1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

8 cán bộ “kê gian” tài sản bị kỷ luật

(Dân trí) - Trong số hơn 1 triệu bản kê khai tài sản của cán bộ, có 46 trường hợp đã được xác minh, phát hiện 10 trường hợp vi phạm, tăng 4 trường hợp so với năm trước. Hiện 8 trường hợp đã bị xử lý kỷ luật.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nêu những con số này trong báo cáo thực hiện lời hứa sau chất vấn gửi tới Quốc hội.

Kết luận thanh tra những “đại án” được chỉ đạo

Nhận định chung về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) thời gian qua, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá, công cuộc PCTN đã có bước tiến mạnh, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được người dân đồng tình, đánh giá cao, được các tố chức quốc tế ghi nhận.

“Các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về PCTN đã và đang được các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp chính quyền triển khai thực hiện tích cực, đồng bộ, có hiệu quả” - ông Khái cho biết.

Dẫn chứng cụ thể, ông Khái nêu, nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước được ban hành vừa để phòng ngừa, ngăn chặn, vừa là căn cứ để phát hiện, xử lý vi phạm. PCTN gắn với công tác cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự.

Đáng chú ý, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện có hiệu quả tích cực. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật.

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, ông Khái khẳng định, tình hình tham nhũng từng bước được kiềm chế.

Thanh tra Chính phủ đã tập trung ban hành kết luận một số cuộc thanh tra, kiểm tra do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Thủ tướng Chính phủ giao, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, như Thanh tra toàn diện Dự án mở rộng và cải tạo sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên; Thanh tra việc quản lý, sử dụng đối với 2.200 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam trả nợ cho Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy và số tiền 4.200 tỷ đồng Chính phủ tạm ứng cho tập đoàn Công nghiệp tàu thủy thực hiện tái cơ cấu.

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng báo cáo kết quả các cuộc thanh tra về quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TPHCM; Thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà...

Tính riêng các cuộc thanh tra trên, Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay, Chính phủ đã phát hiện vi phạm xấp xỉ 80.000 tỷ đồng, gần 1.200 ha đất, kiến nghị thu hồi hơn 38.000 tỷ đồng, 365 ha đất, xử lý khác gần 42.000 tỷ đồng, 800 ha đất.

Báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ nên nhận định khái quát, kết quả đạt được trong công tác PCTN đã có tác động mạnh mẽ, cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường an ninh - quốc phòng, đối ngoại.

Cân nhắc mức kỷ luật với 2 trường hợp vi phạm kê khai

8 cán bộ “kê gian” tài sản bị kỷ luật - 1
(Ảnh minh họa)

Về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, theo Tổng Thanh tra Lê Minh Khái, công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch được các bộ, ngành, địa phương rất quan tâm. 5.200 cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được kiểm tra, qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh 40 đơn vị có vi phạm về công khai, minh bạch.

Tiến hành xây dựng, thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn, ông Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều quy định mới về chế độ, định mức, tiêu chuẩn trên các lĩnh vực, nhất là các chế độ, định mức, tiêu chuẩn liên quan đến quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sán, quản lý đầu tư, tài chính, tài sản công...

Ông Khái thông tin, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 3.100 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; huỷ bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung trên 900 văn bản để phù hợp với các quy định mới và yêu cầu quản lý tại cơ quan, đơn vị.

Tiến hành gần 2.300 cuộc kiểm tra việc thực hiện quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn, các Bộ, ngành, địa phương phát hiện 340 vụ việc, 410 người có vi phạm, đã xử lý kỷ luật 40 người, kiến nghị thu hồi và bồi thường 330 tỷ đồng.

Thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập, đã có hơn 1 triệu người kê khai, đạt tỷ lệ 99,9% số người phải kê khai. Số bản kê khai đã công khai đạt tỷ lệ 99,4% số đã kê khai.

Trong số 46 người được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện 10 trường hợp vi phạm, tăng 4 trường hợp so với cùng kỳ năm trước. Hiện 8 trường hợp đã bị xử lý kỷ luật, 2 trường hợp đang xem xét xử lý kỷ luật.

Cũng theo ông Khái, qua kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp tại 2.800 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã xử lý 160 người vi phạm. 8 người nộp lại quà tặng cho đơn vị với giá trị quà tặng là 116 triệu đồng.

Liên quan đến việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, đã có 42 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó 4 người đã bị xử lý hình sự; 38 người bị xử lý kỷ luật hành chính.

Kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng qua hoạt động công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tự kiểm tra nội bộ cũng phát hiện 70 vụ (giảm 23 vụ so với năm 2018), 89 người có hành vi liên quan đến tham nhũng. Trong số này, cơ quan thanh tra các cấp đã phát hiện 47 vụ, 72 người có hành vi liên quan đến tham nhũng.

Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan nhà nước phát hiện 19 vụ, 12 người. Qua công tác tự kiểm tra nội bộ, các cơ quan, tổ chức đã phát hiện 4 vụ, 5 người.

Phương Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm