1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

90.000 m2 đất giữa thủ đô bị bỏ hoang

(Dân trí) - Hơn 90.000 m2 đất của Cụm tiểu thủ công nghiệp quận Hai Bà Trưng bị bỏ hoang trong khi các doanh nghiệp thì vất vả ngược xuôi để xin được giao đất. Không chỉ cơ sở hạ tầng, cơ hội đầu tư, máy móc đang bị bào mòn mà lòng tin của các doanh nghiệp đầu tư vào đây cũng nguội dần bởi một lý do muôn thuở: Thủ tục… hành là chính.

Kẻ mời người đuổi

 

Quyết định số 4912 ngày 24/12/2001 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật Cụm tiểu thủ công nghiệp quận Hai Bà Trưng của UBND thành phố Hà Nội được các doanh nghiệp trong địa bàn quận hồ hởi đón nhận. Mục đích ban đầu đề ra rất rõ ràng: Đáp ứng nhu cầu phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, di chuyển sản xuất ra ngoài khu vực dân cư đảm bảo vệ sinh môi trường…”. 

 

Tháng 10/2003, hạ tầng kỹ thuật của khu công nghiệp này hoàn thành, UBND quận Hai Bà Trưng cũng nhanh chóng ra quy chế quản lý và khẩn trương tổ chức xét duyệt các đơn vị đủ điều kiện tham gia với hàng loạt tiêu chí: Dự án kinh doanh, khả năng tài chính, chấp hành pháp luật, nghĩa vụ thuế... 33 doanh nghiệp xuất sắc đã vượt qua các vòng thẩm định với những qui định khá nghiêm nghặt. Biên bản cuộc họp của Hội đồng xét duyệt quận có đến 9 chữ ký của đại diện các cơ quan nhà nước khẳng định: Các doanh nghiệp đủ điều kiện vào thuê đất tại Cụm công nghiệp.

 

Những tưởng “thế là xong”, nhiều doanh nghiệp bắt đầu triển khai phương án kinh doanh, vay tiền ngân hàng, đầu tư mua máy móc… Nào ngờ, chạy đôn chạy đáo khắp nơi hơn hai năm, từ khi hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp này hoàn thành, các doanh nghiệp vẫn “khóc dở, mếu dở” vì chưa có “giấy giao đất” của Sở Tài nguyên - Môi trường - Nhà đất (TN-MT-NĐ).

 

Thậm chí, cả sau khi các doanh nghiệp đã đóng suất đầu tư với số tiền 600.000đ/m2 (tổng số tiền đóng góp của các doanh nghiệp lên đến hơn hai chục tỉ đồng) và đã được Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 9/2005 thì các doanh nghiệp vẫn tiếp tục “dài cổ” chờ đợi.

 

Trong quyết định cấp Giấy chứng nhận đầu tư của Ban quản lý các khu công nghiệp Hà Nội có qui định rất “rắn”: Sau 3 tháng kể từ khi có quyết định cho thuê đất, Chủ đầu tư không nghiêm chỉnh thực hiện tiến độ đầu tư nêu trên Ban Quản lý sẽ rút Giấy chứng nhận đầu tư và thực hiện thu hồi đất. Tuy nhiên, có vẻ như trong trường hợp này, lời răn đe “hơi thừa” bởi chính các doanh nghiệp đang hàng ngày mong mỏi được đầu tư vào Cụm tiểu thủ công nghiệp này, còn một số cơ quan nhà nước thì cứ đủng đỉnh.

 

Dân cần nhưng quan… chưa vội

 

Theo luật đất đai mới, các doanh nghiệp xin cấp đất sau thời điểm tháng 10/2005 sẽ phải thẩm định lại, điều này cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải làm lại tất cả các thủ tục đã hoàn thành trước đó.

 

Ngày 29/11/2005, Sở TN-MT-NĐ Hà Nội có công văn gửi các sở, ban ngành liên quan đề nghị cho ý kiến bằng văn bản về năng lực và nhu cầu của các doanh nghiệp trong Cụm tiểu thủ công nghiệp.

 

Đầu tiên là sự chậm trễ của Sở Qui hoạch - Kiến trúc. Hạn trả lời là tháng 12/2005 thì đến 18/1/2006, Sở Qui hoạch - Kiến trúc mới có công văn trả lời. Đã gần hai tháng từ khi nhận được công văn trả lời,  nhưng Sở TN-MT-NĐ vẫn “bình chân như vại”, không triển khai giao đất, thậm chí chưa hề có bất cứ văn bản nào trả lời các doanh nghiệp, mặc dù theo đại diện của một số doanh nghiêp tại đây thì họ đã kêu “khản cả cổ”.

 

Đại diện một doanh nghiệp cho biết, trong yêu cầu chứng minh về tài chính để được tham gia đầu tư, Sở Tài chính yêu cầu phải có hợp đồng vay tiền của ngân hàng. Đến nay, tiền đã vay mà đất thì không có nên họ lại phải gửi số tiền này vào ngân hàng để lấy lãi bù vào số lãi phải trả hàng tháng cho chính ngân hàng.

 

Để xây dựng Cụm tiểu thủ công nghiệp này, được biết Thành phố đã hỗ trợ 23 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng khu công nghiệp. Như vậy, không chỉ có vốn và các dự án kinh doanh của doanh nghiệp đang “nằm chết” mà cả chục tỷ đồng của nhà nước cũng bị... lãng quên.

 

Cải cách thủ tục hành chính vẫn được chính những người có trách nhiệm nhắc tới thường xuyên. Chỉ có điều, từ lời nói đến việc làm là một khoảng cách rất xa.

                                               

Đức Hoà