nhân công làm việc quanh năm, mức thu nhập từ 4,5 - 5 triệu đồng/ tháng.
Nuôi chí làm giàu
Gia đình khó khăn nên học cấp 2 xong, anh Lịch bắt đầu đi làm. Công việc lao động chân tay, đồng lương bấp bênh nhưng anh xem đó là niềm vui, có tiền hỗ trợ bố mẹ.
Tháng ngày gian khó, anh nung nấu ước mơ làm giàu. Anh tích cóp tiền, vay vốn nuôi nhím, nuôi chồn nhung. Kế hoạch liên tục thất bại vì anh chưa có kinh nghiệm, tay trắng vẫn hoàn tay trắng.
Năm 2011, anh biết đến mô hình nuôi chim bồ câu Pháp khi vào huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) cùng người bạn.
Hiệu quả của trang trại này đã vực lại ý chí làm giàu trong chàng thanh niên trẻ.
Trở về nhà, anh bàn bạc với gia đình và mạnh dạn vay ngân hàng 50 triệu đồng mua 60 cặp chim bồ câu sinh sản.
Lần đầu nuôi, chưa kịp thu hồi vốn, đàn chim của anh chết 1 nửa. Anh định giải tán, gỡ bỏ chuồng, trở về cuộc sống thợ vữa ngày trước.
Thế nhưng phút cuối, mọi người khuyên nhủ, anh bừng tỉnh và quyết tâm làm tiếp.
Chuỗi ngày sau đó, anh Lịch lang thang khắp các tỉnh thành. Ở đâu có trang trại nuôi chim giống anh cũng vào hỏi thăm, tìm hiểu kinh nghiệm.
Thực tiễn chưa đủ, anh mày mò học qua các trang web, kênh youtube về chăn nuôi gia cầm…
Với những kiến thức thu được, anh áp dụng vào số chim bồ câu còn lại ở nhà. Sau vài tháng, đàn chim khỏe mạnh, sinh sản tốt, anh Lịch liều mình vay thêm tiền mua 1000 cặp nữa.
Số lượng đàn tăng lên, cũng là lúc chuồng trại chật hẹp. Hệ thống chuồng cũ không đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của đàn.
Khi công việc khấm khá, thu nhập dư dả, anh mạnh dạn mua mảnh đất rộng 3ha và xây dựng khu chăn nuôi quy mô lớn.
Anh chia sẻ, hình thức nuôi nhốt tập trung có nhiều ưu điểm như: Tỉ lệ hao hụt ít, chim ít bị bệnh, quản lý được năng suất đẻ và chất lượng thịt… Thức ăn cho chim chủ yếu là cám vịt, ngô trộn theo tỉ lệ 50 - 50.
Đầu năm 2021, dịch cúm gia cầm xuất hiện ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Để đề phòng dịch bệnh, anh Lịch chủ động tiêu độc, khử trùng, cho chim uống vaccine phòng bệnh.
Sau khi dọn phân, anh rải vôi bột, phun thuốc sát trùng. "Nuôi chim bồ câu không khó, quan trọng là tỉ mỉ và chịu học hỏi", anh Lịch nói.
Chim bồ câu có đặc tính dễ nuôi nhưng phải giữ vệ sinh, thức ăn, nước uống sạch sẽ. "Đảm bảo tiêu chí như vậy, sẽ phòng ngừa được dịch bệnh và giữ số lượng đàn ổn định", anh cho biết thêm.
Thu bạc tỷ từ hàng nghìn con chim
Mười năm gắn bó với nghề nuôi chim bồ câu Pháp, đến nay trang trại của anh đã phát triển đàn hơn 4000 cặp chim bố mẹ, thu nhập ổn định.
Mỗi tháng anh xuất ra thị trường từ 2000 - 3000 con thương phẩm, hơn 4000 con giống. Giá dao động từ 60.000 - 70.000 đồng/con. Ước tính doanh số cả tỷ đồng 1 năm.
Anh cho biết thêm, mỗi cặp bồ câu bố mẹ anh nuôi trong lồng riêng kích thước 50cm, cao 2,5 - 3m. Phía trên có giàn quạt thông gió và hệ thống nước uống tự động. "Chuồng trại luôn đảm bảo cao ráo, thoáng mát về mùa đông, ấm áp vào mùa hè", anh chia sẻ.
Ưu điểm của chim bồ câu Pháp là có sức đề kháng và khả năng sinh sản rất cao. Bồ câu mái 6 tháng bắt đầu đẻ trứng. Thời điểm sinh sản, trung bình được 4 ngày đẻ 2 quả. Mỗi con đẻ khoảng 8 lứa/năm.
"Tôi chủ yếu để ấp tự nhiên. Máy ấp được khoảng 1000 trứng. Đôi nào đẻ trứng cho vào máy tôi sẽ tách riêng và cho ấp trứng giả. Như vậy, chim sẽ không quên cách ấp", ông chủ 8X chia sẻ.
Sau khi trứng ấp 17 - 18 ngày nở thành con, anh chuyển về chuồng cho bố mẹ nuôi. Tuy nhiên, anh Lịch khẳng định, chim ấp tự nhiên, tỷ lệ nuôi sống cũng rất cao. Bởi thế, anh không muốn phụ thuộc quá nhiều vào máy ấp trứng.
Nguyễn Văn Lịch tâm sự, nuôi chim bồ câu Pháp giúp thay đổi cuộc sống của gia đình mình và cho bản thân nhiều trải nghiệm hơn.
"Các bạn trẻ nếu có tâm huyết với nghề này, hãy bắt đầu nuôi số lượng nhỏ, khoảng 100 - 200 con lấy kinh nghiệm. Quá trình nuôi nếu muốn học hỏi hay tìm hiểu, tôi luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm đúc rút trong 10 năm qua", anh nhấn mạnh.
Sau gần 10 năm, bỏ ra nhiều công sức, hiện nay trang trại nuôi chim bồ câu Pháp của anh Lịch đã có hơn 4.000 cặp chim bố mẹ sinh sản.
Hơn nữa, là người vốn nhạy bén với công nghệ thông tin, anh Lịch tự lập trang web, fanpage giới thiệu, quảng bá sản phẩm chim bồ câu Pháp, mở rộng thị trường.