A83 lên đời: Trời biết!
Nhà nước cần quy định khống chế methanol trong xăng. Phát hiện 35/154 mẫu xăng pha. Pha 5% methanol vào A83 để ra A88, sau đó “đẩy” A88 lên A92 bằng cách thêm các phụ gia, hóa chất khác vào nữa.
Thông tin về khả năng doanh nghiệp (DN) pha methanol vào xăng để gian lận, trục lợi khiến dư luận bất bình. Đối phó thế nào với xăng pha? Người dân chờ động thái của cơ quan quản lý.
Xăng + methanol, hóa chất, phụ gia
Tiến sĩ Huỳnh Quyền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu của Trường ĐH Bách khoa TPHCM, cho biết cứ mỗi 1% methanol pha vào xăng sẽ làm tăng một đơn vị chỉ số octan trong xăng. Trung tâm này đã thử nghiệm pha methanol với từng tỉ lệ một vào xăng, sau đó kiểm nghiệm, đo đạc, phân tích từng mẫu.
“Muốn chỉ số octan tương tự như xăng A92? Chỉ cần pha thêm 9% methanol vô xăng A83. Muốn octan bằng xăng A95? Pha thêm 12% vô xăng A83. Nếu có xăng A92 mà muốn octan bằng A95 thì pha thêm 3% methanol. Muốn tăng bao nhiêu octan thì pha tỉ lệ tương ứng” - ông Quyền chia sẻ.
Nếu vậy, liệu DN có thể gian lận đến mức pha 15%-20% methanol vào xăng hay không? Ông Quyền cho biết pha methanol làm tăng chỉ số octan nhưng methanol (CH3OH), là chất có mang ôxy, vì vậy khi pha quá 5% methanol vào 1 lít xăng thì hàm lượng ôxy trong xăng sẽ cao hơn mức 2,7% tiêu chuẩn quy định.
Bởi vậy, nếu pha 3% methanol vào xăng A92 để giả xăng A95 thì octan đạt và ôxy cũng đạt. Nếu pha 9% methanol vào A83 thì được octan mà không đạt ôxy, do đó chỉ pha 5% methanol vào A83 để ra A88, sau đó “đẩy” A88 lên A92 bằng cách thêm các phụ gia, hóa chất khác vào nữa.
Người tiêu dùng không thể nhận biết được xăng mình mua có bị pha methanol hay không? Ảnh: HTD
“Khi pha trộn, người ta tính toán để cho ra xăng như ý muốn mà không vi phạm tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn đòi ôxy mà không ràng buộc nguồn gốc ôxy. Thế là DN cho methanol vào xăng là có ôxy. Bởi thế, nhiều DN làm ăn đàng hoàng từng có ý kiến phải quy định khống chế methanol. Tôi nghĩ khoảng vài tháng nữa cơ quan quản lý sẽ phải quy định tỉ lệ methanol trong xăng” - ông Quyền cho biết.
Khẳng định có xăng pha
Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, cho biết phân tích 154 mẫu xăng trên thị trường, phát hiện 35 mẫu có chứa methanol.
Số liệu cung cấp từ hải quan và đơn vị liên quan cho thấy năm 2008 nước ta nhập gần 52.300 tấn methanol, năm 2009 nhập hơn 66.000 tấn, đến năm 2010 tăng lên hơn 90.000 tấn, năm 2011 là 80.500 tấn.
Ông Nguyễn Hoài Giang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn - đơn vị quản lý Nhà máy Dung Quất, cho biết hiện có một số đầu mối mua xăng A92, pha thêm phụ gia để nâng thành A95. Thậm chí có nơi còn mua xăng A83, pha chế thêm với phụ gia để thành A90, A92.
Methanol là một loại rượu (nhưng rất độc), nhẹ, dễ bay hơi, không màu, dễ cháy. Nó là chất lỏng phân cực, được sử dụng như một dung môi trong lĩnh vực phụ gia, sơn, mỹ phẩm, làm biến tính cho ethanol hoặc là nhiên liệu làm cồn khô.
Khảo sát ở các khu vực chuyên cung cấp dung môi, hóa chất, phụ gia như chợ Kim Biên, Tô Hiến Thành, Lý Thái Tổ đều có bán methanol sỉ và lẻ. Giá bán lẻ dao động từ 10.000 đến 20.000 đồng/lít. Methanol được quảng cáo là “xịn”, “nguyên chất”, “không pha” có giá trên 16.000 đồng/lít. Loại “có tạp chất” chỉ khoảng 10.000 đồng/lít. Muốn bao nhiêu cũng có, mua bán thoải mái.
Dân chờ Nhà nước
Để xác định có methanol trong xăng hay không thì phải lấy mẫu, phân tích chứ không thể nhận biết, phân biệt bằng mắt thường. Người tiêu dùng càng không thể nhận biết được xăng mình mua có bị pha methanol hay không. Để kết luận DN có pha methanol vào xăng hay không thì càng khó hơn, phải chứng minh được hành vi pha trộn. Khi kiểm tra mà phát hiện tại cây xăng có xăng không đạt chất lượng thì chỉ phạt DN về tiêu chuẩn mà thôi.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Chánh Tranh tra Sở Công Thương TPHCM, cho biết trước đây có một số trường hợp người tiêu dùng phản ánh về cây xăng này, cây xăng kia đong thiếu xăng dầu. Có địa chỉ cây xăng cụ thể thì Sở phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TP kiểm tra. Sở chưa nhận trường hợp nào người tiêu dùng khiếu nại về chất lượng xăng dầu, có lẽ do người dân không tự kiểm nghiệm chất lượng xăng được. Về việc cháy xe thì hiện vẫn chưa kết luận được nguyên nhân gây cháy, đơn vị nào chịu trách nhiệm. Người dân có thể phản ánh thông tin cháy xe với Sở Khoa học và Công nghệ.
Ông Nguyễn Nam Vinh (Văn phòng phía Nam của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) cho biết chưa xác định “thủ phạm” gây cháy thì người tiêu dùng biết “nắm áo” ai bây giờ?
Người dân chờ cơ quan quản lý về xăng có hành động chấn chỉnh xăng dỏm, xăng pha methanol.
Xăng A83 không có tội
Xăng A83 nó không có tội mà cái tội là khâu quản lý và một số người pha chế linh tinh. Tôi cho rằng kết luận vừa qua của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chưa thật sự khách quan. Xăng A83 cũng được kiểm soát chất lượng đàng hoàng.
Ông NGUYỄN ANH TOÀN, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam PV OIL
Nếu yêu cầu, sẽ ngừng sản xuất A83
Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) hiện sản xuất xăng A83 rất ít, chỉ vài phần trăm trong tổng sản lượng. Xăng A83 chủ yếu tiêu thụ ở khu vực miền Tây, Tây Nguyên. Vẫn có đối tượng cần đến loại xăng này.
Nếu cơ quan quản lý yêu cầu thì Saigon Petro sẽ dừng sản xuất xăng A83.
Ông ĐẶNG VINH SANG, Tổng Giám đốc Saigon Petro |
Theo Nhóm PV
Pháp luật TPHCM