1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cà Mau:

"9 không, 1 cần" trong phòng ngừa tội phạm công nghệ cao

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Khuyến cáo "9 không, 1 cần" trong phòng ngừa tội phạm công nghệ cao trên không gian mạng, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Cà Mau lưu ý người dân quan trọng nhất là nâng cao cảnh giác.

Chiều 6/12, tại phiên chất vấn trong kỳ họp thứ 12 của HĐND tỉnh Cà Mau, có đại biểu cho rằng hiện nay tình hình các loại tội phạm còn diễn biến phức tạp, trong đó có tội phạm công nghệ cao.

Điển hình trong năm 2023 tỉnh này khởi tố 2 vụ liên quan tội phạm không gian mạng. Đối tượng tự xưng là cán bộ Công an TP Đà Nẵng, TPHCM lừa nạn nhân có liên quan đường dây tội phạm và chiếm đoạt hơn 3,9 tỷ đồng.

Có đối tượng giả danh công an, viện kiểm sát gọi điện thông báo thông tin cá nhân của nạn nhân đã bị đối tượng khác lợi dụng để đăng ký hồ sơ bảo hiểm giả, sau đó lừa nạn nhân chuyển 650 triệu đồng.

"9 không, 1 cần"

Đồng tình với đại biểu, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Cà Mau Trần Quốc Chính cho biết, thời gian qua xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet, viễn thông.

Để đối phó với loại tội phạm này, ông Chính chia sẻ ít nhất 10 "gạch đầu dòng" người dân cần lưu ý.

9 không, 1 cần trong phòng ngừa tội phạm công nghệ cao - 1

Ông Trần Quốc Chính, Giám đốc Sở TT&TT Cà Mau (Ảnh: CTV).

Theo ông Chính, người dân không nên vay tiền qua mạng (vay tiền online). Đối tượng sẽ có nhiều chiêu trò để nợ lại chồng nợ.

Việc mời gọi đầu tư tài chính sinh lợi, nghe rất hấp dẫn, nhưng người dân tốt nhất không tham gia.

"Thông qua mạng quen với người lạ, người dân cũng không nên tương tác nhiều, rất ảnh hưởng", ông Chính lưu ý.

Một trong những hình thức phổ biến hiện nay là mượn tiền qua mạng xã hội như zalo, facebook…, theo ông Chính, cái này giả danh rất nhiều, người dân nhất định không cho mượn.

Một phương thức mà đối tượng tội phạm cũng hay thực hiện là điện thoại báo người thân bị nạn và yêu cầu chuyển tiền viện phí, người dân không nên chuyển.

Người dân cần cảnh giác với đối tượng gọi điện thoại tự xưng công an, viện kiểm sát, tòa án, nhà mạng, ngân hàng,… Gặp trường hợp này, người dân nên tắt máy không nghe hoặc chặn số.

Tội phạm cũng lôi kéo, giới thiệu việc làm online, cộng tác viên trên các trang thương mại. "Người dân hãy trả lời không có nhu cầu; còn có nhu cầu việc làm thì liên hệ với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh để tham khảo", ông Chính đề nghị.

Ông Chính lưu ý người dân không nên cài đặt phần mềm không rõ nguồn gốc vào điện thoại. Bởi có những phần mềm chiêu trò đánh cắp thông tin, tài khoản cá nhân rất nguy hiểm.

"Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân công khai trên mạng xã hội để các đối tượng tội phạm lợi dụng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản", ông Chính khuyến cáo.

Cuối cùng ông lưu ý người dân lỡ gặp trường hợp lừa đảo thì cần trình báo ngay cho cơ quan công an gần nhất.

Theo Giám đốc Sở TT&TT Cà Mau, với ít nhất "9 không, 1 cần" trên, khi người dân nâng cao cảnh giác thì nguy cơ bị đối tượng tội phạm lừa đảo có thể hạn chế đáng kể.

9 không, 1 cần trong phòng ngừa tội phạm công nghệ cao - 2

Đại tá Phạm Thành Sỹ, Giám đốc Công an Cà Mau (Ảnh: CTV).

"Tội phạm không gian mạng đi như không khí"

Chia sẻ về tội phạm công nghệ cao, Đại tá Phạm Thành Sỹ, Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau, nhắn người dân khi tham gia các dịch vụ trên không gian mạng phải hết sức thận trọng.

Theo Đại tá Sỹ, nhiều trường hợp có dấu hiệu lừa đảo nhưng khi công an phát hiện, không thể kiểm tra, xử lý kịp thời.

"Tội phạm lợi dụng công nghệ cao, trên không gian mạng chúng như "đi trong không khí", chúng ta đâu theo kịp. Mình nhẹ dạ cả tin bấm từ tài khoản ngân hàng nào đó ở Cà Mau, trong vòng vài giây là đi hàng ngàn cây số. Từ đó, lại chuyển tiếp cái nữa là ra khỏi biên giới. Lúc đó, chúng ta không làm được gì cả", Đại tá Sỹ lưu ý.

Việc trước hết để phòng ngừa, theo Đại tá Sỹ, người dân cẩn thận, bình tĩnh, nắm rõ các thông tin sự thật. Nếu chúng ta chưa rõ thì phải tìm cách hoặc báo cơ quan chức năng để hỗ trợ.

"Công an sẽ tiếp nhận, xác minh một cách nhanh nhất có thể để hạn chế tối đa các hoạt động của đối tượng gây ra hậu quả", Đại tá Sỹ nói.