1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ai cho tôi sống bằng lương?

Trước thềm hội thảo “Cải cách giáo dục Đại học” do GS Ngô Bảo Châu chủ trì, ông nói: “Nan giải nhất là lương của giảng viên, cán bộ Đại học. Mức độ lương không tương xứng với mức độ cống hiến xã hội của họ”.

Ai cho tôi sống bằng lương?
 
Thật ra thì người ta có thể thay “giảng viên, cán bộ Đại học” bằng bất cứ ngạch công chức nào, cho dù là bác sỹ, kỹ sư, chuyên viên,… và câu nói ấy đều đúng cả. Thật ra thì người ta có thể phát biểu câu ấy ở trước bất kỳ một hội thảo nào đặt ra vấn đề “cải cách” một ngành nào đó và nó cũng đúng nốt.

Và thật ra, cũng chẳng cần phải đến Giáo sư Ngô Bảo Châu phát biểu thì người ta mới có thể gật gù với một tuyên ngôn như thế.

Trên thực tế thì đã có tờ báo từng tổ chức tuyến bài rất dài tập trung vào chính sách đãi ngộ trong ngành y tế với cái tên chuyên đề nghe rất đau đớn: “Tôi muốn sống bằng lương”.

Rất nhiều người muốn sống bằng lương. Rất nhiều người không muốn nhận phong bì của sinh viên hay bệnh nhân để rồi đón nhận chính sự khinh bỉ của kẻ đưa phong bì. Rất nhiều người muốn cống hiến tận tụy cho lĩnh vực của mình.

Cứ ra bến xe bến tàu mỗi mùa thi, nhìn những cái áo xanh tình nguyện, những cô cậu sinh viên đầm đìa mồ hôi mong đóng góp chút sức mọn cho xã hội, làm sao mà tưởng tượng ra được rằng chỉ một vài năm sau thôi, những người ấy trở thành công chức, lại trở nên uể oải, tiêu cực, nói cách khác là “biến chất”. Thì đấy là bởi họ bắt đầu phải đương đầu với một vấn đề rất kinh khủng mang tên là lương.

Vấn đề cũ kỹ đến mức bây giờ không còn là lúc đưa ra giải pháp nữa vì đã có quá nhiều giải pháp được đề xuất rồi. Vấn đề là bao giờ những hành động thực tế diễn ra.

Sự mất tín nhiệm với các cơ quan nhà nước, giữa người dân với công chức trở thành một thực trạng phổ biến – có lẽ cũng bởi cái chữ “lương” này.

Cứ tưởng tượng ra một giảng viên đại học phải dìu dắt trên dưới trăm con người, một bác sỹ phải chịu trách nhiệm về sức khỏe và sinh mạng của mấy chục bệnh nhân, một cán bộ y tế cấp quận phải chịu trách nhiệm về vài chục cái phòng khám và vệ sinh an toàn thực phẩm của một nghìn cái quán ăn trên địa bàn, nhưng thu nhập “chân chính” của họ không thể nuôi nổi chỉ một đứa con ở nhà, thì điều gì sẽ diễn ra.

Sẽ có người hỏi: Tiền ở đâu ra mà tăng lương? Nhưng câu trả lời trong trường hợp này, rất đơn giản: Tiền nó vẫn ở đấy thôi. Đầu năm ngoái, phó trưởng ban dân vận TW Nguyễn Thế Dân cho rằng tỷ lệ công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” có thể lên tới mấy chục phần trăm, thậm chí là một nửa số công chức trong cả nước.

Có bao giờ những nhà quản lý nghĩ rằng nếu đuổi được một nửa những kẻ “ăn hại” này ra khỏi hệ thống thì quỹ lương sẽ hoạt động hiệu quả đến đâu và theo đó thì toàn bộ hệ thống có thể được nâng cấp đến mức nào.

Lương cũng là một vấn đề “rất Việt Nam”. Nghĩa là nguồn lực đã ít nhưng cách sự dụng lại vô cùng thiếu hiệu quả.

Có lẽ là GS Ngô Bảo Châu nên chuẩn bị tâm thế để tổ chức những buổi hội thảo như hôm qua dài dài. 

Theo Đức Hoàng

Lao Động