ACV cam kết gì để giảm bụi ở công trường sân bay Long Thành?
(Dân trí) - ACV cam kết thi công trồng cỏ để giữ bề mặt đất trống chống bụi và rãnh thu nước theo đúng thiết kế trong tháng 4. Đơn vị này cũng tăng cường 35 xe tưới nước liên tục nhằm giảm bụi phát tán ra ngoài.
Chiều 20/3, phóng viên Dân trí quay trở lại khu vực cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và khu dân cư xã Bình Sơn (huyện Long Thành, Đồng Nai). Đây là hai khu vực hứng chịu bụi mù mịt trong những ngày qua.
Giải pháp của ACV có giảm được bụi lâu dài?
Sau ít ngày cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, bụi từ công trường sân bay Long Thành đã giảm hẳn. Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực công trường sân bay Long Thành rộng hơn 5.000m2 không còn xuất hiện bụi. Trên cao tốc và khu dân cư xã Bình Sơn mọi hoạt động bình thường.
Bà Đỗ Thị Ái Vân, nhà sống cạnh công trường sân bay Long Thành, cho biết, năm nay lượng bụi vẫn còn xuất hiện nhưng ít hơn mùa khô năm 2022. Mỗi khi có gió chướng, khoảng 9-10h và 14-15h bụi đỏ từ công trường sân bay mù mịt. Một khoảng trời đỏ au, nền nhà đặc quánh vì bụi. "Hôm nay đứng gió nên không có bụi như mọi ngày", bà Vân chia sẻ.
Ở khu vực sân trường Tiểu học Bình Sơn, khác với những ngày trước, bụi đỏ đã giảm hẳn và không còn bay đến khu vực sân trường. Học sinh vui chơi thoải mái không cần mang khẩu trang.
Chủ đầu tư dự án sân bay Long Thành cho rằng nguyên nhân những ngày qua bụi từ công trường sân bay phát tán là do miền Nam đang vào mùa gió chướng, lượng mưa thấp, thời tiết nắng gắt, phạm vi mặt bằng rộng lớn và trống trải (5.000 ha). Đó là những yếu tố hình thành các cơn lốc xoáy dẫn đến phát tán bụi từ đại công trường sân bay Long Thành ra ngoài phạm vi công trường, "tấn công" khu dân cư, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
Để khắc phục tình trạng này, chủ đầu tư cam kết các nhà thầu thi công sẽ hoàn thiện hạng mục trồng cỏ mái taluy khu vực 722ha trong tháng 4. Tại khu vực hố lắng 1 dọc ranh khu vực dự trữ đất 722ha, chưa thi công rãnh thu nước dẫn, nhà thầu thi công cũng hoàn thiện các hạng mục công việc này trong tháng 4.
Dưới sự giám sát của Tổ an toàn, vệ sinh môi trường (thuộc chủ đầu tư), các liên danh nhà thầu thi công dự án đã sử dụng đội xe với 35 xe bồn tưới nước chuyên dụng thực hiện tưới nước hạn chế bụi phát tán trên công trường (tần suất đảm bảo tối thiểu 5 lần/ngày).
Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), hiện đơn vị đã triển khai 2 cổng kiểm soát để quản lý các phương tiện ra vào công trường. ACV sẽ yêu cầu các đơn vị triển khai xây dựng và hoàn thiện 2 hệ thống trạm rửa xe tại vị trí các cổng kiểm soát. Việc này nhằm đảm bảo phương tiện ra vào được rửa trôi bùn đất tránh không để phát tán bụi, đất ra ngoài phạm vi công trường.
Sức khỏe ra sao nếu hít bụi trong thời gian dài?
Đề cập đến câu chuyện bụi đỏ, bác sĩ Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai cho biết, đến nay đơn vị chưa ghi nhận bất thường về số lượng và tình trạng bệnh hô hấp vào nơi này điều trị.
Để kết luận bụi đỏ có gây ảnh hưởng nặng đến sức khỏe người dân hay không, ông Tuấn nói cần có sự điều tra, đánh giá từ cơ quan chức năng, các chuyên gia về môi trường.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ chuyên khoa 2 Đặng Vũ Thông, Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, chưa có công trình đề cập đến ảnh hưởng cụ thể của "bụi đỏ" đến sức khỏe.
Về nguyên tắc chung, khi hít phải bụi, tùy mức độ bụi và phản ứng đường thở của mỗi người mà gây ra các tình trạng khác nhau, như kích thích tại chỗ, gây viêm đường hô hấp, nhiễm trùng cơ hội do vi trùng.
Nặng nhất là việc bệnh nhân có thể bị bụi phổi, gây các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Tuy vậy, để xảy ra tình trạng này cần có thời gian hít bụi kéo dài, bụi phải vào thật sâu bên trong.
Chuyên gia y tế đưa ra lời khuyên người dân cần tìm cách hạn chế tiếp xúc thêm tác nhân bụi, bằng các biện pháp như che chắn mặt, đeo khẩu trang ngăn bụi. Nếu có triệu chứng bệnh, cần đi khám để được chẩn đoán, xác định có nhiễm trùng đường hô hấp hay không để được điều trị thích hợp.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Quách Minh Phong, Trưởng đơn vị Hô hấp, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) chia sẻ, tất cả các loại bụi khi hít phải và vào sâu bên trong đường hô hấp đều có thể gây ra tình trạng xơ phổi.
Ngày 19/3, Bộ Tài nguyên - Môi trường có văn bản gửi ACV yêu cầu chủ đầu tư cần tăng cường tưới nước dập bụi, đặc biệt vào các giờ cao điểm khô, nắng nóng, gió dễ xảy ra lốc cho tất cả các khu vực san lấp đã được bóc tầng phủ.
Doanh nghiệp phải cho theo dõi thường xuyên, liên tục việc thực hiện tưới nước của các nhà thầu thi công trên các khu vực đã bàn giao; bảo đảm bề mặt tuyến đường vận chuyển và các khu vực chưa thi công luôn duy trì độ ẩm tối thiểu.
Các khu vực có khả năng phát tán bụi gần tuyến đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây cần được rà soát để thực hiện các biện pháp giảm thiểu bụi, bảo đảm không làm phát tán bụi gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông trên tuyến đường.
Bộ TN&MT nhấn mạnh yêu cầu ACV phải thực hiện trồng cỏ tại bãi trữ đất 722ha đối với các khu vực đã đạt cao trình theo thiết kế; đặc biệt phải giám sát các nhà thầu thi công bảo đảm các xe vận chuyển chạy đúng tuyến đường và đúng tốc độ quy định trong công trường.