An Giang: Xây dựng nông thôn mới - Có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc!
(Dân trí) - Lãnh đạo tỉnh An Giang cho rằng, chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa chính trị to lớn trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã thật sự thay đổi bộ mặt cho các địa phương. Do đó, xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc thì việc kế thừa và phát huy các giá trị của Chương trình là hết sức cần thiết.
Sáng 30/9, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 – 2020, sơ kết 4 năm chương trình hành động số 04-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về NTM và ký kết giao ước thi đua giai đoạn 2021 – 2025. Đến dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, từ xuất phát điểm rất thấp (năm 2010 có trên 90% số xã đạt dưới 5 tiêu chí NTM), sau gần 10 năm triển khai, chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn An Giang đạt nhiều kết quả nổi bật.
Tính đến tháng 9/2019, toàn tỉnh có 54 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 45,38%), 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM mới (TP. Châu Đốc, TP. Long Xuyên) và 1 đơn vị huyện NTM là huyện Thoại Sơn. Dự kiến đến 12/2019, toàn tỉnh có thêm 7 xã đạt chuẩn, nâng tổng số lên 61/119 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 51,26%), hoàn thành mục tiêu chương trình sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.
Từ kết quả này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã phát động phong trào thi đua “An Giang chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2021 – 2025 với mục tiêu có thêm 28 xã đạt chuẩn NTM, thêm 2 huyện NTM (Chợ Mới và Châu Thành), nâng thu nhập bình quân khu vực nông thôn của các xã NTM đạt 65 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều bình quân 0,5%/năm, tăng tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 90%, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch 95%, nước hợp vệ sinh 100%...
Lãnh đạo tỉnh An Giang, cho rằng, chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa chính trị to lớn trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, ổn định chính trị của địa phương nói riêng và toàn quốc nói chung. Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã thật sự thay đổi bộ mặt cho địa bàn các xã, nhất là các xã khó khăn, xã dân tộc, xã biên giới; đời sống người dân được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần; kết cấu hạ tầng của địa phương được cải thiện đáng kể...
Do đó, với quan điểm xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc thì việc kế thừa và phát huy các giá trị của Chương trình trong giai đoạn 2011 - 2020 và tiếp tục thực hiện Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 là cần thiết nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao hơn nữa về đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn và xây dựng nền kinh tế nông nghiệp thịnh vượng, bền vững.
Vì thế, sau khi cả hệ thống chính trị nhìn lại chặn đường 10 năm xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cùng với Chủ tịch các huyện, thị xã ký giao ước thi đua xây dựng NTM. Đồng thời, dịp này lãnh đạo tỉnh tặng Bằng khen kèm logo của UBND tỉnh cho 68 tập thể, 69 cá nhân có nhiều đóng góp xây dựng NTM.
Khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp xây dựng nông thôn mới.
Nguyễn Hành