8-10 cơn bão có thể xuất hiện từ nay đến cuối năm
(Dân trí) - Cùng với dự báo 8-10 cơn bão/áp thấp nhiệt đới xuất hiện từ nay đến cuối năm, cơ quan khí tượng cho rằng khả năng xảy ra các đợt mưa lớn vẫn tiếp tục ở khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Dự báo này được Tổng cục Khí tượng thủy văn đưa ra trong Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn những tháng đầu năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (Ủy ban).
Hội nghị diễn ra chiều 7/8 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.
Tổng cục Khí tượng thủy văn dự báo từ ngày 9 đến 10/8, khu vực Bắc Bộ có mưa dông. Mưa to sẽ quay trở lại khu vực này trong khoảng ngày 11 đến 13/8, với tổng lượng mưa từ 50 đến100 mm, có nơi trên 200 mm.
Trong khi đó, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ nửa cuối tháng 8 mưa dông sẽ mạnh hơn và có tổng lượng mưa cao hơn đầu tháng 8.
Tổng cục Khí tượng thủy văn cảnh báo xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đến sớm hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm, do El Nino tiếp tục duy trì đến hết năm 2023 sang đầu năm 2024.
Vì thế, các địa phương trong vùng cần sớm có biện pháp chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.
Cũng theo cơ quan này, từ nay đến cuối năm, có khả năng xuất hiện khoảng 8-10 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, chủ yếu tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (từ nửa cuối tháng 8 đến tháng 9) và từ Trung Trung Bộ đến các tỉnh phía nam (từ tháng 10 đến tháng 12).
Với dự báo trên, khả năng xảy ra các đợt mưa lớn vẫn tiếp tục xuất hiện ở khu vực Bắc Bộ, cũng như Tây Nguyên và Nam Bộ trong tháng 8 và tháng 9.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu công tác dự báo phải "kịp thời và chuẩn xác hơn", có sự kết nối, hợp tác với các đài thủy văn trong khu vực.
Ông gợi ý cần đa dạng hóa phương thức tuyên truyền, bao gồm cả tin nhắn trực tiếp nhằm bảo đảm thông tin thông suốt, kịp thời nhất đến với người dân.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng chức năng phải phối hợp tốt ngay từ khâu chuẩn bị cũng như trong quá trình tham gia khắc phục sự cố để công tác này đạt hiệu quả cao nhất, trong điều kiện nguồn lực và trang thiết bị còn hạn chế.
Theo Báo cáo của Ủy ban, những tháng đầu năm 2023, tình hình thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, cực đoan, đặc biệt là nắng nóng, mưa lũ, sạt lở đất ở khu vực vùng núi phía bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Trong 7 tháng, cả nước ghi nhận hơn 1.700 sự cố, thiên tai, làm chết 267 người; 78 người mất tích; 291 người bị thương…
Theo thống kê trong 7 tháng đầu năm, số lượng cơn bão và áp thấp trên Biển Đông chỉ bằng 1/2 so với mọi năm nhưng đã có 2 siêu bão.
Cả nước xuất hiện 16 đợt nắng nóng trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất tuyệt đối phổ biến từ 35 đến 38 độ C, đặc biệt tại Tương Dương, Nghệ An ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục lên đến 44,2 độ C.
Trong khi đó, tổng lượng mưa tại Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến cao hơn từ 50 đến 100% so với mức trung bình cùng kỳ những năm trước. Đáng chú ý, dù có những nơi lượng mưa khá thấp vẫn xảy ra sạt lở đất đá.