1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

9 ngày vô vọng ngóng người thân

(Dân trí) - Số phận của 5/7 ngư dân Quảng Bình đi trên con tàu QB 2522 TS vẫn rất mịt mù sau 9 ngày mất tích. Tiếng khóc và những lời khấn cầu chưa khi nào ngớt, cả làng cá xã Hải Trạch đang hướng mắt về đại dương trong hy vọng và tuyệt vọng.

Làng cá xã Hải Trạch ngập trong một bầu không khí tuyệt vọng khi từng ngày chầm chậm trôi đi mà tin tức về 6 ngư phủ là cha, chồng, con của họ vẫn biệt vô âm tín. Từ đầu làng đến cuối thôn, đâu đâu cũng nhìn thấy những ánh mắt thất thần, những đôi mày nhíu lại vì lo âu, chờ đợi.
 
9 ngày vô vọng ngóng người thân - 1
Làng cá xã Đức Trạch, Hải Trạch vẫn chờ đợi người thân trong nỗi tuyệt vọng đang xam lấn dần niềm hy vọng.

Chị Hồ Thị Loan, vợ thuyền viên Hoàng Huy hiện đang mất tích, ngồi ở bậu cửa và bờ biển đợi tin chồng 9 ngày nay. Trong ký ức đã bắt đầu lẫn lộn của chị, chị chỉ nhớ lần cuối cùng nhận được tin chồng là cuộc điện thoại đêm 8/3, anh báo tin tàu đang rời ngư trường trở về và ngày 9/3 sẽ cập bến.

Nhưng lời hứa đó đã không thành hiện thực, và đó cũng là thông tin cuối cùng mà chị cũng như những người trên đất liền nghe được về con tàu QB 2522 TS. Ngay trong đêm 8/3, mọi nỗ lực liên lạc với tàu đều vô vọng, những người thân của các thuyền viên bắt đầu ngóng chờ, lo lắng cho điều chẳng lành vì đó cũng là lúc trời trở lạnh, biển động.

Chiều 9/3, con tàu đã không trở về, cả làng cá hốt hoảng đi tìm, nghe ngóng mọi thông tin. Và thông tin duy nhất họ được nghe là một tin dữ, dù rất mù mờ: một tàu cá đánh bắt trên ngư trường đã nhận được tín hiệu điện đàm của tàu QB 2522 TS, nói tàu gặp sự cố…

Những ngày sau đó, mọi ánh mắt đều đổ dồn về biển, mọi nỗ lực hỏi han, nghe ngóng, tìm kiếm đều không mang lại kết quả. Làng cá xã Đức Trạch, Hải Trạch sống như con cá nằm trên thớt. Linh cảm của người ở lại, kinh nghiệm của những lão ngư khiến họ nghĩ đến điều mà không ai muốn tin: con tàu đã bị nạn.

Những người lạc quan nhất vẫn tin vào một giả thiết sáng sủa: con tàu đang ẩn náu ở đâu đó và đang trở về khi trời yên, biển lặng. Cho đến ngày 15/3, khi gia đình anh Nguyễn Văn Long nhận được tin báo ngư dân Đồng Hới phát hiện một xác chết trôi dạt trên biển, họ khăn gói vào Đồng Hới và sụp đổ hoàn toàn khi nhìn những tấm hình mà cơ quan pháp y, kỹ thuật hình sự chụp lại. Dự cảm chẳng lành đã trở thành hiện thực, khi cùng ngày thi thể anh Trần Văn Thoan cũng được một tàu cá khác vớt lên.

Khi những tiếng khóc xé lòng vang lên từ nhà anh Long, an Thoan cũng là lúc gia đình những nạn nhân mất tích rơi nước mắt trong tuyệt vọng. Thay vì ngóng hỏi tin con, chồng, cha mình, họ đã lập bàn thờ và cắm nêu chiêu hồn trên bờ biển, với mong muốn duy nhất là thi thể người thân nhanh dạt vào bờ.

Bà Nguyễn Thị Hoá, mẹ anh Huy, nước mắt đã cạn, giọng đã khản đặc sau hơn một tuần gào khóc con nói với ánh mắt thất thần: “Hắn là con đầu, gia đình khó khăn quá nên phải nghỉ học đi biển. Giờ hắn mà chết đi, tui sống sao nổi. Làm mẹ mà không lo nổi cho con…”. Ông Nguyễn Huân (bố anh Huy) nén chặt những giọt nước mắt, cố giữ sự cứng rắn để làm chỗ dựa cho vợ và con dâu. Nhưng nhìn đôi mắt thâm quầng, đục ngầu của ông không ai nén được sự thương cảm.

Ở xã Đức Trạch, mặc dù chỉ có một mình anh Nguyễn Văn Trung (chủ tàu) mất tích, nhưng cả làng cá ven biển cũng như im ắng bởi sự xót xa, ái ngại và thương cảm cho chị Nguyễn Thị Hoa. Người vợ trẻ đã cả tuần nay chạy từ đầu làng đến cuối thôn, gặp ai cũng hỏi thăm, cũng gào khóc. Có khi, người làng còn phải đứng canh khi thấy chị một mình lội ra bờ biển ngóng chồng.

Cưới nhau 7 năm trời, hai vợ chồng quyết định vay thêm vốn liếng mua chiếc tàu công suất lớn đến nay vẫn chưa trả hết nợ. Bà Phạm Thị Xẹc (mẹ anh Trung) sau nhiều đêm thức trắng vẫn thẩn thờ ngồi bên chiếc bàn thờ gọi hồn. “Vợ chồng hắn lấy nhau 7 năm mà chưa dám có con vì đang lo trả nợ nần. Tui và ba hắn đều thương binh, nay ba hắn mất rồi tui chỉ còn hắn thôi…”, nói rồi nước mắt bà lại ứa trên hai khoé mắt đã nhăn nheo, bà để lửng câu nói, mắt hướng ra biển lẩm nhẩm khấn cầu.

Người làng Thượng Đức ngày ngày đều đến ngồi với gia đình mẹ con bà Xẹc, chỉ biết động viên, cùng ôm lấy nhau trong nỗi xót xa. Rất nhiều trong số đó là những người vợ mất chồng, những người mẹ mất con trên những chuyến tàu đánh bắt xa bờ.

Nhiều lão ngư trong làng cũng lặng lẽ ngồi nhìn ra biển rồi lẩm nhẩm tính: đã gần 10 ngày, với cái nắng này thì nếu tàu chìm, thi thể chắc đã bị rã ra, phần vào bụng cá, phần chìm xuống đáy biển hết rồi…

Ông Hoàng Văn Thông - trưởng thôn Thượng Đức (xã Đức Trạch) cũng nghẹn ngào: “Gần như chưa có năm nào người Đức Trạch không rơi nước mắt vì những số phận không may mắn trên biển. Sinh nghề tử nghiệp, trời sinh ra làng này ở biển, nên đi biển và rất nhiều người đã không về. Có khi đàn ông con trai rong một nhà chết một lúc mấy người, nhưng không bỏ nghề biển được…”.

Hồng Kỹ