1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ẩn họa từ những “khối bom xăng” giữa thành phố

(Dân trí) - Sau vụ cháy xe téc tại một cây xăng ở Hà Nội, mối quan ngại về những cây xăng nằm giữa khu dân cư trong các đô thị trên cả nước được đặt ra. Đó là những quả “bom lửa” có thể gây họa khôn lường.

Ẩn họa từ những “khối bom xăng” giữa thành phố
Chiều 21/5/2012, chiếc xe bồn đang nạp xăng vào các bồn chứa âm dưới đất thì xảy ra sự cố cháy khiến bé trai 4 tuổi thiệt mạng
 
Cây xăng xảy ra vụ cháy đóng cửa vào chiều 4/6/2013
Cây xăng xảy ra vụ cháy đóng cửa vào chiều 4/6/2013

Những sự cố liên quan đến các cây xăng đã từng xảy ra khá nhiều tại TPHCM. Chắc chắn người dân tại quận Gò Vấp vẫn chưa thể quên buổi chiều kinh hoàng ngày 21/5/2012, khi lửa bốc cháy dữ đội tại cây xăng nằm góc đường Nguyễn Oanh – Lê Hoàng Phái (phường 17, quận Gò Vấp). Ngọn lửa vô tình đã cướp đi sinh mạng của bé Vũ Mạnh Duy (4 tuổi).

Theo cơ quan điều tra, trước thời điểm vụ cháy xảy ra, tại cây xăng này đang tiến hành bơm xăng từ một chiếc xe bồn. Quá trình bơm xăng này đã xảy ra sự cố khiến xăng bị tràn ra ngoài gặp phải trời mưa nên tạo thành dòng chảy xuống mé đường.

Khi gặp phải tia lửa, dòng xăng bị rò rỉ đã bốc cháy dữ dội và gây ra cái chết thương tâm cho bé Vũ Mạnh Duy. Dù không xác định được ngọn lửa phát cháy từ đâu nhưng chắc chắn tài xế xe bồn chở xăng và bộ phận kỹ thuật đã thực hiện sai quy trình bơm xăng vào bồn gây rò rỉ và dẫn đến sự cố cháy nổ gây chết người.

Đến đêm 24/11/2012, một vụ cháy cây xăng khác cũng xảy ra tại cây xăng Sài Gòn Pertro nằm ngay góc cạnh đường Nguyễn Phúc Chu (phường 15, quận Tân Bình) khiến cả khu dân cư náo loạn. Khi xe bồn chở xăng đang nạp nhiên liệu vào bồn xăng âm đưới đất thì bất ngờ phát lửa ở trụ bơm xăng thứ 2 của cây xăng Sài Gòn Pertro. Đám cháy đã thiêu rụi cả cây xăng. Vào cuộc điều tra, công an xác định vụ cháy là chập điện trụ bơm xăng số 2.

Cây xăng xảy ra vụ cháy đóng cửa vào chiều 4/6/2013
Cây xăng Sài Gòn Pertro nằm ngay góc cạnh đường Nguyễn Phúc Chu (phường 15, quận Tân Bình) cháy rụi cả 4 trụ bơm vào đêm 24/11/1013

Dù những hiểm họa đã được cảnh báo bằng chính những sự cố đáng tiếc nhưng khảo sát tại một số quận huyện như quận Bình Thạnh, Tân Phú, Gò Vấp, Tân Bình… công tác đảm bảo an toàn PCCC vẫn chưa được chú trọng. Tại một số cây xăng, khi xe téc đang nhập hàng thì nhân viên vẫn bán xăng cho khách. Một cây xăng khác ở đường Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh) còn có người vô tư “phì phèo” thuốc lá cách cây xăng chỉ vài mét.

Một cây xăng nằm sát vách với ngân hàng
Một cây xăng nằm sát vách với ngân hàng

Tại cây xăng đường Lê Trọng Tấn, (quận Tân Phú), trong lúc nhập xăng từ xe téc, các nhân viên vẫn vô tư bán xăng cho khách. Một cây xăng khác trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp) lại nằm ngay cạnh trường trung cấp nghề Quang Trung nơi có hàng trăm sinh viên đang theo học, ra vào hàng ngày. Nhiều cửa hàng xăng dầu khác đang gây bất an cho người dân thành phố như cây xăng khác như cây xăng nằm trên đường Hồng Bàng, (quận 6), đường Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình); Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh)…

Trước những ẩn họa từ các cây xăng nằm trong khu dân cư có thể gây ra, UBND TPHCM đã tính đến những phương án di dời, quy hoạch lại các điểm kinh doanh xăng dầu để đảm bảo an toàn và hiệu quả nhất. Nhưng thực tế, để thực hiện được việc này cần có thời gian dài. Đã từng có dự kiến đầu tư mới theo quy hoạch các trạm xăng dầu để “xóa sổ” hơn 100 trạm xăng đang hoạt động không đạt quy chuẩn. Thế nhưng, đã vài năm kế hoạch này vẫn chưa thể hoàn tất nên buộc phải gia hạn cho nhiều cây xăng tiếp tục hoạt động.

Cây xăng nằm sát trường Trung cấp, nơi có hàng ngàn sinh viên ra vào mỗi ngày
Cây xăng nằm sát trường Trung cấp, nơi có hàng ngàn sinh viên ra vào mỗi ngày

UBND TPHCM đã ban hành quy định về việc sửa chữa, nâng cấp, xây dựng lại cửa hàng xăng dầu hiện hữu.  Quy định nêu rõ vị trí cửa hàng xăng dầu phải đảm bảo không được làm ảnh hưởng tới an toàn giao thông, cụ thể là phải cách lộ giới (chỉ giới đường đỏ) ít nhất 5m (tính từ tâm cột bơm). Các cửa hàng xăng dầu tại các giao lộ phải bố trí đường ra vào hợp lý, không làm ảnh hưởng đến giao thông chung. Cửa hàng xăng dầu ở gần cầu thì phải cách ngoài phạm vi bảo vệ dọc cầu và đường dẫn lên cầu tối thiểu 50 m.

Khoảng cách an toàn từ tâm cột bơm của cửa hàng xăng dầu đến chân các công trình công cộng tụ họp đông người tối thiểu là 25m. Các cửa hàng xăng dầu sửa chữa, nâng cấp, xây dựng lại đảm bảo đáp ứng các quy định trong Quyết định này phải thực hiện xong trong thời hạn một năm thì mới được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định.

Về diện tích xây dựng cửa hàng xăng dầu, chấp thuận cho tồn tại theo hiện trạng thực tế sử dụng. Khoảng cách giữa các cửa hàng xăng dầu liền kề nhau (cùng phía)  tối thiểu là 50m.

 
Người dân sẽ còn nhiều bất an khi sống cạnh những cây xăng nằm ẩn mình gần khu dân cư.
Người dân sẽ còn nhiều bất an khi sống cạnh những cây xăng nằm "ẩn mình" gần khu dân cư.
 
Trên địa bàn TP Đà Nẵng, qua khảo sát của PV có thể thấy hầu hết các cây xăng đều nằm trong khu dân cư, trong có có nhiều cây xăng nằm sát nhà dân.
 

Hầu hết các cây xăng đều đặt gần các
Hầu hết các cây xăng đều đặt gần các khu dân cư

Thượng tá Nguyễn Huy Phong, Trưởng phòng Hướng dẫn về phòng cháy (Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP Đà Nẵng) cho biết, trên địa bàn TP Đà Nẵng, theo quy định những cây xăng thời trước để lại đã chấm dứt hoạt động. Các cây xăng đang hoạt động đều nằm trong quy hoạch của thành phố, đạt điều kiện kinh doanh và đảm bảm an toàn về phòng chống cháy nổ (bồn đặt dưới lòng đất, đường ống kín, có hệ thống tiếp địa, được trang bị phòng cháy chữa cháy tại chỗ, người làm ở cây xăng được huấn luyện về phòng cháy chữa cháy…). Tuy nhiên, nguy cơ tiền ẩn cháy nổ đối với các cây xăng luôn thường trực như khi bơm xăng bị vương vãi ra, khi nhập xăng dùng chậu để múc cũng có thể gây ra ma sát dẫn đến cháy nổ, sử dụng cây xăng làm nơi tập kết hàng hóa, làm nơi giữ xe qua đêm, chập điện,...


“Vấn đề là người chủ và nhân viên cây xăng có trách nhiệm trong việc phòng ngừa cháy nổ như thế nào”, thượng tá Phong nói.


Cũng theo Thượng tá Phong, từ trước đến nay trên địa bàn Đà Nẵng chưa có vụ cháy cây xăng nào mà chỉ xảy ra những trường hợp như khách hàng có mâu thuẫn với nhân viên bán xăng nên rút bật lửa ra dọa, lái xe tông vào cây xăng làm đổ cột bơm, hay như đầu năm 2013, một xe tải vào cây xăng đổ xăng, do chập điện đã bị cháy và lan qua 4 xe bên cạnh, tuy nhiên không gây cháy lớn.


Nói về khó khăn trong công tác chữa cháy tại các cây xăng, Thượng tá Phong cho rằng tùy tình huống. Đối với tất cả các cây xăng đều được trang bị thiết bị chữa cháy và người làm ở cây xăng đều được huấn luyện công tác chữa cháy. Vì thế khi xảy ra cháy, lực lượng tại chỗ tiến hành khống chế đám cháy và khi lực lượng chữa cháy đến thì sẽ công tác chữa cháy sẽ thuận lợi hơn. Còn nếu họ bỏ chạy và để cho ngọn lửa bùng lớn thì lực lượng chữa cháy sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), theo quan sát, hầu hết các cây xăng đã có đầy đủ các vật dụng cứu hỏa cùng các quy định chặt chẽ về phòng cháy chữa cháy, tuy nhiên không ít cây xăng trên địa bàn thành phố này đang tọa lạc gần khu dân cư đông đúc, trường học, nhà cao tầng… Trong trường hợp xảy ra cháy nổ ngoài ý muốn, người dân địa phương cho rằng việc chữa cháy sẽ gặp nhiều khó khăn và hậu quả có thể sẽ rất lớn.

Ẩn họa từ những “khối bom xăng” giữa thành phố
Cây xăng ở số 6 đường Nguyễn Tất Thành (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) và ngôi nhà màu xanh bên cạnh là trường Trung cấp Đắk Lắk.
Một trụ bơm xăng với bình chữa cháy giản dị.
Một trụ bơm xăng với bình chữa cháy "giản dị".

 
Trung Kiên - Thảo Trần - Khánh Hồng - Viết Hảo