1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đại biểu lo ngại “bỏ lọt” tội phạm là người già, phụ nữ mang thai

(Dân trí) - Hầu hết các đại biểu Quốc hội đều bác bỏ quy định không xử phạt tử hình đối với người trên 70 tuổi trong Dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi. Những dẫn chứng chỉ ra rằng tội phạm ở độ tuổi này đang gia tăng, phạm tội hiếp dâm, giết người, cầm đầu băng nhóm…

Trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 16/6, đại biểu Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên) khẳng định, vài năm gần đây, trong một số vụ án hình sự có không ít đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng là người từ 70 tuổi trở lên.

Đại biểu Dung dẫn ra các trường hợp cụ thể, như trường hợp 70 tuổi ở tỉnh Bến Tre phạm 2 tội hiếp dâm trẻ em và giao cấu với trẻ em mà nạn nhân là 2 bé gái sinh năm 2000; tội phạm 82 tuổi trú tại thành phố Tây Ninh phạm tội hiếp dâm trẻ em mà nạn nhân là bé gái hơn 7 tuổi; tội phạm 85 tuổi ở Nam Định giết vợ bằng 43 nhát dao hoặc bị cáo nữ đã hơn 70 tuổi ở TPHCM phạm tội mua 10 bánh heroin và khi khám nhà thu giữ thêm 2 bánh heroin với 92.000 USD...

“Tôi cho rằng người 70 tuổi trở lên vẫn đủ sức khỏe, đủ năng lực để thực hiện hành vi phạm tội, tại sao lại được miễn trừ án tử hình và như vậy có đảm bảo nguyên tắc Hiến định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật hay không? Bên cạnh đó, nếu quy định như dự thảo luật thì người từ đủ 70 tuổi trở lên phạm bất kỳ tội phạm nào cũng được miễn hình phạt tử hình và như tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội khủng bố, tội chống loài người, tội phạm chiến trạnh được miễn áp dụng hình phạt tử hình lại càng phải hết sức cân nhắc và cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề này trong xây dựng Bộ luật hình sự” - đại biểu Dung nêu quan điểm.

Đại biểu lo ngại “bỏ lọt” tội phạm là người già, phụ nữ mang thai

Đại biểu Trần Thị Dung nêu hàng loạt dẫn chứng những tội phạm nghiêm trọng trên 70 tuổi (ảnh: Quang Phong)

Đại biểu Trương Thái Hiền (đoàn Kiên Giang) đề nghị Quốc hội cần xem xét và quan tâm đến người phạm tội có độ tuổi 70 mà dự luật không áp dụng hoặc không thi hành án phạt tử hình.

“Dù đây là thể hiện chính sách hình sự nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta đối với người đã đến độ tuổi thượng thọ, đối tượng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội. Song, trong thực tế cho thấy độ tuổi 70 sức sống hiện nay còn rất khỏe và có đủ điều kiện để hưởng thụ, là tấm gương để con cháu noi theo, vậy mà họ phạm tội, xã hội cần lên án kịch liệt. Họ phạm tội gây án thường đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong đời sống xã hội, do vậy tôi đề nghị phải áp dụng và thi hành án tử hình đối với đối tượng có độ tuổi 70 vi phạm pháp luật hình sự đặc biệt nghiêm trọng” - đại biểu Hiền nhấn mạnh.

Đồng tình cao với các ý kiến thảo luận trước, đại biểu Triệu Là Pham (đoàn Hà Giang) cũng cho rằng việc không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình đối với người từ trên 70 tuổi trở lên là chưa hợp lý.

Theo đại biểu Pham, thực tế ở một số nước có nền kinh tế phát triển, đời sống vật chất được cải thiện, tuổi thọ bình quân ngày được nâng lên, những người từ 70 tuổi trở lên vẫn khỏe mạnh, đầu óc minh mẫn, là những người có vốn hiểu biết và giàu kinh nghiệm. Thực tế, ở Việt Nam những người ở độ tuổi này không hiếm, có khả năng là người tổ chức, cầm đầu tội phạm, còn có thể phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Nếu ta chuyển từ án tử hình thành tù chung thân, như vậy, đối tượng này vẫn còn đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, hậu quả sẽ không lường trước được, tính nghiêm minh của pháp luật không được thực thi.

Đại biểu Pham đề nghị luật nên bỏ quy định này để xem xét lại quy định cho phù hợp tình hình thực tế hiện nay. Tuy nhiên, đại biểu này cũng đưa ra thêm một đề nghị về việc không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình đối với người thật sự già yếu, mắc bệnh hiểm nghèo hoặc lâm vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội, khi có kết quả giám định y khoa hoặc xác nhận bằng văn bản của cơ quan y tế có thẩm quyền.

Nhiều nữ tội phạm cố tình mang thai để… “né” phạt

Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) cho rằng, quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án là phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là đảm bảo tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam, thể hiện sự nhân đạo của Đảng và Nhà nước trong việc xử lý hình sự đối với phụ nữ và việc đảm bảo tốt nhất quyền lợi của trẻ em. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp lợi dụng kẽ hở để trốn tránh hình phạt tù.

Đại biểu Ma Thị Thúy - đoàn Tuyên Quang (ảnh: Ngọc Châu)

Đại biểu Ma Thị Thúy - đoàn Tuyên Quang (ảnh: Ngọc Châu)

“Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án là phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi là chính sách khoan hồng của pháp luật, nhưng trên thực tế có nhiều trường hợp cố tình mang thai trong quá trình thi hành án, thậm chí mang thai nhiều lần. Việc này đã gây bất bình trong dư luận, có người cho rằng cơ quan pháp luật làm ngơ, không nghiêm túc nên mới dẫn đến tình trạng này” - đại biểu Thúy cho hay.

Nữ đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc kỹ, chặt chẽ hơn, đặc biêt cần bổ sung quy định để giải quyết tốt nhất quyền lợi của trẻ em vô tội khi mà những bà mẹ chỉ xem đứa trẻ như bình phong mà đánh mất đi thiên chức làm mẹ.

Việc thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của tuổi chưa thành niên theo đại biểu Thúy sẽ bỏ lọt nhiều tội phạm, bởi hiện nay người chưa thành niên phạm tội có diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số lượng và tính chất nghiêm trọng. Thực tế, hiện nay trẻ phạm đang gia tăng và ngày càng trẻ hóa, trở thành vấn đề thực sự lo ngại với con số trung bình 10.000 vụ phạm tội hình sự do hơn 15.000 trẻ em gây ra trên toàn quốc/năm.

Đại biểu Thúy dẫn ra số liệu năm 2014, riêng trẻ em dưới 14 tuổi gây ra 7.000 vụ, chiếm 70% tội phạm chưa thành niên (dưới 18 tuổi), trong đó phạm tôi nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 72,6%. Con số này là lời cảnh báo về trẻ em phạm tội. Vì vậy sửa đổi Luật lần này đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc kỹ về độ tuổi phạm tội của người chưa thành niên hiện nay, cũng như sự phát triển tâm sinh lý và khả năng phạm tội của lứa tuổi này để quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự và quy định cho phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) đề cập đến trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên, trong đó nhấn mạnh tình hình tội phạm hiện nay đang gia tăng cả về số lượng, tính chất và mức độ nghiêm trọng. Đặc biệt, trong điều kiện hoa học kỹ thuật phát triển như hiện nay, xu hướng phạm tội của người chưa thành niên gia tăng. Nếu thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của tuổi chưa thành niên như quy định của dự thảo luận thì sẽ có nguy cơ bỏ lọt tội phạm cũng như đi trái với yêu cầu đấu tranh và phòng chống tội phạm.

Đại biểu Khá đề nghị không tăng và không giảm tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên. Căn cứ vào trường hợp cụ thể, cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án có thể áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự chứ không phải miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với mọi trường hợp, làm như vậy pháp luật thiếu nghiêm minh, chưa đúng đắn và dễ bị lợi dụng.

Châu Như Quỳnh