1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ajinomoto phun "thứ phẩm" bột ngọt xuống ruộng

Phân bón - đây là kết quả tìm hiểu xung quanh việc Ajinomoto <a href="http://www11.dantri.com.vn/Sukien/2007/9/195260.vip"> phun một loại chất lỏng xuống ruộng</a> của một số bà con ở Long An. Phân bón này có tên Ami Ami, được làm từ dịch lỏng sinh ra trong quá trình sản xuất bột ngọt.

Kết quả phân tích mẫu nước có phun Ami Ami

Chỉ vào dãy bể chứa hàng nghìn mét khối đang chứa đầy thứ chất lỏng sền sệt, mùi ngòn ngọt, ông Hoàng Văn Quốc Chương - phó giám đốc Nhà máy Biên Hòa, Công ty Ajinomoto VN - cho biết đây là nguyên liệu dùng để sản xuất phân bón hữu cơ dạng lỏng Ami Ami.

Theo ông Chương, loại phân này đã được sử dụng rộng rãi ở các tỉnh miền Đông Nam bộ từ nhiều năm nay. Ở đồng bằng sông Cửu Long thì Tiền Giang, Long An... cũng sử dụng với tổng khối lượng khoảng 6.000m3. Mỗi năm tổng lượng loại phân này được đưa ra thị trường trên 100.000m3.

Chi phí sản xuất rất thấp

Theo ông Lê Trọng Tuấn - phụ trách bộ phận phát triển phân bón Công ty Ajinomoto VN, phân Ami Ami do công ty này "tung" ra thị trường với giá khoảng 150 đồng/lít, trong đó chi phí vận chuyển chiếm 90 đồng/lít. "Nhờ sử dụng nguyên liệu được sinh ra từ quá trình sản xuất sản phẩm chính (bột ngọt) của nhà máy nên chi phí sản xuất rất thấp" - ông Tuấn giải thích thêm.

Chiều 4/9, ông Nguyễn Văn Giàu - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai - cho biết loại phân Ami Ami của Công ty Ajinomoto VN được làm từ nguồn phế phẩm sinh ra trong quá trình sản xuất bột ngọt, nguyên liệu chính là gỉ đường và bột mì.

Theo ông Giàu, ngày 24/8/2007, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đồng Nai đã tiếp nhận bản công bố tiêu chuẩn của Công ty Ajinomoto VN đối với phân bón hữu cơ Ami Ami.

Theo công bố này, chỉ tiêu kỹ thuật và mức chất lượng của loại phân Ami Ami chủ yếu gồm hai thành phần: hàm lượng nitơ tổng với mức 4% và hàm lượng chất hữu cơ với mức 23%; trong phân không có hoạt chất sinh học, hàm lượng các kim loại nặng và các vi sinh vật gây hại như E.coli, Salmonella, coliform...

Giải thích vì sao đến gần đây Ajinomoto mới có công bố tiêu chuẩn tại Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai trong khi sản phẩm đã sử dụng từ nhiều năm trước, ông Lê Trọng Tuấn nói vào tháng 12/2004 phân bón Ami Ami đã được Cục Nông nghiệp lúc bấy giờ xác nhận công bố tiêu chuẩn với thành phần và mức chất lượng như đã nêu trên.

Tuy nhiên, do gần đây có qui định mới phải công bố tiêu chuẩn ở địa phương nên công ty đã phải làm lại bản công bố tiêu chuẩn mới.

Ông Tuấn cũng cung cấp quyết định của bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc công nhận biện pháp kỹ thuật mới (ký ngày 13/1/1997). Theo đó, bộ này công nhận phân bón hữu cơ Ami Ami dạng lỏng là tiến bộ kỹ thuật được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp tại vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Chất lượng đến đâu?

Theo ông Tuấn, tại danh mục bổ sung ban hành kèm theo quyết định số 77 ngày 23/11/2005 của bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ami Ami thuộc nhóm phân hữu cơ sinh học.

Trong một phân tích chi tiết về thành phần của phân Ami Ami (do Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 thực hiện tháng 6/2007, mẫu do Công ty Ajinomoto VN tự gửi đến) cho thấy ngoài hai thành phần chính là nitơ tổng (4,8%) và chất hữu cơ (26,9%), còn có một số chất khác như oxit photphoric (0,17%), oxit kali (0,88%), axit humic (0,9%)...

Ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng với thành phần như vậy, việc sử dụng loại phân Ami Ami cũng là biện pháp cung cấp một phần chất hữu cơ cho đất, nhưng "không thể so sánh với chất lượng của phân heo hay phân gà”. Ông Giàu cũng nói rằng ở Đồng Nai có thấy nhà sản xuất có quảng cáo phân Ami Ami nhưng người dân trong tỉnh có lẽ không chuộng lắm.

Trong khi đó, một số nhà chuyên môn cho rằng nếu loại dịch lỏng sinh ra trong quá trình sản xuất bột ngọt (nguyên liệu chính là gỉ đường và bột mì) không được xử lý bằng cách làm phân bón Ami Ami thì loại chất lỏng này sẽ trở thành một thứ chất thải công nghiệp, buộc nhà sản xuất phải có trách nhiệm xử lý đúng theo qui trình trước khi được phép thải vào môi trường. Dĩ nhiên, trong trường hợp này là rất tốn kém.

Trưa 4/9, phòng môi trường đã chuyển cho Trung tâm Quan trắc và dịch vụ kỹ thuật môi trường (đều thuộc Sở Tài nguyên - môi trường Long An) mẫu nước được lấy tại thửa ruộng của ông Nguyễn Văn Kiệu, ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa vào sáng 2/9 (tức hơn 12 giờ kể từ lúc Công ty Ajinomoto phun phân bón Ami Ami xuống ruộng ông Kiệu) để phân tích.

Đến 18h cùng ngày đã có kết quả phân tích bốn chỉ tiêu: pH, COD (nhu cầu oxy hóa học), tổng nitơ và tổng phôtpho có trong mẫu nước. Theo đó, ngoại trừ độ pH = 5,08 thấp hơn giới hạn cho phép, ba chỉ tiêu còn lại đều cao hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn TCVN 5945-2005.

Cụ thể, chỉ tiêu COD trong mẫu nước có phun Ami Ami là 1.221mg/l (theo TCVN thì hàm lượng COD không được vượt quá 50mg/l). Tổng nitơ theo tiêu chuẩn chỉ có 15mg/l, nhưng trong mẫu phân tích tổng nitơ lên đến 730mg/l. Còn tổng phôtpho theo tiêu chuẩn là 4mg/l, nhưng trong mẫu phân tích là 12,5mg/l.

Hiện nay Sở TN-MT Long An đang tiếp tục phân tích hai chỉ tiêu: chất rắn lơ lửng (SS) và nhu cầu oxi sinh hóa (BOD5) trong mẫu nước có phun Ami Ami.

Ông Nguyễn Minh Lâm, phó Phòng môi trường (Sở TN-MT Long An), cho biết COD trong nước cao chứng tỏ nguồn nước bị ô nhiễm các thành phần hóa học rất nặng. Hàm lượng nitơ và phôtpho cao sẽ gây hiện tượng "phú dưỡng" đối với cây trồng.

Theo Quốc Thanh - Vân Trường
Báo Tuổi trẻ