Cao tốc Bắc - Nam: Nỗi lo với 17/20 dự án thành phần là BOT
(Dân trí) - “Đây là dự án rất quan trọng, đáng lẽ phải làm từ lâu rồi, chứ không phải đến bây giờ mới làm nhưng ở cơ quan được cung cấp rất nhiều thông tin mà tôi vẫn cảm thấy chưa đầy đủ thông tin, sao đã yên tâm được” – Uỷ viên thường trực UB Kinh tế của Quốc hội Phùng Văn Hùng chia sẻ những băn khoăn về nguồn vốn thực hiện dự án, về 17/20 dự án thành phần dự kiến sẽ triển khai theo hình thức BOT…
Dự án cao tốc Bắc – Nam theo dự kiến sẽ được trình Quốc hội, như mong muốn của phía Chính phủ là để thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp này. Nhận định chung khá thống nhất với sự cần thiết và cấp thiết của dự án. Dù vậy, đến thời điểm này, hồ sơ dự án vẫn chưa được gửi tới các đại biểu, mới đang dừng ở cơ quan thẩm tra (phiên thẩm tra sơ bộ diễn ra chiều tối ngày 1/6 vừa qua). Là một thành viên tham gia thẩm tra đề án, ông nhận định thế nào về quy trình gấp gáp khiến nhiều người cảm thấy chưa yên tâm về dự án này?
Thực ra, đây là dự án rất quan trọng và đáng lẽ chúng ta phải làm từ lâu rồi, chứ không phải đến bây giờ mới làm. Tôi nghĩ rằng đại biểu Quốc hội sẽ đồng ý rất cao việc triển khai. Nhưng dù sao vẫn cần dành thời gian xem xét cho kỹ hơn. Quan điểm của tôi là kỳ này trình ra Quốc hội để đại biểu thảo luận cho ý kiến. Tương tự dự án sân bay Long Thành cũng thảo luận và thông qua tại 2 kỳ họp, thì cao tốc Bắc Nam cũng vậy.
Kỳ này trình ra Quốc hội để cung cấp thông tin cho đại biểu, đồng thời cung cấp thông tin cho dư luận xã hội. Tại kỳ họp sau thì trình để thông qua chủ trương đầu tư, có như vậy mới thu lượm được ý kiến các chuyên gia, các nhà quản lý, dư luận xã hội, như vậy mới xây dựng được một đề án hoàn thiện, và thời gian đó tiếp tục hoàn thiện chính sách về các dự án BOT giao thông.
Lúc đấy tôi tin rằng các đại biểu rất yên tâm và ủng hộ. Quan điểm của tôi là không thông qua trong kỳ họp này.
Dường như chính trong cơ quan thẩm tra, các thành viên cũng chưa yên tâm. Điểm nào khiến ông băn khoăn nhất về dự án?
Tôi làm ở cơ quan được cung cấp rất nhiều thông tin nhưng vẫn cảm thấy chưa đầy đủ thông tin thì mình làm sao yên tâm được? Quan điểm của tôi, mặc dù chúng ta ủng hộ rất cao, nhưng quyết định trong 2 kỳ họp cũng là phải phối hợp quyết liệt lắm rồi để đẩy mạnh quá trình xây dựng, hoàn thiện dự án, tranh thủ ý kiến tham gia của các chuyên gia, các nhà quản lý, dư luận xã hội...
Tôi băn khoăn về nguồn vốn. Theo tờ trình, có 17/20 dự án thành phần dự kiến triển khai theo hình thức BOT thì liệu có thu hút được vốn không, các nhà đầu tư có sẵn sàng không. Thứ nữa, với sự tồn tại của Quốc lộ 1 cũng theo hình thức BOT, giờ lại có đường cao tốc nữa, thì cơ chế nào để chúng ta đảm bảo rằng việc thu hút được nguồn vốn là có cơ sở.
Tôi nghĩ rằng cần nghiên cứu để đánh giá và có cơ sở rất chặt chẽ.
Nhiều chuyên gia khi bàn về dự án cao tốc Bắc – Nam cũng lo ngại về kế hoạch 17/20 dự án thành phần được đề xuất làm theo hình thức BOT với những cơ chế ưu đãi thậm chí còn cao hơn cơ chế dành cho nhà đầu tư BOT hiện tại. Trong bối cảnh kết quả giám sát về các dự án BOT vừa qua vẫn đang gây tranh luận nhiều, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn quan điểm về vấn đề này?
Cá nhân tôi băn khoăn nếu chúng ta không làm theo quy trình rất chặt chẽ để đảm bảo rằng việc triển khai một dự án lớn như vậy được sự đồng thuận của xã hội và đảm bảo được hiệu quả. Các dự án BOT thời gian vừa qua, hiệu quả cũng tốt, nhưng cũng không ít vấn đề phát sinh, tạo bức xúc trong xã hội về cơ chế chính sách, mức thu phí, thời gian hoàn vốn, phân lưu lượng giao thông giữa cao tốc với những đường có sẵn...
Tôi nghĩ rằng Nhà nước cũng đang cân nhắc hoàn thiện chính sách về BOT để đảm bảo hiệu quả nhưng cũng làm sao đảm bảo thu hút được nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Với những đề xuất cụ thể về cơ chế như nâng mức lợi nhuận lên 14% so với mức 11,5% hiện nay, cơ chế đàm phán với những nhà đầu tư các dự án BOT Quốc lộ 1 trong trường hợp bị san tải khi cao tốc mới được đưa vào khai thác…, quan điểm của ông thế nào?
Với những việc như thế, lần này, Bộ GTVT cần giải trình cho các đại biểu Quốc hội được biết để đại biểu yên tâm với đề xuất này.
Công trình lớn như vậy, tiêu tốn tới 10 tỷ USD (giai đoạn 1) thì dư luận phải biết, phải tạo sự đồng tình trong dư luận xã hội và sự ủng hộ của đại biểu Quốc hội.
Nói về vấn đề hiệu quả đầu tư của dự án sử dụng vốn rất lớn như ông nói, nhiều ý kiến cũng lo ngại lượng phương tiện sẽ không tăng nhanh một sớm một chiều và bài học với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng hoàn thành xong vẫn ít xe, thua lỗ?
Đúng vậy. Và chúng ta phải tính toán sự gia tăng lưu lượng phương tiện là thế nào. Chúng ta phải đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư, lợi ích cho người dân, chỉ có thế mới đảm bảo triển khai có hiệu quả.
10 tỷ USD cho giai đoạn 1 và 312.000 tỷ đồng cho cả dự án là những con số khổng lồ trong điều kiện nợ công hiện đã rất cao, ngân sách thì khó khăn đang đặt ra những áp lực lớn với Quốc hội trước việc phải quyết định có thông qua chủ trương đầu tư dự án lúc này?
Đó là nỗi lo chung của các đại biểu và Chính phủ phải giải trình vì Chính phủ là người triển khai và đề xuất các công việc. Tôi nghĩ khi Chính phủ thấy yên tâm thì Chính phủ mới đệ trình, thế thì Chính phủ phải lan truyền được sự yên tâm đó đến đại biểu, giải trình để Quốc hội hiểu sâu hơn nữa, dư luận hiểu thấu đáo các vấn đề, như thế mới tạo được đồng thuận.
Thường vụ Quốc hội đề xuất đưa dự án ra thảo luận ở Quốc hội tại kỳ này thôi, quyết định hay không là quyền của Quốc hội.
P.Thảo (ghi)