1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ẩn hoạ chết người từ hàng dệt may

Vừa qua, dư luận xôn xao về việc nhiều nhà sản xuất Trung Quốc tung ra thị trường các loại khăn có chứa hợp chất benzene gây ung thư. Trong khi đó, thị trường Việt Nam vẫn tràn ngập các sản phẩm dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc, không rõ nguồn gốc sản xuất.

Vải nhuộm màu dễ gây ung thư

Chỉ cần dạo qua phố Hàng Hòm (Hà Nội) - Trung tâm bán buôn bán lẻ các loại hoá chất thuốc tẩy, thuốc nhuộm, keo, sơn các loại, có thể thấy ngay một thị trường hoá chất sôi động, phẩm màu được đóng túi nhỏ 100 gram, không nhãn mác và bán ra thị trường với giá "bèo" (5.000 đồng).

Cùng với phẩm màu, các loại thuốc tẩy cũng được bày bán la liệt, "hướng dẫn sử dụng" - đáng lẽ phải được bắt buộc in trên bao bì từng sản phẩm - thì ở đây chỉ được... truyền miệng từ người bán đến người mua.

Đó là chưa kể những "hướng dẫn sử dụng" liều lượng kiểu như "liều liệu ước chừng". Một lượng lớn thuốc tẩy javen tại đây được cung cấp cho các cơ sở sản xuất ở ngoại thành và một số tỉnh lân cận chuyên sản xuất các loại khăn mặt hoặc "luộc lại" những chiếc khăn "dùng một lần" cung cấp cho các nhà hàng, quán nhậu.

Mới đây tại tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) đã phải đóng cửa 9 nhà máy, tịch thu 40 tấn thuốc tẩy và khoảng 1 triệu khăn mặt có dùng hoá chất độc hại cấm sử dụng.

Phương pháp nhuộm của các cơ sở sản xuất hàng dệt may hiện nay đã thay đổi. Trước đây là "nhuộm chín": cho thuốc nhuộm cùng với nước vào đun sôi (có thể kèm theo muối), cho khăn, áo quần vào nhuộm, sau đó ngâm vào nước lã giặt lại cho đến khi nước giặt hết màu thì mới đem phơi.

Còn hiện nay, các cơ sở sản xuất đều sử dụng phương pháp "hoàn nguyên": Cho sản phẩm và phẩm màu ngâm trực tiếp vào nước ấm, sau khi sản phẩm "ăn màu" thì đem phơi nắng.

Các chuyên gia cho biết, với phương pháp này, việc chuyển hoá màu của sản phẩm không diễn ra trong quá trình nhuộm, mà là quá trình phơi, trong quá trình này, các hoá chất bị biến đổi một cách khó lường (tuỳ theo yếu tố của nhiệt độ, thời tiết...).

Một nghiên cứu của nhóm sinh viên trường ĐH Y TPHCM cho biết: Những loại thuốc nhuộm màu đen như brilliant black BN vẫn thường được các cơ sở nhuộm và dệt vải sử dụng để nhuộm màu cho các mặt hàng vải hoặc vải giả da... lại chính là một trong những hóa chất đã bị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo không được sử dụng từ vài năm qua. 

Bởi đây là hóa chất hại sức khoẻ, gây kích ứng da cho người tiêu dùng và nguy hại hơn là hóa chất này vừa được các nhà khoa học trên thế giới chứng minh là có khả năng gây ung thư...

Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Nguyên Trưởng phòng thử nghiệm (Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1) - cho biết: "Trong công nghiệp tẩy trắng, hoạt chất xelulo có thể biến đối thành PAHs thơm và là nguồn gốc gây ra dioxin. Ngoài ra trong thuốc nhuộm đáng lo ngại nhất là Polyaromatic hydrocacbons có thể gây dị ứng".

"Tuy nhiên với các loại thuốc tẩy có trong danh mục gốc Azô không đáng lo ngại lắm về sức khoẻ. Điều đáng nói là nồng độ hoá chất và quá trình pha chế có thể gây ra những phản ứng phụ ảnh hưởng đến sức khoẻ người sử dụng".

Nội y mùi thơm gây dị ứng

Ẩn hoạ chết người từ hàng dệt may - 1

Đồ nội y Trung Quốc bày bán la liệt ở chợ Bến Thành (TPHCM).

Phố Lãn Ông (Hà Nội) được gọi là "phố khăn mặt". Tại đây, bên cạnh các loại khăn mặt có uy tín trên thị trường như: ACC, Hồng Quân... người ta còn bày bán đủ các loại khăn mặt, khăn tắm, khăn ướt của các cơ sở sản xuất thủ công hoặc nhập từ Trung Quốc, phần lớn không có nhãn mác.

Tất cả những khăn này đều được nhập qua đường tiểu ngạch. Trên từng chiếc khăn ngoài thông tin "100% cotton" không có thông tin về hoá chất tẩy, hoá chất nhuộm.

Tất cả các loại khăn Trung Quốc đều rẻ hơn nhiều so với khăn mặt Việt Nam sản xuất (giá khăn Trung Quốc chỉ từ 2.500 - 5.500đ/chiếc). Khi được hỏi về các loại phẩm màu mà khăn Trung Quốc có thể sử dụng, 100% các chủ hàng đều lắc đầu "ai mà biết được".

Không chỉ khăn mặt, chất lượng an toàn sức khoẻ của các loại sản phẩm dệt may khác cũng rất đáng lo ngại. Một trong những mặt hàng "nhạy cảm" nhất là nội y. Trên thị trường từ thành phố đến nông thôn đều đang tràn ngập các sản phẩm "nội y" các loại (giá từ 5000 - 50.000đ), không rõ xuất xứ, phần lớn được nhập từ Trung Quốc.

Cô chủ sạp Trang - chợ Bến Thành (TPHCM) giới thiệu hàng loạt mẫu mã "nội y" mới, trong đó, có loại quần lót có mùi hương. Cô cho biết, loại quần này đang được giới trẻ rất ưa chuộng vì mùi hương dễ chịu, hình in dễ thương mà giá cũng vừa túi tiền (xấp xỉ 30.000đ). Loại quần này được giới thiệu là "hàng Hàn Quốc", nhưng những người "sành" hàng nhập thì khẳng định nó "đích thị" là "Made in China".

Đem sản phẩm "nội y" này đến hỏi ý kiến BS Nguyễn Thị Thanh Mai - Bác sĩ phụ khoa BV Hùng Vương, chúng tôi được biết: Những chất có mùi hương, nhất là loại mùi hương như của sản phẩm này rất dễ gây dị ứng. Vì vậy, không nên dùng loại sản phẩm này vì nếu để những chất đó tiếp xúc với những vùng da nhạy cảm rất dễ gây kích ứng rồi viêm nhiễm.

Đó là chưa nói đến việc những mặt hàng này rất có thể được ngâm, tẩm bởi những loại hóa chất ngoài danh mục cho phép, gây hại cho sức khoẻ người tiêu dùng.

 

Theo Xuân Long, Linh Lan, A Trúc

Lao Động