Nước ngoài phát hiện “hộ” tiêu cực chứng tỏ chống tham nhũng có vấn đề!
(Dân trí) - Các chuyên gia pháp luật, kinh tế, xây dựng đều cho rằng cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt trước thông tin Ngân hàng Thế giới và báo chí Hàn Quốc phát giác các tiêu cực liên quan đến các dự án giao thông ở Việt Nam.
Trao đổi với PV Dân trí, TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương - cho rằng, việc Ngân hàng Thế giới và cơ quan công tố Hàn Quốc phát giác các vụ việc tham nhũng liên quan đến các dự án giao thông Việt Nam là những biểu hiện rất đáng lo ngại.
“Lo ngại là bởi chúng ta không tự phát hiện được mà do bên ngoài phát hiện hộ. Khi bên ngoài phát hiện rồi thì bên ta lại nói chưa có vấn đề gì. Trong vụ POSCO, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) lại nói điều này không ảnh hưởng gì, đó là việc của họ, không phải của mình. Còn trong vụ việc phía Nhật Bản phát hiện ra vụ Tập đoàn JTC hối lộ, bên Nhật Bản đã khởi tố, người liên quan đã nhận lỗi; còn ở Việt Nam bây giờ vẫn chưa có kết luận chính thức. Hôm vừa rồi họp báo Bộ Giao thông vận tải cũng chưa thấy nói gì về chuyện ấy. Đó là những điều làm cho chúng ta thấy chống tham nhũng ở đây có những vấn đề phải xem xét”- ông Doanh bày tỏ.
Theo ông Doanh, các dự án bị phát giác có hối lộ, tham nhũng đều là những dự án giảm nghèo, vay vốn nước ngoài để xây dựng kết cấu hạ tầng. Chính vì thế thời điểm này là lúc Việt Nam cần nghiêm túc xem xét lại các quy chế của mình xem hổng ở đâu; bàn bạc với các bên liên quan để có chấn chỉnh lại.
“Những phản ánh đó rất quan trọng nên tôi nghĩ Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng nên vào cuộc”- TS Lê Đăng Doanh nói.
Theo TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, các dự án vay vốn nước ngoài - nước ngoài đều có giám sát sự minh bạch. “Tại các dự án có vốn ODA Nhật Bản chẳng hạn, chỉ sử dụng các nhà thầu tư vấn, giám sát của Nhật Bản và Việt Nam tham gia thôi. Việt Nam không am hiểu dự án nên chỉ làm nhà thầu phụ. Tất nhiên cũng có thể có trường hợp đi ngầm giữa bên nước ngoài với ban quản lý dự án. Nhưng ngay cả các dự án trong nước, tính minh bạch cũng rất yếu. Cái mà tôi muốn nói ở đây là các công trình hạ tầng, dùng vốn nhà nước hoặc dùng vốn ODA cần phải thay đổi cơ chế giám sát. Hiện nay chúng ta lập ra các ban quản lý dự án thuộc bộ ngành hoặc địa phương nhưng thực tế sự giám sát cấp trên - cấp dưới ở đây rất lỏng lẻo, dễ hình thành nhóm lợi ích”- ông Liêm phân tích.
Ông Liêm nói tiếp: “Chính vì thế nên chúng tôi đã từng đề xuất dựa trên kinh nghiệm quốc tế, rằng các dự án công, dù vốn vay ODA hay ngân sách nhà nước cũng phải thuê tư vấn quản lý chứ không thể tự mình tổ chức quản lý. Nếu thuê thì cơ quan chủ quản có trách nhiệm giám sát đơn vị được thuê. Sự giám sát đó sẽ hiệu quả hơn, dù vẫn có thể “đi đêm”. Còn nếu vẫn do ban quản lý dự án quản lý thì chả ai dám làm (giám sát cấp trên - cấp dưới) cả”.
TS. Phạm Sỹ Liêm nhấn mạnh việc chống tham nhũng cần được tiến hành chủ động chứ không thể “đợi ai báo cho mình biết rồi mới làm”. “Chỉ nghe phong phanh như thế thôi thì cũng làm, không chỉ riêng dự án đó, mà làm tất các dự án. Người ta cảnh giác cho mình như thế thì mình phải hoan nghênh chứ sao lại tỏ ra xấu hổ như bây giờ được”- ông Liêm bày tỏ.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội luật gia TPHCM - khẳng định những thông tin mà Ngân hàng Thế giới và báo chí Hàn Quốc phản ánh chính là tin báo tố giác tội phạm.
“Đã là tin báo tố giác tội phạm và được báo chí đăng tải rộng rãi như vậy thì dư luận nhân dân rất quan tâm và theo dõi hướng xử lý của cơ quan chức năng. Khi có những thông tin từ phía đối tác như vậy thì mình phải điều tra, xử lý. Nếu không làm được điều này thì Luật phòng chống tham nhũng khó thực hiện được nghiêm”- ông Hậu nói.
Theo ông Hậu, nếu cơ quan chức năng không vào cuộc mạnh mẽ và trả lời được cho người dân câu hỏi “có hay không có tiêu cực”, người dân sẽ rất băn khoăn và đặt ra nhiều suy đoán.
“Bộ Giao thông vận tải có thể đề nghị cơ quan điều tra, thanh tra vào cuộc để cùng xử lý, xem có hành vi vi phạm pháp luật không, nếu có thì phải xử lý nghiêm minh”- ông Hậu bày tỏ.
Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đã “cấm cửa” Công ty Louis Berger Group (LBG, Mỹ) tham gia vào các dự án sử dụng vốn của mình, do có liên quan đến hành vi tham nhũng trong 2 dự án tại Việt Nam. Đồng thời, công ty mẹ của LBG là Tập đoàn Berger Group Holdings cũng bị hạn chế đấu thầu các dự án của WB. Hai dự án được WB nêu tên là Giao thông Nông thôn 3 và Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên ở thành phố Đà Nẵng.
Ngoài ra, báo chí Hàn Quốc phản ánh, cựu CEO POSCO có tên là Park bị cơ quan công tố nước này phát lệnh tạm giam với cáo buộc là đã tạo ra quỹ đen khoảng 10 tỷ won và biển thủ 4 tỷ won từ quỹ này khi thực hiện các dự án của Công ty xây dựng POSCO E&C tại Việt Nam trên cương vị Giám đốc chi nhánh nước ngoài của Tập đoàn giai đoạn 2009 - 2012. Trong danh sách các dự án được nêu có một số dự án xây dựng đường cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) - Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư.
JICA lập đường dây nóng chống tiêu cực ở dự án có vốn ODA Thông tin từ Thanh tra Chính phủ cho biết trong cuộc làm việc mới đây với cơ qua này và Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, ông Ken Yamamota - Phó trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA)- cho rằng một trong những giải pháp chống tiêu cực tại các dự án có vốn ODA là sau khi ký kết hợp đồng mà xuất hiện sự chậm trễ bất thường từ 1-2 năm thì đề nghị có sự tham gia của bên thứ ba vào quá trình thương thảo hợp đồng. Ông Ken Yamamot nhấn mạnh đây là biện pháp cần thiết để đẩy nhanh tiến độ các dự án có vốn ODA của Nhật Bản. Nhật Bản sẽ lập đường dây nóng tại Đại sứ quán Nhật Bản và văn phòng JICA tại Việt Nam để các cá nhân, đơn vị, nhà thầu phản ánh trực tiếp các vấn đề tiêu cực, tham nhũng liên quan đến các dự án ODA. Việc kiểm tra, xác minh, thanh tra các tin báo tố giác đó rất cần có sự phối hợp của Thanh tra Chính phủ. Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng khẳng định sẵn sàng hợp tác với phía Nhật Bản trong việc phát hiện, xử lý các tiêu cực liên quan đến dự án vốn ODA. Khi tiếp nhận thông tin từ phía Nhật Bản, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành theo phân cấp quản lý ở Việt Nam, đề nghị cơ quan chủ quản sử dụng vốn ODA hoặc Bộ Kế hoạch- Đầu tư tiến hành thanh tra, kiểm tra. Thanh tra Chính phủ sẽ theo dõi, giám sát việc giải quyết theo quy định pháp luật, nếu thấy không đạt yêu cầu sẽ trực tiếp tiến hành thanh tra. |
Thế Kha