Cao tốc Bắc - Nam: Áp lực của Quốc hội với những con số khổng lồ!

(Dân trí) - 18.000 tỷ đồng cần “xuống vốn” cho việc giải phóng mặt bằng làm sân bay Long Thành chưa biết tính từ nguồn nào. Nợ công đã chạm trần, khó vay mượn thêm. Dự án cao tốc Bắc - Nam tiếp tục được trình ra với yêu cầu vốn đầu tư tới trên 300.000 tỷ đồng…

Thường trực UB Kinh tế Đỗ Văn Sinh trao đổi với báo giới về những ưu tư, áp lực nhưng cũng đầy quyết tâm của một đại biểu Quốc hội trước vấn đề lớn của đất nước cần quyết định.

- Được biết, UB Kinh tế đang chuẩn bị thẩm tra dự án đường cao tốc Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư tới 314.000 tỷ đồng để đề án có thể sớm trình Quốc hội xem xét. Tại kỳ họp này, chỉ riêng khoản tiền 18.000 tỷ đồng cần để “xuống vốn” cho việc giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành đã khiến các cơ quan đau đầu. Nay, với thêm một đại dự án như vậy sẽ thêm nhiều bài toán khó quyết đặt ra với Quốc hội?

- Đây là hai dự án rất quan trọng, các kỳ họp trước Quốc hội cũng đưa ra bàn rất nhiều rồi đặc biệt là dự án sân bay Long Thành. Hai dự án đều rất cần thiết trong xây dựng kết cấu hạ tầng làm động lực cho phát triển.

Về nguồn lực thì ta mới bố trí vốn đầu tư công trung hạn 2016 – 2020, trong đó, riêng việc giải phóng mặt bằng cho sân bay Long Thành ban đầu dự kiến 18.000 tỷ đồng, bây giờ theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, số tiền lên đến 23.000 tỷ mà đó thực ra cũng mới chỉ là con số bước đầu. So với nhu cầu vốn đặt ra, ngân sách mới bố trí được 5.000 tỷ, tức mới được trên 25%, số còn thiếu là rất lớn.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh: Phải cộng đồng trách nhiệm trước dân để sử dụng đồng tiền của dân cho hiệu quả (ảnh: NT).
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh: "Phải cộng đồng trách nhiệm trước dân để sử dụng đồng tiền của dân cho hiệu quả" (ảnh: NT).

- Với tiểu dự án giải phóng mặt bằng làm sân bay Long Thành, quá trình thẩm tra, UB Kinh tế cũng đã nêu nhiều băn khoăn, nhất là về phương án vốn?

- Với băn khoăn về vốn, UB Kinh tế thấy rằng có thể phải đưa ra hai giải pháp. Nên chăng cho ngay một cơ chế sử dụng ngay quỹ đất, bởi toàn bộ 5.000 ha có 2.780 ha để xây dựng hạ tầng cho sân bay, 1.050 ha là cho quỹ quốc phòng, còn khoảng 1.200 ha để làm cơ sở dịch vụ. Theo đó, ta có cơ chế cho sử dụng ngay 1.200 ha đó để đầu tư lại, thu lại tiền từ đó. 1.200 ha giả sử tính 2 triệu đồng/m2 thì đã thu được 24.000 tỷ. Đó chính là nguồn lực chứ, sao ta không tính theo hướng đó.

Hướng thứ hai vẫn nằm trong kế hoạch tổng thể, kế hoạch đầu tư tổng thể trung hạn là 2 triệu tỷ, mới phân bổ 1,8 triệu, vẫn để dự phòng 200.000 tỷ, rõ ràng đây là dự án quan trọng Quốc gia, có thể tính một phần ở trong phần dự phòng đó. Nếu Quốc hội và Chính phủ vẫn quyết tâm làm thì vẫn có cách để huy động nguồn lực.

- Vậy dự án cao tốc Bắc – Nam thì sao, giới chuyên gia cũng còn không ít băn khoăn về nguồn lực, thưa ông?

- Dự án này theo nghị quyết của Quốc hội cũng là 1 trong 4 dự án trọng điểm và theo tôi cũng phải làm vì Quốc lộ 1 đã mở ra rồi nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, một số đoạn đường đã quá tải. Vậy ta phải nhìn ở tầm chiến lược trong tương lai, rõ ràng cần phải làm.

Vấn đề là đang còn nhiều ý kiến bàn cãi về quy mô đầu tư cao tốc. Chính phủ dự kiến làm đường với 4 và 6 làn xe tùy cung đường. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng quy mô như vậy chưa có tầm tương lai nên Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT xây dựng phương án làm đường với 6 và 10 làn xe. Phương án Chính phủ trình sang để thẩm định là 4 và 6 làn xe thì dự kiến tổng vốn đầu tư ban đầu đã là 312.000 tỷ. Trong khi đó, Quốc hội giao 70.000 tỷ nhưng Chính phủ trình sang phương án chỉ sử dụng 55.000 tỷ cho dự án này thôi, còn 15.000 tỷ dành cho dự án khác.

Trong 55.000 tỷ, dự kiến phần dành cho giải phóng mặt bằng một chút, còn lại để hỗ trợ cho các dự án thành phần trong dự án tổng thể. So với số lượng toàn tuyến, hiện còn gần 270.000 tỷ vốn thiếu nhưng kéo dài phân kỳ đến 2025. Chính phủ cũng đưa ra các giai đoạn ưu tiên, từ nay đến 2020, 2025 và sau 2025.

Nói tóm lại, hiện nay chúng ta đang rất thiếu nguồn lực. Như vừa rồi chúng ta làm Quốc lộ 1, ngoài vốn trái phiếu chính phủ và vốn ngân sách, chúng ta cũng phải huy động nguồn vốn ngoài ngân sách tức là đầu tư BOT, vừa qua đã huy động được nhưng chủ yếu là từ trong nước.

- Những con số đưa ra khiến dấy lên nỗi lo ngại lớn nhất là áp lực nợ công mà nhiều đại biểu Quốc hội cho là đã chạm, vượt ngưỡng an toàn?

- Để có nguồn lực cho các dự án cấp thiết như vậy, chỉ có 2 cách, hoặc chúng ta tiếp tục vay, thì sẽ vướng trần nợ công, hoặc là huy động nguồn ngoài ngân sách, trong nước hoặc nước ngoài. Vay trong nước thì Ngân hàng Nhà nước phải mở vốn ra sẽ ảnh hưởng đến an ninh nguồn vốn. Nếu vay ngoài nước thì điều kiện là Chính phủ phải bảo lãnh, ví dụ phải bảo lãnh doanh số tối thiểu, chuyển đổi ngoại tệ và dường như Chính phủ đang thận trọng về việc này.

Cá nhân tôi thì cho rằng, nếu đã quyết tâm làm thì phải có cách để thống nhất với nhau về phương án.

- Sẽ lại cần những cơ chế đặc biệt, đặc thù, ưu đãi vượt luật để làm các dự án lớn này trong điều kiện ngân sách hạn hẹp?

- Chắc Quốc hội phải đồng ý cho Chính phủ thực hiện một số cơ chế mới mà các luật không điều chỉnh mà trái với các luật.

Theo tôi nắm được, Chính phủ cũng đang đề xuất nhiều nội dung như: Theo quy định, khi phê duyệt báo cáo tiền khả thi dự án thì phải báo cáo tác động môi trường. Tuy nhiên, với cao tốc Bắc – Nam, trước đây, Chính phủ đã thực hiện một số dự án thành phần ở một số đoạn và đã có đánh giá tác động môi trường rồi nhưng trên toàn tuyến còn 1 số đoạn chưa đánh giá. Vì vậy Chính phủ muốn Quốc hội đồng ý thông qua báo cáo khả thi trước thì Chính phủ sẽ tiếp tục đánh giá tác động môi trường. Tôi cho rằng vấn đề đó có thể chấp nhận được.

Về hình thức thực hiện dự án, theo quy định của pháp luật, mỗi dự án anh chỉ được thực hiện một hình thức, nhưng đây là dự án rất lớn, Chính phủ đề xuất chia thành 21 dự án thành phần, mỗi dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng riêng. Việc này cũng chấp nhận được, vì thực tế Quốc lộ 1A ta cũng chia rất nhiều dự án.

Ngoài ra, Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt là đấu thầu tất cả các dự án thành phần, rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Quốc lộ 1A, hầu hết là chỉ định thầu, chỉ có 1 dự án đấu thầu nhưng lại chỉ có 1 nhà thầu tham gia, nên thực chất cũng chỉ là chỉ định thầu. Và chỉ định thầu thì mọi người đều biết rồi, có rất nhiều vấn đề trong đó. Tôi cho rằng đấu thầu là một cách căn bản để minh bạch.

- Là một đại biểu, sau hết ông sẽ là một người bấm nút để quyết định với 2 dự án, dù thực sự cần thiết nhưng đang chất chồng lo lắng. Áp lực với cá nhân ông?

- Về dự án giải phóng mặt bằng làm sân bay Long Thành, chưa có báo cáo khả thi mà thông qua là có rủi ro còn chờ báo cáo theo đúng quy trình thì tiến độ chậm lại ít nhất 3 năm. Tôi cho rằng chúng ta phải cộng đồng trách nhiệm trước dân để sử dụng đồng tiền của dân cho hiệu quả. Phương án Chính phủ trình có thể chấp nhận được nhưng cần phải lập báo cáo riêng, coi đây như một dự án trọng điểm vì số vốn cũng tới 23.000 tỷ đồng (10.000 tỷ Quốc hội đã thông qua trước đó) để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm chứ không phải kỳ này.

Còn dự án cao tốc Bắc Nam, chiều tối hôm nay chúng tôi sẽ thẩm tra mở rộng toàn UB Kinh tế để cho ý kiến lần đầu. Theo tôi, Chính phủ cần tiếp tục hoàn chỉnh lại để thông qua tại kỳ họp thứ 4, chưa đủ cơ sở thông qua tại kỳ này vì còn rất nhiều ý kiến khác nhau.

- Xin cảm ơn ông!

P.Thảo