“Ầm ĩ” những dự án giao thông “dính mùi” tiêu cực!
(Dân trí) - PMU18 - vụ án “ầm ĩ” nhất liên quan trực tiếp tới giới chức cấp cao của ngành giao thông vận tải (GTVT), vụ án PCI và JTC sử dụng vốn ODA Nhật Bản; các nhà thầu nước ngoài có hành vi tiêu cực khi tham gia các dự án giao thông tại Việt Nam.
Gần đây, cơ quan công tố các nước có vốn ODA tài trợ cho các dự án giao thông cho Việt Nam đã phát hiện ra những tiêu cực trong việc “chạy thầu” và thanh toán chi phí bằng qũy đen, hối lộ quan chức trong các dự án. Dân trí xin điểm lại diễn biến các vụ việc và thông tin về các nghi án tiêu cực này.
Đại án PMU18
Năm 2006 - vụ tiêu cực tại PMU18 (Ban Quản lý các dự án 18) thuộc Bộ GTVT từng gây xôn xao dư luận cả trong và ngoài nước, với sự liên quan của giới chức ngành giao thông.
Tháng 1/2006, Bùi Tiến Dũng - Tổng Giám đốc PMU18 bị bắt giữ và bị cáo buộc đã cá độ bóng đá với số tiền trên 1,8 triệu đô la. Công an đã tìm thấy tài liệu trong máy tính của đơn vị cho thấy trên 200 nhân viên đã tham gia cá độ.
PMU18 ban đầu được thành lập để quản lý dự án nâng cấp Quốc lộ 18, sau đó được giao nhiều dự án khác, với số vốn ODA (viện trợ phát triển chính thức) đã giải ngân lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Vì vậy vụ án đã gây chấn động dư luận Việt Nam cũng như các nước và tổ chức cung cấp ODA cho Việt Nam, trong đó có Nhật Bản và Ngân hàng Thế giới - họ quan ngại việc quản lý không chặt nguồn vốn vay, làm cho vốn bị sử dụng sai mục đích, không giúp được Việt Nam cải thiện cơ sở hạ tầng.
Tháng 8/2007, Bùi Tiến Dũng bị tòa tuyên 13 năm tù vì 2 tội danh đánh bạc và đưa hối lộ, đồng thời bị phạt 50 triệu đồng tội đánh bạc và một tỷ đồng tội đưa hối lộ. Vụ án "ầm ĩ" này đã khiến Bộ trưởng Bộ GTVT thời kỳ đó là ông Đào Đình Bình phải từ chức.
Bê bối lớn tại Dự án Đại lộ Đông - Tây
Chỉ 2 năm sau khi đại án PMU18 khép lại, dư luận cả nước lại xôn xao về vụ bê bối liên quan tới Dự án Đại lộ Đông - Tây tại TPHCM sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản. Dự án khởi công vào tháng 1/2005 có tổng mức đầu tư khoảng 660 triệu USD, tương đương 9.863 tỷ VND. Vụ bê bối được phanh phui vào tháng 8/2008 khi cơ quan công tố Nhật Bản phát lệnh bắt và khởi tố 4 cựu cán bộ cao cấp của Công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) về tội danh hối lộ.
Ông Huỳnh Ngọc Sĩ bị bắt khi xảy ra vụ án PCI
Trong phiên tòa diễn ra tại Nhật Bản ngày 11/11/2008, cả 4 người nói trên đã thừa nhận việc từng đưa hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ, thời điểm đó là Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây và môi trường nước TPHCM (gọi tắt là PMU Đông Tây) 820.000 USD để “chạy” thầu dự án này.
Phía Nhật Bản có văn bản đề nghị Việt Nam kết hợp điều tra, làm rõ vụ việc theo lời khai nhận của các cựu quan chức PCI. Cùng thời điểm này, Nhật Bản tuyên bố tạm ngừng cấp mới ODA cho Việt Nam đến khi có kết luận cuối cùng về vụ việc. Tại Việt Nam, ông Huỳnh Ngọc Sĩ bị đình chỉ công tác và cấm xuất cảnh. Tháng 12/2008, Cơ quan CSĐT Bộ Công an Việt Nam đã khởi tố vụ án đưa và nhận hối lộ PCI.
Tháng 2/2011, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C37) đã thực hiện lệnh khởi tố và bắt tạm giam ông Huỳnh Ngọc Sĩ. Đến tháng 9/2011, tòa phúc thẩm tuyên án Huỳnh Ngọc Sĩ phạm tội nhận hối lộ, giảm án từ phạt tù chung thân (án sơ thẩm) xuống 20 năm tù giam.
80 triệu Yên Nhật và 6 quan chức Việt Nam bị bắt
Tháng 3/2014, ôngTamio Kakinuma - Giám đốc Công ty Tư vấn GTVT Nhật Bản (JTC) - khai báo tại cơ quan công tố Tokyo việc đã “lại quả” 80 triệu Yên (khoảng 16,4 tỷ đồng) cho Dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Hà Nội, vốn ODA Nhật Bản trị giá 4,2 tỷ Yên (khoảng 863 tỷ đồng) để được trúng thầu thực hiện dự án này, người nhận tiền hối lộ công tác ở đơn vị quản lý dự án của đường sắt Việt Nam.
Nhật Bản đã từng dừng cấp ODA cho Việt Nam do liên quan đến vụ án PCI, nay vụ án JTC cũng đang bị buộc phải hoàn tiền
Quá trình làm rõ nghi án này, Bộ GTVT đã có nhiều động thái tích cực trong việc xúc tiến thanh kiểm tra và rà soát từng cá nhân liên quan đến dự án đường sắt sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản, đồng thời phối hợp với cơ quan công an điều tra làm rõ sự việc.
Tháng 5/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an tiến hành khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam 6 bị can về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ban Quản lý các dự án Đường sắt thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, trong đó có bị can đang là Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
Hiện vụ việc đang được điều tra và chưa có kết luận cuối cùng, tuy nhiên, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản mới đây đã yêu cầu phía Việt Nam phải trả lại khoản tiền tư vấn, đồng thời cảnh báo nếu còn xảy ra một vụ hối lộ tương tự, Nhật Bản sẽ dừng cấp ODA cho Việt Nam.Liên quan đến vấn đề này, Bộ GTVT đã có phản hồi chính thức và khẳng định khoản tiền này chắc chắn sẽ phải được hoàn lại cho Nhật Bản, đây là điều khoản bắt buộc theo thông lệ quốc tế, Việt Nam cũng áp dụng như bất kỳ quốc gia nào, tuy nhiên số tiền là bao nhiêu thì Bộ GTVT đang giao Ban QLDA Đường sắt rà soát lại hợp đồng.
Nhà thầu nổi tiếng của Hàn Quốc và Mỹ cũng… hối lộ !?
Đầu tháng 3/2015, Cơ quan công tố Hàn Quốc đã phát lệnh tạm giam cựu Giám đốc chi nhánh nước ngoài của Tập đoàn Posco E&C có tên là Park., với cáo buộc ông này đã tạo quỹ đen khoảng 10 tỷ won (tương đương với 199 tỷ VNĐ) và biển thủ 4 tỷ won khi thực hiện các dự án giao thông tại Việt Nam từ năm 2009 - 2012.
Trong giai đoạn này, Tập đoàn Posco E&C đã trúng thầu 3 gói thầu A1, A2 và A3 của Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; tham gia Dự án xây dựng đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và là nhà thầu thi công gói số 3 và gói 5A của dự án. Cả 2 dự án mà Posco E&C trúng thầu đều là những dự án đường cao tốc có quy mô lớn của Việt Nam và được Bộ GTVT giao cho Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.
Mặc dù Park và Posco khai nhận quỹ được lập để sử dụng như tài khoản thanh toán cho các nhà thầu phụ. Tuy nhiên, các công tố viên lại tìm thấy bằng chứng cho thấy một phần lớn số tiền này đã được sử dụng ở những nơi khác và đã tiến hành điều tra toàn diện về vụ bê bối quỹ đen của Posoc E&C tại Việt Nam thông qua khám xét một số nhà thầu phụ của Tập đoàn này là Heungwoo tại thành phố Busan.
Posco là nhà thầu chính của gói thầu A1, 2, 3 của Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Cũng liên quan đến tiêu cực, Ngân hàng Thế giới (WB) vừa “cấm cửa” nhà thầu Louis Berger của Mỹ tham gia đấu thầu 1 năm do có hành vi hối lộ các quan chức tại Dự án Giao thông nông thôn 3 (WB3) và Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng của Việt Nam. Đây được cho là vấn đề nghiêm trọng bởi Louis Berger là một nhà thầu nổi tiếng.
Dự án WB3 có tổng mức đầu tư là 167,51 triệu USD, trong đó vốn vay của WB là 100 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của DFID là 25 triệu USD, vốn đối ứng của Việt Nam là 42,65 triệu USD. Louis Berger đóng vai trò tư vấn cố vấn, được tuyển chọn qua hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế theo phương thức dựa vào chất lượng và chi phí (QCBS). Tổng giá trị hợp đồng mà Louis Berger ký với Ban quản lý dự án 6 là 3,705 triệu USD (tương đương 53,5 tỷ đồng) trong thời gian 2008 - 2012. Giá trúng thầu này thấp hơn khoảng 1 triệu USD so với giá gói thầu được phê duyệt.
Được biết, ngoài Louis Berger, một số nhà thầu khác cũng bị WB và Bộ GTVT “cấm cửa”, xử phạt do có những hành vi thông thầu trong quá trình triển khai Dự án WB3.
Mặc dù báo chí các nước đã đăng tải một cách rõ ràng về “tội trạng” nhà thầu trong nghi án tiêu cực của Tập đoàn Posco E&C Hàn Quốc và Louis Berger của Mỹ khi tham gia thực hiện các dự án giao thông tại Việt Nam, tuy nhiên cơ quan chủ quản của các dự án giao thông “dính” nghi án tiêu cực là Bộ GTVT đã lên tiếng cho biết vẫn chưa nhận được thông tin chính thức.
Châu Như Quỳnh (tổng hợp)