1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bình Định:

Ăn ngủ cùng cây mai, dồn sức lo vụ Tết

Doãn Công

(Dân trí) - Sau những đợt lũ, người trồng mai ở thị xã An Nhơn (Bình Định) - nơi được mệnh danh là "thủ phủ" mai miền Trung - đang ăn ngủ ngoài đồng, dồn sức chăm sóc mai để kịp bán Tết.

Ăn ngủ cùng cây mai, dồn sức lo vụ Tết - 1

Người trồng mai ở thị xã An Nhơn (Bình Định) đang khẩn trương "dưỡng" mai chuẩn bị vụ Tết.

Những ngày qua, khắp các làng mai ở thị xã An Nhơn, người trồng mai đang tất bật với việc bấm cành, sửa và tạo dáng mai để chuẩn bị phục vụ cho thị trường hoa, cây cảnh dịp Tết Nguyên đán 2021. Đặc biệt, sau thời gian mai bị "ngâm mình" trong nước lũ, người trồng mai phải bỏ không ít công sức để chăm sóc.

Theo ghi nhận, hiện trên nhiều ruộng mai, nước còn đọng thành vũng, bùn non vẫn bám dày đặc trên các chậu mai, một số chậu mai bị nước lũ đánh tơi tả trơ gốc.

Ăn ngủ cùng cây mai, dồn sức lo vụ Tết - 2

Theo ông Danh, sau thời gian mai "ngâm mình" trong lũ, người trồng mai vất vả chăm cây hơn.

Đang bấm tỉa, tạo dáng những chậu mai, ông Tôn Thất Danh (45 tuổi, thôn Háo Đức, xã Nhơn An) cho biết, trong đợt mưa lũ vừa qua, vườn mai với hơn 1.000 gốc của gia đình ông có thiệt hại nhưng không đáng kể.

"Nếu như để mai ngập nước lâu ngày sẽ làm rụng lá từ đó mai nở sớm không bán được, còn nếu bị ngập nước quá lâu thì cây mai bị thối dễ chết, như vậy chỉ có lỗ…", ông Danh chia sẻ.

Ăn ngủ cùng cây mai, dồn sức lo vụ Tết - 3
Người trồng mai ở thị xã An Nhơn đang tất bật chuẩn bị cho vụ mai Tết.

Theo ông Danh, các tỉnh miền Trung nói chung và Bình Định nói riêng, mùa này thường hứng chịu những đợt mưa lũ nên người trồng mai chủ động có những biện pháp đối phó. Tuy nhiên nếu mưa bão lớn thì không thể tránh khỏi thiệt hại.

Cũng theo ông Danh, cũng như các loại cây trồng khác, cây mai phụ thuộc vào thời tiết. Thông thường nếu bán mai cho thị trường phía Bắc thì cuối tháng 11 âm lịch thì người trồng mai lo lặt lá vì ngoài đó thời tiết lạnh; còn thị trường phía Nam thì muộn hơn, thường vào cuối tháng Chạp.

Ăn ngủ cùng cây mai, dồn sức lo vụ Tết - 4
Những gốc mai con bị lũ cuốn trơ gốc

"Nếu lặt lá sớm gặp trời nắng ấm mai sẽ nở sớm, còn thời tiết lạnh mà lặt lá trễ thì mai nở không kịp. Trồng mai mới nhìn tưởng nhàn hạ nhưng khổ lắm, cả năm lời lãi nhờ cả vào cây mai, nhưng nếu thời tiết khắc nghiệt cũng "bó tay", chứ chẳng ai tài giỏi gì mà khắc chế được thời tiết", ông Danh nói.

Trong đợt mưa lũ liên tiếp vừa qua, gần 1.500 gốc mai của gia đình bà Nguyễn Thị Liên (55 tuổi, ở làng mai Trung Lý, xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn) bị ngập gần như toàn bộ. Bà Liên cho biết, do nước lũ làm một đoạn kè bị vỡ khiến nhiều chậu mai của gia đình bà bật gốc.

Ăn ngủ cùng cây mai, dồn sức lo vụ Tết - 5
Người dân dùng rơm để giữ ẩm và giữ ấm cho gốc mai.

Sau khi lũ qua, hơn chục ngày nay, gia đình bà Liên huy động nhân công, tất bật chăm sóc, giúp mai sớm phục hồi…

"Nếu từ nay đến cuối năm không còn mưa lũ, thời tiết thuận lợi thì người trồng mai cũng yên tâm. Tuy nhiên, do năm nay do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình kinh tế khó khăn, dự sẽ ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ nên người dân cũng có chút lo lắng", bà Liên chia sẻ.

Ăn ngủ cùng cây mai, dồn sức lo vụ Tết - 6
Có những gốc mai do bị lũ, lá rụng sớm nên nụ bung sớm...

Theo phòng Kinh tế thị xã An Nhơn, trên địa bàn thị xã có gần 1.500 hộ trồng mai, với diện tích 145ha, số chậu mai hiện có khoảng 1,6 triệu. Địa phương trồng mai là 11/15 xã, phường nhưng tập trung chủ yếu ở 2 xã Nhơn An và Nhơn Phong.