1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

9 năm sau vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ: Còn đó những dấu lặng!

(Dân trí) - Sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ là một trong những thảm họa cầu đường và tai nạn xây dựng nghiêm trọng nhất tại Việt Nam xảy ra vào ngày 26/9/2007, tại xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Đến nay sau 9 năm, vùng quê này đã thay da đổi thịt nhưng những nỗi đau, nỗi mất mát trong nhiều gia đình vẫn chưa nguôi ngoai…

"Cả ấp ngày này có 17 đám giỗ"

Cầu Cần Thơ đã được khánh thành từ năm 2010, người dân hai bờ sông Hậu giờ không còn cách trở đò ngang
Cầu Cần Thơ đã được khánh thành từ năm 2010, người dân hai bờ sông Hậu giờ không còn cách trở đò ngang

Nhớ lại những ngày xảy ra sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, hồi đó con đường giữa xã Mỹ Hòa (Bình Minh, Vĩnh Long) và Cần Thơ lầy lội, sâu hoắm những “ổ trâu”, “ổ gà”. Giờ đây con đường ấy đã trở thành đường nhựa láng bóng. Những ngôi nhà lá năm nào bây giờ đã là những ngôi nhà tường khang trang… Nhưng cảnh con mất cha, vợ mất chồng, gia đình mất đi người thân yêu thì vẫn còn hiện hữu.

Tiếp xúc với phóng viên, bà Lê Thị Dung (ấp Mỹ Hưng 1), người mẹ có 2 con trai tử nạn, chồng thương tật tới 74% nghẹn ngào nói: “Hôm đó nghe tiếng rầm, mọi người nhốn nháo cả lên. Tôi chạy về phía chân cầu tìm chồng con thì thấy thằng Mãi đã đắp chiếu rồi. Tìm được Mãi, tôi lao đi tìm chồng và tìm thằng Điền, khi vô đến nhà thương thứ 3 gặp Điền được mấy phút thì nó cũng đi luôn”.

Bà Dung cho biết thêm, năm ấy Điền và Mãi mới ở tuổi 17 – 19. “Hôm con mất, chồng tôi cũng làm ở đó, bị thương nặng, cả tháng sau mới qua cơn nguy kịch. Hôm chôn 2 con tôi đã quyết định để 2 đứa nằm chung 1 huyệt để anh em nó mãi bên nhau”.

Bà Dung cho biết, năm đó bà quyết định chôn 2 con trai chung một huyệt để anh em được mãi bên nhau
Bà Dung cho biết, năm đó bà quyết định chôn 2 con trai chung một huyệt để anh em được mãi bên nhau

Từ đó tới nay đã 9 năm, năm nào bà Dung cũng cúng giỗ 2 con tươm tất, bà nhớ lại các con lúc sống thích ăn món gì để cúng món đó. “Làm đám giỗ đủ đầy, nhưng không ai ăn, vì ngày đó đoạn đường này vài trăm mét thôi, nhưng có đến 6 đám giỗ, còn cả ấp Mỹ Hưng 1 thì có tới 17 đám giỗ”- bà Dung đau đớn kể.

Cách nhà bà Dung chừng trăm mét là nhà bà Lưu Thị Xuyến (62 tuổi), vợ của nạn nhân Nguyễn Văn Bé. Bà Xuyến nói: “Buồn lắm cô ơi, sau sự cố xảy ra gia đình tôi mất đi người trụ cột nên mọi chuyện cứ rối lên. Năm chồng tôi mất có một số nhà hảo tâm đã hỗ trợ gia đình chúng tôi được trăm triệu đồng, nhưng lo ma chay, sửa lại căn nhà là hết rồi. Phận mình bạc lại không biết chữ, chồng chết lại càng khổ hơn. Có những năm cúng giỗ chồng đạm bạc lắm, chỉ là rau vườn, cơm trắng thôi…”.

Cũng cảnh ngộ với bà Dung, bà Xuyến là chị Nguyễn Thị Kim Liên ở ấp Mỹ Hưng 1, xã Mỹ Hòa có chồng là anh Nguyễn Văn Chính, tử nạn ngày 27/9/2007. Chị Liên cho biết, anh Chính được người anh rể giới thiệu vào công trường cầu Cần Thơ làm được khoảng 6 tháng thì sự cố xảy ra.

“Lúc đó đứa con gái lớn đang học lớp lớp 3, còn đứa nhỏ chỉ mới 21 tháng. Hôm xảy ra sự cố, mẹ tôi đã đi “coi mặt” từng cái xác chết ở công trường để tìm con rể, nhưng tìm hoài không thấy. Sau đó, mấy mẹ con chúng tôi đi hết 6 cái nhà thương ở Cần Thơ mới tìm được anh ấy”- chị Liên nghẹn ngào kể.

Chị Liên cũng cho biết, sau ngày chồng mất, mẹ con chị gần như mất thăng bằng, nhưng nhờ giúp đỡ, sẻ chia của các nhà hảo tâm nên nỗi đau cũng được xoa dịu. Ngoài việc lo cho hai con đi học, khoản tiền được hỗ trợ chị chi dùng đúng mục đích.

“Nhờ công việc may gia công mà mỗi ngày tôi được trả tiền công gần 100 ngàn đồng nên sống khỏe, lo cho hai đứa con ăn học đàng hoàng. May mắn là hai đứa con tôi rất ngoan, nghe lời mẹ nên cố gắng học hành. Giờ chỉ mong sao hai đứa nhỏ thành đạt, không phải chịu cảnh nghèo khổ nữa để ở thế giới bên kia anh ấy được an lòng”, chị Liên chia sẻ.

Chị em chị Nguyễn Thị Trúc tiếp xúc với phóng viên Dân trí
Chị em chị Nguyễn Thị Trúc tiếp xúc với phóng viên Dân trí

Chung vách với nhà chị Liên là Nguyễn Thị Trúc - chị gái của chị Liên cũng có chồng mất trong vụ sập cầu tâm sự: “Ngày đó, 2 chị em đề chịu cảnh mất chồng nên chẳng có ai chia sớt được cho ai. Chị em chúng tôi như muốn ngã quỵ, nhưng khi nghĩ đến cảnh con cái đang nhỏ dại, nếu mình có mệnh hệ gì thì ai lo cho con nên phải cố gắng vượt qua nỗi đau để nuôi dạy con cái lớn khôn”.

21 ngày cha ra hiện trường tìm xác con

Còn tại ấp Mỹ Thới 2 (xã Mỹ Hòa), ông Trần Văn Cuối cha của anh Trần Văn Hơn – nạn nhân cuối cùng được tìm thấy trong sự cố cho biết, hiện nay kinh tế gia đình rất khó khăn đến nỗi ngày giỗ hằng năm của anh chỉ làm mâm cơm đơn giản chứ không có thịt, cá gì.

“Cũng do số phận hết thôi, nhà nghèo lại nợ nần nên chúng tôi mới lấy số tiền mà mọi người hỗ trợ để trang trải cuộc sống. Tiền đó được đổi từ tính mạng của con mình ai mà không trân trọng, nhưng nghèo quá biết làm sao…”, ông Cuối nói.

Chúng tôi không thể quên hình ảnh ông Trần Văn Cuối với mái tóc bạc ngày nào cũng ngậm dở ổ bánh mì đứng quanh hiện trường vụ sập nhịp dần cầu Cần Thơ với hy vọng sớm tìm thấy thi thể anh Hơn để an táng. Nhiều người nhìn ông mà không khỏi rơi nước mắt. Đó là một hình ảnh bi thương mà nhiều người đã chứng kiến đều khó có thể quên. Năm xảy ra sự cố, anh Hơn là nạn nhân cuối cùng được tìm thấy sau 21 ngày xảy ra vụ tai nạn...

Ông Huỳnh Minh Thiệt – Phó Chủ tịch UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Mỹ Hòa - cho biết: “Hiện tại, cuộc sống của người dân đã ổn định, biết vươn lên để làm ăn, có nhà trở nên giàu có. Địa phương cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên các gia đình. Tuy nhiên, cũng có vài trường hợp không tính toán làm ăn, có tiền chỉ biết chi xài phung phí nên cuộc sống bây giờ khó khăn, nợ nần chồng chất”.

Bia tưởng niệm 55 người đã tử nạn trong sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ năm 2007
Bia tưởng niệm 55 người đã tử nạn trong sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ năm 2007

9 năm đã trôi qua, nhưng “dư chấn” của sự kiện sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ vẫn là nỗi đau không thể nguôi ngoai. Làm sao quên được khi chỉ chưa đầy 1 giờ, người dân Cần Thơ đã xếp hàng dài hiến máu cứu các nạn nhân. Những ngày sau đó, tấm lòng sẻ chia từ cả nước ào ào đổ về, mong san sẻ bớt phần nào nỗi đau của Vĩnh Long, Cần Thơ.

Ngày ấy, tấm lòng người dân cả nước và Việt kiều ở nhiều nước đều hướng về chia sẻ với sự cố đau thương bên dòng sông Hậu!

Chiều đã buông xuống, tôi rời Mỹ Hòa khi khó trút bỏ tâm trạng đau đáu của sự cố 9 năm về trước. Cầu Cần Thơ sừng sững hiện ra trước mắt. Người dân hai bờ sông Hậu giờ không còn cách trở đò ngang. Dòng sông Hậu hiền hòa vẫn ôm lấy các trụ cầu Cần Thơ. Tôi nhủ thầm: nếu thật sự có thế giới bên kia, chắc các vong linh nạn nhân sẽ được siêu thoát và yên nghỉ.

Khoảng 8 giờ ngày 26/9/2007, hai đoạn nhịp cầu dẫn phía bờ Vĩnh Long của cầu Cần Thơ dài khoảng 87 m, rộng 24 m, cao 30 m đã bất ngờ đổ sập. Vụ tai nạn khiến 55 người chết, 80 người bị thương.

Tháng 4/2010, cầu Cần Thơ chính thức được khánh thành, trở thành cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á.

Phạm Tâm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm