1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Viện trưởng VKSND Tối cao:

“Anh em run tay không dám phê lệnh bắt khi Huyền Như đang mang thai”

(Dân trí) - “Trong luật cũ không cho phép bắt giam khi Huyền Như đã mang thai. Vì vậy, anh em run tay khi không dám phê, không dám bắt. Nhưng sau khi xem xét tôi đồng ý, với đề nghị bắt giam phải có chăm sóc của y tế”, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói.

Ngày 17/6, tại hội trường Quốc hội tiếp tục thảo luận Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi. Cho ý kiến vào Bộ luật, đa số đại biểu tập trung “mổ xẻ” những vấn đề liên quan đến quyền của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo (quy định tại điều 40, 41, 42, 43) không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội và quy định không áp dụng biện pháp tạm giam đối phụ nữ có thai, hoặc đang nuôi con dưới 6 tháng, người đủ từ 70 tuổi trở lên.

Đại tá công an lo ngại quyền im lặng dễ bị lợi dụng

Theo đại biểu, Đại tá Phạm Trường Dân - Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam - thực chất quy định không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội là quyền im lặng. “Nội dung này cần phải được quan tâm nếu không sẽ ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm”, Đại tá Phạm Trường Dân nói.

Đại biểu Phạm Trường Dân lo ngại quyền im lặng dễ bị lợi dụng (Ảnh: Việt Hưng)
Đại biểu Phạm Trường Dân lo ngại quyền im lặng dễ bị lợi dụng (Ảnh: Việt Hưng)

Đại tá Phạm Trường Dân đề nghị cần cân nhắc, xem xét giữ nguyên quyền của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo như Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành. Điều đó nghĩa là quyền của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo được tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến của mình trong quá trình tham gia tố tụng. Còn trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc chức năng của cơ quan tiến hành tố tụng.

Theo đó, người bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền khai báo hoặc không khai báo, được bày tỏ ý kiến của mình về cáo buộc của các cơ quan tiến hành tố tụng. Người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thành khẩn khai báo thì được xem xét là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trường hợp thái độ im lặng của người bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không được coi là tình tiết tăng nặng và không đồng nghĩa với việc họ nhận tội.

Theo đại biểu, trong tố tụng hình sự, thái độ im lặng của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo luôn được tôn trọng và được thể hiện cụ thể trong nhiều luật liên quan đến quyền nghĩa vụ của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Từ nguyên tắc, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về nhà nước và khi sử dụng mô hình tố tụng thẩm vấn kết hợp với tranh tụng, việc im lặng của người bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo cần phải được tôn trọng nhưng không nên khuyến khích phải im lặng.

“Vì lẽ đó tôi đề nghị không nên quy định bắt buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội thành một quyền độc lập trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Điều đó phá vỡ các nguyên tắc tố tụng hình sự, dễ bị lợi dụng, gây khó khăn, phức tạp đến công tác phòng ngừa, đấu tranh, phòng chống tội phạm”, đại biểu Phạm Trường Dân nêu quan điểm.

Theo đề nghị của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, trong quá trình thảo luận, các đại biểu cho ý kiến khác nhau các điều khoản trong Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi là đương nhiên, không thể tránh khỏi.

Về quyền của bị can, bị cáo không phải đưa ra lời nhận tội hay chứng cứ chống lại mình, ông Nguyễn Hòa Bình thông tin lại với Quốc hội rằng đây không phải “ép buộc”, mà là “buộc phải đưa ra chứng cứ chống lại mình”. “Đấy là quyền tự thân, còn ép buộc là tác động từ bên ngoài. Điều này đã được quy định tại điều 7, tức là cơ quan tiến hành tố tụng không được ép cung, nhục hình để buộc bị can, bị cáo nhận tội”, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao nói.

Dự thảo quy định về “quyền im lặng” của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can... theo hướng không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc phải nhận mình có tội đang tạo tranh luận. Theo bạn:
Quy định như vậy là một bước tiến, giảm việc oan sai
Quy định trên là vô lý, gây khó khăn cho các cơ quan hoạt động tố tụng
Ý kiến khác
  

Phạm tội nghiêm trọng, người trên 70 tuổi vẫn bị tạm giam

Tại điều 93, khoản 4, dự thảo luật quy định không áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can, bị cáo thuộc các trường hợp nếu họ có nơi cư trú rõ ràng bao gồm phụ nữ có thai, hoặc đang nuôi con dưới 6 tháng, người đủ từ 70 tuổi trở lên, người mắc bệnh hiểm nghèo. Đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) đồng tình với việc quy định không áp dụng biện pháp tạm giam đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi và người mắc bệnh hiểm nghèo.

Đối với việc không áp dụng biện pháp tạm giam đối với người 70 tuổi trở lên, đại biểu Mai đề nghị Ban soạn thảo làm rõ vì sao không áp dụng hình phạt tạm giam đối với đối tượng này. Vì theo đại biểu tuổi thọ trung bình của Việt Nam đã được nâng cao, người ở độ tuổi 70 nhìn chung vẫn còn khả năng về sức khỏe và là những người có vốn hiểu biết, nhận thức và kinh nghiệm sống.

“Thực tế cho thấy nhiều người ở độ tuổi 70 vẫn phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, thậm chí có người còn có thể là người cầm đầu các tổ chức tội phạm. Tôi cho rằng nếu quy định không áp dụng biện pháp tạm giam đối với người 70 tuổi trở lên sẽ không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật”, đại biểu Mai phân tích.

Do đó, đại biểu Âu Thị Mai đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc không quy định người 70 tuổi trở lên không áp dụng biện pháp tạm giam trong Bộ luật mà nên quy định theo hướng không áp dụng biện pháp tạm giam đối với người mắc bệnh hiểm nghèo, người sức khỏe yếu không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội.

Đại biểu Phạm Trường Dân lo ngại quyền im lặng dễ bị lợi dụng (Ảnh: Việt Hưng)
Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình giải thích rõ những băn khoăn liên quan đến Bộ luật Tố tụng hình sự (Ảnh Việt Hưng)

Giải thích rõ vấn đề trên, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, theo thông báo tuổi bình quân của chúng ta là trên 73. Do vậy, theo ông Bình việc đưa ra quy định không áp dụng biện pháp tạm giam người dưới độ tuổi trung bình quốc gia 70 tuổi là hợp lý.

Với những lo ngại của đại biểu, người ở độ tuổi 70 vẫn phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, ông Bình cho biết, trong trường hợp đặc biệt vẫn có quy định tạm giam. “Không lo gì những người trên 70 tuổi phạm tội nghiêm trọng. Rất mong đại biểu xem lại khoản 5, bởi vì nếu họ tiếp tục gây án, tiếp tục gây nguy hiểm cho xã hội, trốn truy nã, xâm phạm an ninh quốc gia… thì vẫn tạm giam”, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình giải thích rõ.

Về quy định không áp dụng biện pháp tạm giam đối phụ nữ có thai, ông Bình nhớ lại: “Trên thực tế trong luật cũ không cho phép chúng tôi bắt giam khi Huyền Như đã mang thai. Anh em cũng run tay khi không dám phê, không giám bắt. Nhưng sau khi xem xét báo cáo tôi đã đồng ý, với đề nghị cơ quan điều tra bắt giam nhưng lưu ý phải có chăm sóc của y tế. Nhưng điều luật hiện nay đã khắc phục được bất cập này”.

Quang Phong