9 cơn bão dồn dập đổ vào miền Trung làm gần 250 người chết và mất tích
(Dân trí) - Tác động dồn dập trong thời gian rất ngắn của 9 cơn bão và mưa lũ lịch sử sau bão tại các tỉnh miền Trung đã làm 249 người chết và mất tích. Ước tính thiệt hại về kinh tế là trên 30.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường vừa ký báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình thiên tai, công tác chỉ đạo điều hành ứng phó và khắc phục hậu quả bão, mưa lũ khu vực miền Trung.
Nội dung báo cáo cho biết, từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11/2020, bão, lũ xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền Trung với cường độ rất mạnh, trên phạm vi rộng đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân trên địa bàn, cụ thể:
Trong gần 2 tháng, khu vực duyên hải miền Trung đã chịu ảnh hưởng dồn dập của 9 cơn bão (từ số 5 đến số 13) và 2 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Trong đó cơn bão số 9 đã đạt đến cấp siêu bão và được đánh giá mạnh nhất trong 20 năm qua với gió cấp 14, giật cấp 17, thời gian lưu gió mạnh lên đến 6-7 tiếng; bão đổ bộ trùng với thời điểm triều cường đã tàn phá và gây thiệt hại nặng nề.
Ngoài ra, do ảnh hưởng dồn dập của các cơn bão, kết hợp với hình thái thời tiết cực đoan, dị thường đã gây mưa lớn kéo dài tại khu vực miền Trung, đặc biệt tại 7 tỉnh ven biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi với tổng lượng mưa phổ biến từ 1.000 - 2.500mm, nhiều nơi trên 3.000mm như Hướng Linh (Quảng Trị): 3.408mm, A Lưới (Thừa Thiên Huế): 3.446mm.
"Cường xuất mưa ngày đặc biệt lớn xảy ra ở nhiều khu vực như tại Thành phố Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) 884mm/ngày, Kim Sơn (Hà Tĩnh) 847mm; Ba Đồn (Quảng Bình): 756mm; Hướng Linh (Quảng Trị) 763mm/ngày; Thượng Nhật (Thừa Thiên Huế) 719mm/ngày", báo cáo nhấn mạnh.
Mưa lớn đã gây lũ lụt ở nhiều nơi, lũ từ thượng nguồn đổ về cộng với mưa lớn trong khu vực và khả năng tiêu thoát lũ không kịp, nên dẫn đến tình trạng ngập lụt trên diện rộng tại 7 tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam với nhiều đợt nối tiếp và thời gian kéo dài kỷ lục, nhiều nơi ngập kéo dài nửa tháng. Cao điểm là vào ngày 12/10 và 19/10 có trên 317.000 hộ (1,2 triệu nhân khẩu) bị ngập lụt. Trong đó, tỉnh Quảng Bình bị ngập gần như toàn tỉnh, đặc biệt lũ trên sông Kiến Giang đã vượt lũ lịch sử 0,95m và kéo dài 3 ngày, gây ngập lụt rất sâu tại 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, có nơi ngập trên 5m;...
Bộ NN&PTNT cho biết, do có sự chỉ đạo tập trung và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò trực tiếp của các địa phương cùng sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của nhân dân trong công tác phòng chống, khắc phục hậu quả bão lũ nên đã góp phần giảm tối đa, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Tuy nhiên, do bị tác động dồn dập trong thời gian rất ngắn của 9 cơn bão và mưa lũ lịch sử sau bão kéo dài đã gây thiệt hại nặng nề, đặc biệt là thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét, cụ thể:
Đợt thiên tai trên đã làm 249 người chết, mất tích (192 người chết, 57 người mất tích); hơn 1.500 nhà sập, gần 240.000 nhà bị hư hại, tốc mái, hơn 470.000 lượt nhà bị ngập.
Về nông nghiệp, thủy lợi, đê điều: Gần 50.000ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; hơn 42.000 con gia súc, 4,11 triệu con gia cầm chết, cuốn trôi; 800km đê kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 213km bờ biển, sông bị sạt lở.
Thiên tai còn làm hơn 1.500 trường học và 104 điểm trường bị ngập nước; nhiều thiết bị dạy học, sách vở, đồ dùng học sinh bị nước cuốn trôi, ướt hỏng (giá trị thiệt hại ước tính khoảng hơn 1.000 tỷ đồng).
Ngoài ra, còn rất nhiều cơ sở hạ tầng và các công trình dân sinh bị hư hỏng, sạt lở. Ước tính thiệt hại về kinh tế trên 30.000 tỷ đồng.