1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vụ bắt con tin táo bạo tại Hà Tây:

7 giờ trong tay kẻ cướp

Khi bị khống chế, Lê Thanh Phong chủ động bắt chuyện với tên cướp nhằm tạo sự gần gũi thân thiện. Lúc thì hắn kể về hoàn cảnh gia đình, vợ con bằng một giọng tình cảm, khi thì dằn giọng “từng là cảnh sát đặc nhiệm”. Hai người xưng hô chú cháu rất thân mật...

Dường như không hề bị xáo trộn về tâm lý trước những gì đã xảy ra, sáng qua, Lê Thanh Phong đã đến lớp ôn thi đại học như thường ngày. Bằng thái độ khá điềm tĩnh, với sự khớp nối các chi tiết liền mạch logic, Phong kể lại những gì đã diễn ra trong suốt thời gian “cặp kè” cùng tên cướp liều lĩnh.

 

Khoảng gần 15h ngày 11/5, Phong đang ngồi học ở phòng riêng trên tầng 3 thì nghe tiếng gọi dưới nhà, rồi nghe tiếng bác gái là Nguyễn Thị Thắng quát mắng ai đó. Chuyện rất lạ, bởi chỉ có hai bác cháu ở nhà. Linh tính thế nào, Phong vội vơ lấy thanh gỗ dài chẹn cửa, ngó xuống cầu thang. Phía dưới là một người đàn ông lạ, tay lăm lăm lưỡi lê dài chừng 35 cm và một khẩu súng ngắn sáng màu, chĩa vào bác gái đẩy lên gác. Hắn quát: "Câm mồm, động đậy tao bắn chết". Lo sợ cho tính mạng của bác, cậu buông cây gậy. Cả hai bị lùa vào phòng học, quỳ xuống và đầu cúi gập xuống đất.

Lê Thanh Phong sinh năm 1986, quê ở Vĩnh Lộc - Thanh Hóa. Hiện nay, Phong đang sinh sống cùng với gia đình tại Phường Phú Trung - quận Tân Bình - TP HCM.

 

Do năm ngoái không thi đỗ đại học nên tháng 9/2004, Phong ra nhà 2 bác ruột là Trịnh Nguyên Hòe và Nguyễn Thị Thắng ở nhờ dể ôn thi Học viện Quân y.

 

Ngay sau khi nhận được tin dữ, 20h30 ngày 11/5, bố của Phong là ông Lê Văn tuyển đã bay từ TP HCM ra Hà Nội. Khi đến nơi thì ông nhận được tin con trai đã được giải thoát.

 

Trong những phút ban đầu, cả hai vô cùng sợ hãi. Bác Thắng luôn miệng van xin tha mạng, bảo tên cướp muốn lấy gì thì lấy. Còn tên cướp thì chỉ nghiến răng đe dọa mà không đưa ra một yêu cầu vật chất nào. Khoảng 15 phút sau, bác Thắng đặt vấn đề cửa dưới tầng một đang mở toang, cần đóng lại. Tên cướp không đáp lời nhưng kè kè tay dao tay súng dẫn cả hai xuống dưới nhà. Xuống tới tầng hai, bất ngờ bác gái vùng chạy thoát ra ngoài kêu cứu. Chỉ còn lại con tin duy nhất trong nhà, tên cướp gằn giọng: "Mẹ mày giết mày rồi". Lúc đó, hắn chưa biết Phong chỉ là người cháu tới ở nhờ.

 

Do sợ người ngoài ập vào bắt, tên cướp liền bắt Phong ra đóng và khóa chặt cửa chính. Hắn giật lấy chìa khóa, bỏ vào túi quần. Gã đàn ông tiếp tục đe dọa, dẫn cậu đi kiểm tra khóa cửa từ tầng trên cùng xuống dưới, rồi bắt Phong gọi điện thoại cho bác trai là sĩ quan quân y, công tác tại Viện 103 gần đó, yêu cầu không được báo cảnh sát. Nhưng đến lúc đó, công an tỉnh đã nhận được tin, huy động lực lượng bao vây kín khu vực. Cả nghìn người dân hiếu kỳ tập trung quanh ngôi nhà.

 

Phong kể, trong suốt thời gian cầm giữ con tin, tên cướp tỏ ra không muốn giết người. Tuy nhiên, hắn chỉ vào túi nhựa mang theo trong đó có mấy hộp giấy bìa cứng, tuyên bố có thuốc nổ và sẽ cho nổ tung ngôi nhà nếu cảnh sát đột nhập. Gã đốt thuốc liên tục. "Khi bác Thắng thoát được ra ngoài, em đã thấy tên này có vẻ hoảng sợ, mặc dù hắn cố tỏ ra bình tĩnh. Có lẽ chính vì quá lo âu mà mồ hôi hắn toát ra như tắm. Dù đã cởi trần nhưng hắn vẫn phải dùng khăn phủ tivi lau mồ hôi", Phong nhớ lại.

 

Trong những phút yên tĩnh gã còn lấy gói bánh, lon bia dưới bếp lên uống và lấy nước cho con tin vì lúc đó đã bị trói chân bằng băng dính loại to. Hắn hỏi tuổi, hỏi quan hệ của Phong với chủ nhà rồi tâm sự có đứa con vừa phát hiện bị ung thư, cần tiền cứu chữa. Phong nói: "Bác cháu là bác sĩ rất giỏi, có thể giúp chú được. Cần gì phải làm thế này". Hắn gọn lỏn: "Phải có tiền để đưa ra nước ngoài chữa" rồi lại đốt thuốc. Khoảng một tiếng, tên cướp cho Phong tháo băng trói chân. Cả hai cùng đến bên cửa sổ tầng hai nhìn xuống đường. Lúc ấy đã lố nhố nhà báo chĩa ống kính vào ngôi nhà. Tên cướp nói: "Tao với mày làm giàu cho cánh báo chí".

 

Những phút cuối cùng ở căn phòng đóng kín trên tầng hai, tên cướp rất run sợ, luôn ngó qua khe cửa tầng ba nhìn ra cầu thang, nhìn ra ngoài đường. Song khi thấy cảnh sát lọt được vào ban công trước, hắn chĩa súng ra cửa sổ hét: "Mày có nhảy xuống không, tao bắn chết". Tên cướp chỉ chịu thúc thủ sau khi cảnh sát đặc nhiệm ném lựu đạn hơi cay khói dày đặc, ngột ngạt. Cùng lúc, công an đạp cửa, xô ngã khống chế tên cướp. Cuộc giải cứu thành công, chỉ một cảnh sát bị xây xát nhẹ cánh tay. Đến lúc đó, cả lực lượng giải cứu lẫn con tin mới biết khẩu súng của tên cướp chỉ là giả.

 

Chị dâu của Hậu, Nguyễn Thị Kim Đính cho biết, gia đình rất bất ngờ trước việc xảy ra bởi Hậu hiền lành, chưa từng vi phạm pháp luật. "Không biết nhà cửa, vợ con nó có chuyện gì mà phải làm vậy?". Hỏi vợ con Hậu có bị bệnh trọng gì không chị Đính nói không biết.

 

Theo cơ quan điều tra, Hậu vừa ra Hà Nội được hơn 1 tháng nay, ở nhờ nhà họ hàng nhưng có chuyện gì đó bị đuổi đi. Y đang rất túng quẫn và nảy sinh ý định cướp tài sản. Chuẩn bị sẵn con dao lê và chiếc bật lửa hình khẩu súng, Hậu nhảy chuyến xe buýt số 22 từ Gia Lâm đi thẳng tới bến cuối là Bệnh viện Bỏng quốc gia. Rất tình cờ, đang ngồi quán nước gốc cây ngoài bệnh viện thì thấy con gái bà Thắng dắt xe Wave ra khỏi ngôi nhà bên đường. Cho rằng chỉ còn bà Thắng ở nhà, một lát sau hắn bấm chuông, nói với bà Thắng vừa thấy con gái bà đi xe gắn máy bị tai nạn phải cấp cứu. Vừa nói, Hậu vừa theo bà lên gác. Tại cơ quan điều tra, Hậu khai chỉ định uy hiếp chủ nhà lấy tiền rồi bỏ chạy, nhưng không ngờ còn có đứa cháu ở nhà nên mới to chuyện.

 

Tuy nhiên, ông Trịnh Nguyên Hòe, chồng bà Thắng, cho rằng Hậu là kẻ rất gan lì. Ông kể, đã liên tục gọi điện thoại về nhà thương thuyết với tên cướp nhưng y một mực đòi xe bốn chỗ, mở đường cho chạy thoát thì mới tha mạng con tin. "Trong mấy giờ đồng hồ, tôi gọi liên tục 50-60 cú điện thoại. Khoảng 30 lần hắn nhấc máy, lúc nói 40 triệu đồng, lúc 100 triệu đồng. Hắn còn đòi cảnh sát rút ra khỏi khu vực, nếu không sẽ bắn một người làm gương. Cũng vì vậy ai cũng nghĩ là hắn có súng thật".

 

Cơ quan chức năng đang tiếp tục xác minh lý lịch tư pháp của Tống Văn Hậu trong thời gian gần 5 năm sinh sống trong Nam.

 

Theo Ngôi sao/Tiền phong, Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm