1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ai trục lợi vỉa hè Hà Nội? - Bài 4: “Tháo khoán” giấy phép, tiền vào túi ai?

Với cơ chế quản lý hiện nay, vỉa hè đang là “bầu sữa ngọt” của không ít người, từ cán bộ quản lý nhà nước đến những doanh nghiệp đang trực tiếp quản lý, kinh doanh các điểm đỗ xe. Câu chuyện đấu thầu, minh bạch thu chi của các điểm trông giữ ô tô, xe máy chưa biết bao giờ mới thành hiện thực!

Điểm đỗ xe trên phố Đinh Tiên Hoàng thu tiền không phát vé. Ảnh: Hà Anh
Điểm đỗ xe trên phố Đinh Tiên Hoàng thu tiền không phát vé. Ảnh: Hà Anh

Những “giấy phép lạ”

Mang danh là cấp phép điểm đỗ để phục vụ người dân nhưng không ít giấy phép trông giữ xe bị chính người dân, cử tri nơi có điểm đỗ đồng loạt phản ứng, bất bình. Nhiều giấy phép còn được cấp trái với chỉ đạo của UBND thành phố. Đại diện UBND phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng) cho biết, trên địa bàn phường có 3 tuyến mà Sở GTVT cấp phép trông giữ ô tô trên lòng đường gồm Lê Ngọc Hân, Hàng Chuối, Tăng Bạt Hổ.

“Tiếp xúc cử tri của phường, của quận đều nêu vấn đề này. Đề nghị thu hồi giấy phép là nguyện vọng chính đáng của người dân vì tại đây lòng phố rất hẹp”, vị cán bộ phường Phạm Đình Hổ cho hay. Người ký cấp phép đỗ xe dưới lòng đường chính là ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội. Trong kết luận của Thanh tra thành phố, Sở GTVT còn ký cấp phép trái với chỉ đạo của UBND thành phố tại các tuyến Hai Bà Trưng, Trần Quang Khải, Hàng Vôi, Nguyễn Chí Thanh.

Quá trình tìm hiểu, nhóm PVTiền Phongcòn thu thập được giấy phép do ông Nguyễn Quốc Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm ký cấp phép cho doanh nghiệp đỗ xe trên vỉa hè tuyến phố Quán Sứ. Điển hình là giấy phép cấp cho Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội. Đây là doanh nghiệp có nhiều vi phạm trên phố Quán Sứ mà PV đã phản ánh trong những số báo trước. Do có điểm đỗ này nên phần lớn vỉa hè trên tuyến này không có chỗ dành cho người đi bộ. Điều mà nhiều người thấy lạ là mặc dù điểm đỗ có nhiều vi phạm nhưng vẫn được “ưu ái” gia hạn hết lần này đến lần khác.

Mặc dù hai tuyến phố Quán Thánh, Trấn Vũ, nằm trong danh mục các tuyến phố cấm trông giữ xe, tuy nhiên ông Nguyễn Phong Cầm, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình vẫn ký cấp phép. Tại tuyến phố Khâm Thiên dù nhiều đoạn phố có tấm biển dựng lên: “Cấm kinh doanh, để xe đạp, xe máy trên vỉa hè”, nhưng hiện tại vẫn “mọc” lên hai điểm trông giữ xe máy, xe đạp trên vỉa hè do Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Phan Hồng Việt cấp phép trái với chỉ đạo của thành phố. Đơn vị thực hiện trông giữ xe là Cty TNHH Kê Vàng thường xuyên vi phạm. Tại số 8 Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa giấy phép cho Ngân hàng Bảo Việt sử dụng vỉa hè để ô tô vừa được gia hạn trong khi ngân hàng này cũng thường xuyên vi phạm theo nội dung giấy phép.

Tại tuyến phố Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm), nhiều tấm biển dựng lên của Cty CP 901 nhận trông giữ xe thu tiền nhưng trên các tấm biển này không hề ghi số giấy phép, diện tích, kích thước sử dụng vỉa hè. Thậm chí, điểm trông giữ xe trước siêu thị điện máy Media Mart cũng khiến nhiều người nghi ngờ có sự “bán cái”!

Những tấm biển lạ ở nhiều điểm trông giữ xe trên phốHai Bà Trưng
Những tấm biển "lạ" ở nhiều điểm trông giữ xe trên phốHai Bà Trưng

Tiền chảy vào túi ai?

Với cơ chế hiện nay, số tiền mà ngân sách thu được từ việc cho thuê đỗ xe có lẽ chẳng thấm tháp gì so với hàng trăm tỷ đồng mà thành phố bỏ ra hàng năm xây mới, cải tạo, thậm chí là sửa chữa nâng cấp chính các tuyến lòng đường, vỉa hè giao cho các doanh nghiệp trông giữ xe. Để làm rõ những bất hợp lý trong cơ chế tài chính, quản lý hiện nay, nhóm PVTiền Phongđã tiến hành khảo sát tại nhiều điểm đỗ khác nhau. Điều nhận thấy đầu tiên đó là nhiều điểm đỗ hiện nay không phát vé gửi xe cho khách mà đều thu tiền “vo” theo lượt. Điển hình trưa ngày 6/3, PVTiền Phonggửi xe tại điểm đỗ trên phố Đinh Tiên Hoàng trong khoảng gần 1 giờ và phải trả là 50 000 đồng. Điều đáng nói, nữ nhân viên tại đây thu tiền mà không hề phát vé gửi cho khách.

Sở GTVT Hà Nội cho biết, về kinh phí đầu tư cho vỉa hè 3 năm gần đây (từ năm 2011 tới 2013), riêng với 4 quận nội thành cũ gồm (Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng), Hà Nội đã chi tới 890 tỷ đồng, tức bình quân gần 300 tỷ đồng/năm. 

Một nhân viên của Công ty TNHH MTV khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho biết, hiện nay doanh nghiệp này thực hiện “khoán” mức thu cho các điểm trông giữ xe. Lượng vé “phải xé” hàng tháng cũng được “khoán”. Như vậy sẽ có hai trường hợp xảy ra đó là nếu “khoán” cao thì dễ dẫn đến nguy cơ nhân viên trông giữ phải “tự cân đối” bằng cách tận dụng điểm đỗ để thu tiền vượt quy định, để xe lấn ra ngoài diện tích cấp phép. Trường hợp “khoán” thấp thì sẽ tạo ra khe hở để tiền chảy vào túi cá nhân. Đó là chưa kể lượng vé “khoán” nếu không quản lý tốt có nguy cơ bị tuồn ra ngoài phục vụ nhiều mục đích khác nhau; việc các doanh nghiệp được giao điểm đỗ cũng có nguy cơ “bán cái” lại cho những tổ chức, cá nhân khác.

Trao đổi với PVTiền Phong, một cán bộ nguyên lãnh đạo Sở Tài chính Hà Nội cho biết, thành phố hiện chủ yếu thu tiền cho thuê điểm đỗ theo giá mà HĐND thành phố phê duyệt tính theo m2 từ 20.000 đồng đến 80.000 đồng/m2/tháng. Doanh nghiệp thì thu tiền của người gửi xe theo mức quy định từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng/1 lượt không quá 120 phút.

Nguyên tắc bắt buộc đó là phải phát vé cho người gửi xe nhằm kiểm soát mức tiền theo quy định và là căn cứ để thực hiện các khoản thuế với nhà nước, minh bạch tài chính doanh nghiệp. “Thực ra cách tốt nhất là phải có quy hoạch các điểm đỗ kể cả cố định và tạm thời và từ đó tiến tới đấu giá điểm đỗ theo hướng vừa phục vụ tốt nhất cho người dân, vừa không làm thất thoát nguồn thu của nhà nước. Việc đấu giá điểm đỗ đến nay chưa làm được”, vị nguyên lãnh đạo Sở Tài chính Hà Nội nói.

 Thu phí trông xe vô tội vạ tại quận Cầu Giấy: Yêu cầu hai phường Dịch Vọng và Quan Hoa xử lý vi phạm

Sau khi báo Tiền Phong đăng bài “Thu phí trông xe vô tội vạ tại Hà Nội: Nơi chấn chỉnh, chỗ buông lơi” ngày 3/3, Văn phòng HĐND và UBND quận Cầu Giấy có văn bản gửi báo Tiền Phongvề việc xử lý các điểm trông giữ xe trái phép khu vực chùa Hà.

Công văn cho biết, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, ông Trần Việt Hà đã có ý kiến yêu cầu UBND phường Dịch Vọng và UBND  phường Quan Hoa kiểm tra, xử lý ngay các trường hợp vi phạm theo nội dung báo nêu và các trường hợp khác trên địa bàn. Các phường phải báo cáo UBND quận kết quả giải quyết trước ngày 6/3 và thông tin cho báo Tiền Phong theo quy định.

Ông Hà cũng yêu cầu Công an quận, Đội Quản lý thị trường số 13, Đội Thanh tra giao thông vận tải Cầu Giấy phối hợp, hỗ trợ UBND phường Dịch Vọng, Quan Hoa xử lý dứt điểm các vi phạm trên theo đúng quy định.

P.Tuyên

Theo Nhóm PV Thời sự
Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm