1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

ADB: Việt Nam đã vượt qua suy thoái kinh tế

(Dân trí) - Nhờ các giải pháp chính sách kịp thời và mạnh mẽ, Việt Nam đã vượt qua suy thoái kinh tế toàn cầu và dự kiến tăng trưởng cao hơn vào năm 2010 - 2011. Tuy nhiên, theo ADB, Việt Nam cần tập trung ổn định kinh tế vĩ mô hơn là tăng trưởng nhanh.

ADB: Việt Nam đã vượt qua suy thoái kinh tế - 1
Kinh tế Việt Nam đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất.
 
Lạm phát dự báo ở mức trung bình 10%
 
Sáng nay 13/4, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã công bố Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2009 - ấn phẩm hàng năm của ADB chuyên dự báo các xu hướng kinh tế tại châu Á.
 
Bản báo cáo năm nay khen ngợi sự điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu và tỷ lệ tăng trưởng 5,3% năm 2009: Với chính sách tài khóa thắt chặt nhằm đạt mục tiêu hạn chế thâm hụt tài khóa 8,3% GDP và chính sách tiền tệ thắt chặt với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25% năm nay, tăng trưởng GDP dự kiến đạt tương ứng 6,5% và 6,8% vào năm 2010 và 2011.
 
Theo đó, lạm phát trong năm 2010 được dự báo sẽ tăng tốc ở mức trung bình khoảng 10%, do sự tăng trưởng nhanh chóng của cung tiền trong năm 2009, việc phá giá đồng Việt Nam và sự gia tăng dự kiến trong hoạt động kinh tế, giá cả hàng hóa thế giới vào năm 2010. Giả định chính sách tiền tệ và tài chính được thắt chặt năm nay, lạm phát có thể giảm xuống khoảng 8% vào năm 2011.
 
Xuất khẩu sẽ tăng vào năm 2010 do sự tăng cường nhu cầu bên ngoài. Du lịch và các luồng kiều hối dự kiến tăng lên do tình hình kinh tế của các nền kinh tế công nghiệp được cải thiện. Tuy nhiên, nhập khẩu sẽ tăng hơn xuất khẩu do sự gia tăng dự kiến của tăng trưởng trong nước và giá nhập khẩu cao hơn.
 
Báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của ổn định kinh tế vĩ mô. Bởi lẽ, điều này sẽ tạo ra niềm tin cho các nhà đầu tư và đây sẽ là yếu tố chính giúp Việt Nam thu hút lượng đầu tư nước ngoài lớn và bảo đảm mức thặng dư tài khoản vốn cao hơn thâm hụt tài khoản vãng lai; qua đó làm tăng dự trữ ngoại tệ.
 
Trong quá trình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội mới giai đoạn 2011 - 2015 với tư cách là nước có thu nhập trung bình, việc tập trung tăng cường hiệu quả sẽ giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
 
Dòng vốn FDI sẽ phục hồi, do điều kiện tài chính toàn cầu được cải thiện. Luồng đầu tư gián tiếp có thể vẫn ở quy mô nhỏ và luồng ra của vốn ngắn hạn sẽ có thể ở mức vừa phải. Tài khoản vốn được kì vọng sẽ có thặng dư và vị trí cán cân thanh toán gần với mức cân bằng, với điều kiện duy trì được niềm tin về ổn định kinh tế vĩ mô trung hạn và mức dự trữ ngoại hối chính thức ít thay đổi.
 
Trong năm 2011, một sự tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong xuất khẩu, du lịch, và kiều hối sẽ kéo thâm hụt tài khoản vãng lai ở mức khoảng 5,5% GDP. Luồng vốn cũng tăng do đà phục hồi toàn cầu. Cán cân thanh toán tổng thể được dự kiến sẽ trong thặng dư vào năm 2011, nâng dự trữ chính thức.
 
Sức ép đối với đồng nội tệ
 
Tuy nhiên, các biện pháp kích thích kinh tế trong năm 2009 cũng tạo nên sức ép lạm phát và phá giá tiền tệ. Do đó, ADB cho rằng, Việt Nam cần có các biện pháp tập trung ổn định kinh tế vĩ mô hơn là tăng trưởng nhanh, đồng thời cải thiện hiệu quả nền kinh tế nhằm bảo đảm tăng trưởng bền vững với tư cách là một nước có thu nhập trung bình.
 
Sự kết thúc của trợ cấp cho các khoản vay ngắn hạn và dự kiến việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ siết chặt một số khách hàng vay, có thể dẫn đến sự gia tăng các khoản nợ xấu, gây thêm căng thẳng trong hệ thống ngân hàng.
 
Điều quan trọng, theo các chuyên gia ADB, là cần quản lý sự giảm sút tăng trưởng tín dụng và cung tiền thông qua việc tăng lãi suất một cách có trật tự, hơn là một tình trạng thiếu thanh khoản trong hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh đó, việc loại bỏ trần lãi suất trên các khoản vay trung và dài hạn là một bước đi đúng hướng.
 
Ông Ayumi Konishi, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam nhấn mạnh: “Nếu hiệu quả của nền kinh tế Việt Nam không được cải thiện, thì các nỗ lực nhằm đạt tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao hơn chắc chắn sẽ dẫn đến sự quay trở lại của lạm phát cao và tâm lý lo ngại lạm phát của người dân sẽ tạo sức ép đối với đồng nội tệ Việt Nam.
 
Lạm phát sẽ làm cho người nghèo phải gánh chịu hậu quả nhiều nhất và những kỳ vọng về phá giá sẽ không khích lệ được luồng đầu tư trực tiếp nước ngoài vốn là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh”.
 
Báo cáo cũng lưu ý việc Chính phủ đã có một số bước đi nhằm cải thiện năng lực quản trị và môi trường kinh doanh năm 2009. Các nỗ lực hiện nay theo Đề án 30 nhằm giảm các thủ tục hành chính là một chính sách đúng đắn được hoan nghênh nhằm tăng cường hiệu quả.
 
“Sự ổn định và hiệu quả sẽ là động cơ cho sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam. Bây giờ cũng không phải lúc vội vàng, như nhiều người Việt Nam đã biết rất rõ, Thỏ chưa chắc về đích trước Rùa”, ông Konishicho biết thêm.
 
An Hạ