1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Thứ trưởng Bộ TN&MT: Nguy cơ sạt lở lớn hơn ở những nơi con người tác động

Hoài Thu

(Dân trí) - "Với sườn núi tự nhiên, sự phong hóa đất đá xảy ra từ từ, nhưng khi con người có hoạt động trồng cây, làm nhà, cấu trúc mặt đất thay đổi gây nguy cơ sạt lở lớn hơn", theo ông Lê Công Thành.

Nguyên nhân gây nên nhiều vụ sạt lở ở các địa bàn thời gian qua, đặc biệt ở khu vực Tây Nguyên, được Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) Lê Công Thành lý giải trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, diễn ra chiều 5/8.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhắc lại vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) và cho biết các chuyên gia, nhà khoa học đã phân tích nguyên nhân gây sạt lở đất, đá.

Lý giải thêm về hiện tượng này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường giải thích với sườn núi, sườn đồi tự nhiên, sự phong hóa đất đá xảy ra từ từ. Đất đá trượt lở một cách từ từ tạo nên sườn dốc tự nhiên.

Thứ trưởng Bộ TNMT: Nguy cơ sạt lở lớn hơn ở những nơi con người tác động - 1

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành (Ảnh: Đoàn Bắc).

"Nhưng khi con người cần không gian phát triển, có hoạt động như chuyển đất rừng thành đất trồng cây, san gạt đất làm nhà, làm đường, làm hồ chứa nước, thủy lợi, cấu trúc mặt đất thay đổi", theo ông Thành, nguy cơ sạt lở ở những nơi này lớn hơn khi xảy ra mưa to.

Thứ trưởng Lê Công Thành cũng thông tin về cách phát hiện dấu hiệu sạt lở là thấy vết nứt xuất hiện, cây cối trên sườn đồi núi nghiêng theo một hướng hoặc có tiếng nổ trong lòng đất. Khi phát hiện những dấu hiệu này, địa phương cần theo dõi và yêu cầu phải di dời khi nguy cơ lớn.

Về công tác ứng phó, ông Thành cho biết các cơ quan chỉ đạo phòng chống thiên tai địa phương đều có bản đồ những điểm nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn. Lực lượng thanh niên xung kích phòng chống thiên tai được đào tạo để trước các trận mưa lớn cảnh báo người dân di dời nếu cần thiết.

Thứ trưởng Bộ TNMT: Nguy cơ sạt lở lớn hơn ở những nơi con người tác động - 2

Điểm sạt lở đất trên đèo Bảo Lộc hôm 30/7 khiến 4 người tử vong (Ảnh: Hải Long).

Khi Luật Phòng thủ quân sự được Quốc hội thông qua, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ có lực lượng phòng thủ dân sự địa phương, được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp để cùng nhân dân, các cơ quan theo dõi các dấu hiệu vết nứt, cảnh báo sớm sạt lở đất.

Thông tin về việc bắt đầu vào mùa mưa lũ, ông Thành cho hay Thủ tướng đã có công điện chỉ đạo sát sao các tỉnh Tây Nguyên và nhiều địa phương trên cả nước tiếp tục theo dõi, giám sát, khắc phục tình trạng sạt lở. Các địa phương khác cần quyết liệt hơn để theo dõi, khắc phục sạt lở đất.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, từ ngày 1 đến 4/8, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam, mưa lớn kéo dài đã làm một người tử vong tại xã Ea Rốk huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk (nghi do điện giật khi nhà bị ngập trong mưa lũ); 183 nhà bị sập, hư hỏng, ngập (Lào Cai, Điện Biên, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk).

Tại huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên), mưa lũ đã làm tuyến đường giao thông tại các xã Leng Su Sìn, Chung Chải và Sín Thầu bị sạt lở gây ách tắc cục bộ, đổ sập tường bao trụ sở xã Huổi Lếch.

Tuyến Quốc lộ 279, đoạn thuộc địa phận đèo Tây Trang (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) xuất hiện nhiều điểm sạt lở gây ách tắc giao thông. 

Mưa lớn kéo dài tại tỉnh Lâm Đồng cũng đã gây ra sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực thi công hồ chứa nước Đông Thanh, huyện Lâm Hà, gây ảnh hưởng đến nhiều hộ dân và hơn 50.000m2 đất sản xuất của người dân. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm