7 giải pháp đổi mới giáo dục đại học Việt Nam
(Dân trí) – Làm sao để giáo dục đại học Việt Nam tiến kịp với các nước tiên tiến, có bước chuyển cơ bản về chất lượng, qui mô, tiếp cận trình độ khu vực và trên thế giới? Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long đã đưa ra 7 giải pháp nền tảng để trả lời cho câu hỏi trên.
Theo ông Long, mục tiêu của giáo dục đại học Việt Nam đến năm 2020 là có bước chuyển cơ bản về chất lượng, qui mô, tiếp cận trình độ khu vực và trên thế giới… Trong buổi Hội thảo khu vực về phân tích tình hình giáo dục đại học tại các nước Đông Nam Á vừa khai mạc sáng 28/7 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bành Tiến Long đã nêu lên 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp đổi mới được đưa ra để thực hiện mục tiêu trên:
- Điều chỉnh cơ cấu trình độ và hệ thống nhà trường nhằm làm cho giáo dục đại học phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế xã hội của đất nước và xu hướng phát triển của thế giới.
- Xây dựng qui trình đào tạo mềm dẻo và liên thông, đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp giảng dạy đại học.
- Xây dựng đội ngũ giảng viên đại học có phẩm chất đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn cao, phong cách giảng dạy tiên tiến và hiện đại.
- Tăng cường hoạt động nghiên cứu và triển khai nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, trực tiếp giải quyết những vấn đề từ thực tiễn phát triển kinh tế- xã hội và tăng nguồn thu cho nhà trường.
- Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục đại học nhằm đa dạng hóa nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư.
- Đổi mới quản lý giáo dục đại học theo hướng tăng quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm xã hội và thúc đẩy năng lực cạnh tranh của các trường đại học.
- Nâng cao sức cạnh tranh của hệ thống giáo dục đại học trong quá trình hội nhập quốc tế.
Hộị thảo về giáo dục đại học khu vực lần này diễn ra trong hai ngày 28 - 29/7, với sự tham dự của 7 nước thành viên SEAMEO (Indonesia, Lào, Malaysia, Philippine, Singapo, Thái Lan và Việt Nam).
Mạnh Cường