"70% ngân sách chi cho bộ máy, đất nước không thể cất cánh"

Hoài Thu

(Dân trí) - Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, thực tế với 70% ngân sách dành chi cho bộ máy, sẽ không còn kinh phí chi cho đầu tư phát triển, và như vậy, đất nước không thể cất cánh.

Thực tế này được TS Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) cùng các vị chuyên gia chỉ ra và bàn luận trong cuộc tọa đàm "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Cơ hội và thách thức". Tọa đàm do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 27/12.

Đánh giá cao ý nghĩa từ thông điệp "kỷ nguyên mới" mà Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhấn mạnh, các chuyên gia cho rằng một trong những hành động quyết liệt để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc chính là cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang được triển khai thần tốc.

"Lo nhất là người giỏi ra đi, người lười ở lại"

PGS.TS Đào Duy Quát (nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương) chỉ ra vấn đề lớn và cấp thiết hiện nay là "vừa chạy vừa xếp hàng" để cải cách, tinh gọn bộ máy, đổi mới phương thức lãnh đạo.

Theo ông, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy cần thực hiện nhưng không thể làm một cách cơ học.

Vị chuyên gia lưu ý cần thay đổi phương thức lãnh đạo để tinh gọn một cách khoa học, có bộ máy với cơ chế vận hành trơn tru, không dẫn đến nhiều tầng nấc, cản trở địa phương, doanh nghiệp.

70% ngân sách chi cho bộ máy, đất nước không thể cất cánh - 1

PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (Ảnh: Kim Liên).

Điều đáng lo khi tinh giản bộ máy, theo ông Quát, là người giỏi ra đi còn người lười biếng, bất tài ở lại trong hệ thống.

Trong thời đại công nghiệp 4.0, ông Quát cho rằng cần rất nhiều tài năng công nghệ, nên lãnh đạo lực lượng này không nhất thiết phải là đảng viên, phải là tri thức giỏi.

"Bác Hồ trước đây đã tập hợp rất nhiều nhân tài không phải đảng viên mà có công xây dựng nhà nước phát triển, vượt qua thử thách, lập những chiến công", ông Quát dẫn chứng.

Muốn lãnh đạo lôi cuốn, thuyết phục thì phải tiêu biểu về đạo đức và có kỹ năng thuyết phục chứ không phải ra lệnh, theo TS Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội).

Theo ông, muốn lãnh đạo phải tập trung được người tài trong Đảng. "Nếu Đảng quyết định chủ trương, chính sách thì người tài trong Đảng phải là những chính khách tài giỏi, người có tầm nhìn đúng, biết xác lập ưu tiên của dân tộc, thúc đẩy những chính sách đưa lại sự vươn mình mạnh mẽ của dân tộc", ông Dũng nêu quan điểm.

TS Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh yếu tố quyết định thành công của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy không chỉ là tổ chức gọn nhẹ lại, mà phải tuyển chọn và bố trí lại con người đúng người, đúng việc, đúng khả năng của họ.

"Chúng ta cũng phải chú trọng việc thu hút tài năng trong hệ thống cơ quan công quyền, từ các tài năng lãnh đạo đến tài năng về hành chính chuyên môn", ông Dũng góp ý.

Theo ông, điều này đặc biệt quan trọng bởi trong hệ thống quyền lực tập trung và thống nhất, nếu yếu tố con người không đảm bảo yêu cầu, mối nguy hại sẽ rất lớn, dẫn đến để lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm chi phối.

70% ngân sách chi cho bộ máy, đất nước không thể cất cánh - 2

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (Ảnh: Đoàn Bắc).

"Nhiều người bảo phải có quy trình, bước đi, nhưng kinh nghiệm thực tiễn cho thấy nhiều việc chúng ta bàn nhiều nhưng vẫn không quyết được. Do đó, thời điểm này đã ở giai đoạn chín muồi, đã quá bức bách và rất cần thiết", ông Dũng nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tinh gọn bộ máy. Nếu chậm, theo ông, cái giá phải trả là mất đi cơ hội, đó là một sự lãng phí lớn.

Hơn nữa, theo vị chuyên gia, thực tế với 70% ngân sách dành chi cho bộ máy, sẽ không còn kinh phí chi cho đầu tư phát triển, và như vậy, đất nước không thể cất cánh.

"Nếu chúng ta không có nhà máy điện hạt nhân sớm thì trung tâm dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo làm sao hoạt động được. Do đó, phải tiết kiệm tối đa để đầu tư cơ sở hạ tầng, để cất cánh trong phát triển. Anh không có đường băng, không thể cất cánh trên ruộng lầy được", theo lời ông Dũng.

Lựa chọn của người lãnh đạo rất quan trọng

TS Nguyễn Văn Đáng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng "kỷ nguyên mới" là thông điệp truyền cảm hứng, đang được đón nhận và tin tưởng.

Theo ông, đây là quyết tâm chính trị rất tham vọng, rất nhiều thách thức, nhưng là khát vọng của dân tộc, bởi sau gần 40 năm, đã đến lúc Việt Nam bứt phá để vươn lên chứ không thể bình bình, tịnh tiến từ từ.

70% ngân sách chi cho bộ máy, đất nước không thể cất cánh - 3

TS Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (Ảnh: Kim Liên).

PGS.TS Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) nhận định "kỷ nguyên vươn mình" tức là một kỷ nguyên hành động, không đi theo cái thông thường mà sẽ có hành động khác thường để đạt tới những mục tiêu khác thường.

Sự khác thường, theo ông Thiên, là một đất nước với thu nhập trung bình, phát triển chưa cao nhưng đặt ra những mục tiêu cao nhất về chuyển đổi số, phát triển xanh, dựa vào trí tuệ sáng tạo. Điều này đòi hỏi chúng ta phải hành động khác để bước vào kỷ nguyên mới.

"Phấn đấu cho một điều gì rất đẹp đẽ chắc chắn rất khó nên phải chuẩn bị kỹ lưỡng", ông Thiên nói.

Theo vị chuyên gia, phải có sự chuẩn bị đầy đủ về tư duy, thái độ, điều kiện, nguồn lực… để biến thông điệp kỷ nguyên mới không chỉ là một ước mơ hoặc một điều mộng tưởng.

GS.TS Vũ Minh Khương (Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore) đánh giá thông điệp về kỷ nguyên mới của Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có tính chiến lược, vừa có tính đột phá.

70% ngân sách chi cho bộ máy, đất nước không thể cất cánh - 4

GS.TS. Vũ Minh Khương tham dự Tọa đàm trực tuyến từ Singapore (Ảnh: Kim Liên).

"Tính chiến lược là sự lựa chọn quả cảm đưa đất nước tiến lên ở mức độ cao vượt bậc trong thời gian tới. Lựa chọn của người lãnh đạo rất quan trọng, quyết định một dân tộc đi lên hay đi xuống, đi lên nhanh hay đi lên bao xa... phải quyết định đúng đắn. Quyết định sai thì đi xuống và đi xuống nhanh, xuống xa", ông Khương nói.

Thông điệp ấy, theo ông Khương, còn đánh vào xúc cảm của con người, làm cho lòng người trỗi dậy. Ông ví thông điệp này khiến người Việt Nam như tìm thấy "nỏ thần".

Khái niệm "vươn mình" cũng khiến ông Khương liên tưởng đến hình tượng Thánh Gióng, và từ hình tượng ấy, ông chỉ ra nguyên lý phải tìm đến người tài, suy nghĩ đột phá, vượt ra khỏi suy nghĩ thông thường.

Bên cạnh đó, phải dựa vào dân và trao niềm tin, cơ hội cho thế hệ trẻ.