1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

70.000 tỷ đồng làm cao tốc Bắc Nam: Tiền để sẵn rồi, lo không thể giải ngân!

(Dân trí) - “Cao tốc Bắc - Nam triển khai rất chậm. Chúng tôi cũng rất lo ngại vì cơ chế chính sách như Bộ GTVT trình thì sự ủng hộ là rất khó, không biết bao giờ có thể giải ngân được 70.000 tỷ đồng đã để sẵn đó” – Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nói.

Đây là một phần nội dung Bộ trưởng KH-ĐT giải trình trước UB Thường vụ Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2018 tại phiên họp của cơ quan này hôm 12/10. Chiều qua, 13/10, Thường vụ Quốc hội cũng có buổi làm việc riêng để chuẩn bị cho việc trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư cao tốc Bắc – Nam ít ngày tới.

Cụ thể, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đã bày tỏ lo ngại khó giải ngân 70.000 tỷ đồng đã chuẩn bị vì dự án “cao tốc Bắc Nam triển khai rất chậm” và lo ngại cơ chế, chính sách dự kiến áp dụng với dự án này mà Bộ GTVT trình khó nhận được sự ủng hộ, đồng thuận.

Vấn đề này cũng được UB Kinh tế của Quốc hội chỉ ra trong báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án.

(Ảnh minh hoạ)
(Ảnh minh hoạ)

Đề cập về nguồn vốn đầu tư, cơ quan thẩm tra nhắc tới lại Nghị quyết số 26 năm 2016 của Quốc hội, quyết định bố trí 80.000 tỷ đồng cho việc đầu tư các dự án quan trọng quốc gia. Trong số ngày, 10.000 tỷ đồng được dành cho dự án chống ngập TPHCM, còn 70.000 tỷ đồng dành cho dự án cao tốc Bắc – Nam.

Tuy nhiên, Chính phủ chỉ đề nghị chỉ bố trí 55.000 tỷ đồng cho dự án cao tốc, 15.000 tỷ đồng còn lại Chính phủ muốn xin Quốc hội phân bổ cho một số dự án quan trọng, cấp bách khác để duy trì năng lực tối thiểu của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có.

Theo dự kiến thì tổng số vốn cần thiết để làm tuyến cao tốc chạy dọc chiều dài đất nước là khoảng 130.216 tỷ đồng. Ngoài khoản 55.000 tỷ đồng vốn ngân sách này, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách dự kiến khoảng 63.700 tỷ đồng.

UB Kinh tế của Quốc hội lo ngại vì thông tin từ tờ trình của Chính phủ cho thấy, việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài trong điều kiện hiện nay sẽ gặp nhiều khó khăn. Điều này, theo cơ quan thẩm tra, tiềm ẩn nhiều rủi ro cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ bổ sung cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư dự án, theo kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương đầu tư tuyến cao tốc.

Thường trực UB Kinh tế đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ các ý kiến và sớm có các giải pháp, cơ chế chia sẻ rủi ro để thu hút đầu tư nước ngoài vào Dự án, nhằm giảm áp lực đầu tư công, hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại đầu tư, huy động nguồn lực đột phá để đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông.

Khắc phục hệ quả BOT trước khi làm dự án mới

Tán thành phương án phân chia Dự án thành các dự án thành phần, vận hành độc lập do Chính phủ trình, nhưng UB Kinh tế cũng cảnh báo việc phân chia quy mô chưa đồng đều giữa các dự án: Có dự án dài 115 km, nhưng có dự án chỉ 15 km hoặc 29 km sẽ khó bảo đảm sự đồng bộ về tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác.

Về hình thức đầu tư, trong danh mục 11 dự án thành phần đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020, dự kiến có 8 dự án được đầu tư theo hình thức BOT, 3 dự án còn lại được đầu tư theo hình thức đầu tư công và hình thức đầu tư BT.

Cơ quan thẩm tra bảy tỏ băn khoăn khi đoạn Cao Bồ - Mai Sơn có chiều dài 15 km, lưu lượng 25.556 xe con quy đổi/ngày/đêm (cao nhất toàn tuyến) lại được lựa chọn thực hiện hình thức đầu tư công trong khi dự án này có khả năng huy động vốn xã hội cao nhất.

Mặt khác, cơ quan thẩm tra cũng đề cập việc kết quả giám sát năm 2017 của UB Thường vụ Quốc hội về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT cho thấy còn nhiều hạn chế, bất cập đối với hình thức đầu tư này.

Thường trực UB Kinh tế đề nghị Chính phủ có các giải pháp tổng thể xử lý đối với những hạn chế, bất cập đã nêu trong Báo cáo giám sát của UB Thường vụ Quốc hội để tạo điều kiện thuận lợi khi áp dụng hình thức đầu tư BOT đối với dự án.

P.Thảo