1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ảnh hưởng Covid-19, kiến nghị miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

(Dân trí) - Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị xem xét, trình Quốc hội miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong 6 tháng (khoảng 600 tỷ đồng) hoặc 1 năm (khoảng 1.200 tỷ) cho các doanh nghiệp.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 1/4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã kiến nghị xem xét, trình Quốc hội miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong 6 tháng (ước tính khoảng 600 tỷ đồng) hoặc 1 năm (ước tính khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các doanh nghiệp.

Căn cứ vào ngân sách, xem xét gia hạn nộp, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản năm 2020 (khoảng 5.000 tỷ đồng); giảm mức phí môi trường cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2020; giảm 20% mức thu phí thẩm định cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; xả thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất quy định tại Thông tư số 270/2016 của Bộ Tài chính; giảm 30% mức thu phí khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thuỷ văn theo quy định tại Thông tư 197/2016 của Bộ Tài chính.

Ảnh hưởng Covid-19, kiến nghị miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước - 1

Hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp ở miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long (Ảnh: Nguyễn Hành).

Để giảm thiểu nguy cơ thiếu nước, trong thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn, Cục Quản lý tài nguyên nước và các cơ quan chức năng tăng cường, nâng cao độ chính xác trong công tác dự báo, cảnh báo các hiện tượng cực đoan, đặc biệt là hạn hán, xâm nhập mặn.

Đồng thời giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước và giám sát việc vận hành các hồ chứa cấp nước cho hạ du; đẩy mạnh công tác tìm kiếm thăm dò nguồn nước dưới đất để có thể cung cấp cho các vùng khan hiếm nước mà nguồn nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện không cấp tới được.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ đẩy mạnh xây dựng quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh, trong đó sẽ tập trung xây dựng các kịch bản, phương án điều hòa, phân bổ nguồn nước trong điều kiện xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng.

Cung cấp nước ngọt kịp thời cho người dân

Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, cơ quan này đang thực hiện Chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cấp nước sinh hoạt vùng cao, vùng khan hiếm nước. Đến nay đã thực hiện và bàn giao số liệu điều tra tìm kiếm 198 vùng với 459 giếng khoan có thể khai thác khoảng 110.500m3/ngày đêm, có thể cấp nước cho khoảng gần 1,4 triệu người dân vùng cao, vùng khan hiếm nước.

Riêng đối với vùng hạn hán, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bàn giao cho các địa phương ở vùng Tây Nguyên là 87 giếng khoan có thể khai thác khoảng hơn 16.800m3/ngày; vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 40 giếng khoan có thể khai thác khoảng hơn 33.000m3/ngày để phục vụ cấp nước trong giai đoạn cấp bách hiện nay.

Ảnh hưởng Covid-19, kiến nghị miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước - 2

Giếng khoan nước sạch được Bộ Tài nguyên và Môi trường bàn giao cho địa phương đang gặp hạn hán (Ảnh: Bộ TN-MT).

Để tiếp tục hỗ trợ bà con vùn hạn mặn, cơ quan này cũng sẽ triển khai lắp đặt 5 điểm cấp nước ngọt cho người dân khu vực thiếu nước ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (2 điểm ở Cà Mau, 2 điểm ở Bạc Liêu và 1 điểm ở Bến Tre) để cấp nước kịp thời cho người dân. Đồng thời đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát, đánh giá, đề xuất các khu vực tập trung dân cư thiếu nước sinh hoạt cần ưu tiên cấp bách để Bộ triển khai các điểm cung cấp nguồn nước ngọt phục vụ kịp thời cho Nhân dân.

Dự báo sớm, chính xác để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra

Trao đổi với báo chí, ông Châu Trần Vĩnh - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định, dựa trên số liệu dự báo cảnh báo ngắn và dài hạn từ giữa năm 2019 của Tổng cục Khí tượng thuỷ văn mà đơn vị này đã nắm được thông tin về hạn hán của năm 2020. Từ đó liên tục phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và ngành công thương điều tiết điện lực phù hợp với điều kiện nguồn nước mà vẫn đảm bảo an ninh năng lượng.

Ảnh hưởng Covid-19, kiến nghị miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước - 3

Ông Châu Trần Vĩnh- Phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý tài nguyên nước trao đổi với báo chí.

Tuy nhiên, theo ông Vĩnh, hiện nay có thực tế diễn ra là thiếu nước sinh hoạt cho khoảng gần 100.000 hộ dân, nằm ở những khu vực vùng sâu vùng xa, không phải nơi tập trung dân cư đông, ở những khu nhỏ lẻ. Việc cấp nước cho nông thôn hiện nay thuộc quản lý của ngành nông nghiệp; cấp nước cho đô thị lại thuộc quản lý của ngành xây dựng. Còn ngành tài nguyên môi trường luôn đảm bảo trách nhiệm dự báo thông tin và đưa ra các kịch bản ứng phó kịp thời.

Trong khi đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn Trần Hồng Thái phản ánh, từ năm 2019 thông qua sự hỗ trợ kỹ thuật từ các diễn đàn quốc tế, khu vực, kết hợp phân tích số liệu lịch sử, hiện trạng, cơ quan này đã bắt đầu đưa ra các bản tin thời tiết ngắn hạn (2-3 ngày), trung hạn (đến 2 tuần), khí hậu tháng, khí hậu mùa, xu thế năm.

“Năm nay chúng tôi cũng thay đổi cách làm, bản tin bão, lúc cần sẽ cập nhật hàng giờ. Bản tin 2 tuần cập nhật hàng ngày; bản tin mùa cập nhật hàng tuần, công bố hàng tháng. Chính vì vậy đã giúp nhìn nhận được các vấn đề nhanh, sớm hơn. Trong đó, hạn mặn Đồng bằng sông Cửu Long chúng tôi đã đã nhìn nhận từ 7/2019; hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên cũng được cảnh báo sớm. Vì vậy các ngành chức năng có thông tin kịp thời, trách nhiệm và tin cậy hơn”-ông Thái nói.

Ông Thái nhấn mạnh, việc dự báo sớm và chính xác đã giúp Chính phủ, chính quyền các cấp, ngành nông nghiệp và địa phương đưa ra những giải pháp kịp thời nhằm giảm thiểu được thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.

Thế Kha