6 trường hợp đảng viên được miễn hoặc chưa xem xét xử lý kỷ luật
(Dân trí) - Theo Hướng dẫn số 02 của Ban Bí thư, có 6 trường hợp đảng viên được miễn, không xử lý hoặc chưa xem xét xử lý kỷ luật như trường hợp đảng viên nữ đang mang thai, đảng viên bị bệnh nặng...
Thay mặt Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành Hướng dẫn số 02 thực hiện một số nội dung trong Quy định số 22-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng.
Theo Hướng dẫn này, có 6 trường hợp được miễn, không xử lý hoặc chưa xem xét xử lý kỷ luật.
Cụ thể, khi đảng viên chấp hành quyết định của cấp trên nhưng đã kịp thời báo cáo bằng văn bản hoặc bảo lưu ý kiến trước tổ chức Đảng có thẩm quyền, cá nhân ra quyết định trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm khi tổ chức Đảng có thẩm quyền kết luận quyết định đó là vi phạm.
Tổ chức Đảng có thẩm quyền bỏ phiếu biểu quyết kỷ luật, đối chiếu kết quả với thời hiệu xử lý kỷ luật nếu đã quá thời hạn theo quy định thì tổ chức Đảng, đảng viên có vi phạm không bị xử lý kỷ luật (thời hiệu được tính từ thời điểm tổ chức Đảng, đảng viên thực hiện hành vi vi phạm đến khi tổ chức Đảng có thẩm quyền kết luận vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật).
Đảng viên thực hiện đề xuất về đổi mới, sáng tạo được cấp có thẩm quyền cho phép theo quy định của Trung ương, mà không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền thì phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan đánh giá công tâm để xem xét, xử lý, nếu đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.
Đảng viên được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự, khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, hạn chế về năng lực hành vi dân sự khi xảy ra hành vi vi phạm thì không xử lý kỷ luật; tổ chức Đảng có thẩm quyền phải làm thủ tục cho đảng viên ra khỏi Đảng.
Đảng viên là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc đảng viên là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chưa xem xét, xử lý kỷ luật.
Đảng viên bị bệnh nặng đang phải điều trị nội trú tích cực ở bệnh viện để chữa bệnh, nếu có kết luận của cơ quan y tế có thẩm quyền thì được hoãn, chờ đến khi sức khỏe hồi phục mới xem xét, xử lý kỷ luật.
Chưa bổ nhiệm cán bộ đang bị kiến nghị xử lý
Hướng dẫn số 02 nêu rõ một số trường hợp liên quan khi xem xét, xử lý kỷ luật. Cụ thể, đối với cán bộ, đảng viên đang trong thời gian kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xem xét xử lý kỷ luật hoặc có hành vi vi phạm pháp luật đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang trong thời gian bị điều tra, truy tố, xét xử mà đến tuổi nghỉ hưu, được cấp có thẩm quyền giải quyết thủ tục hưởng chế độ hưu trí, thì tổ chức Đảng có thẩm quyền chỉ làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng tạm thời cho đảng viên đó về nơi cư trú, đồng thời có văn bản thông báo cho tổ chức Đảng quản lý đảng viên nơi cư trú biết.
Cán bộ, đảng viên đang trong thời gian bị kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, xem xét, xử lý kỷ luật, bị kiến nghị xử lý vi phạm theo kết luận thanh tra, giải quyết tố cáo và bị điều tra thì chưa thực hiện quy hoạch, ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, nâng ngạch, bậc, phong, thăng quân hàm, nâng lương, phong tặng danh hiệu, khen thưởng, từ chức hoặc thôi việc.
Đảng viên sau khi chuyển sinh hoạt đảng sang tổ chức Đảng mới, nếu phát hiện có vi phạm kỷ luật ở nơi sinh hoạt đảng trước đây đối với các vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ đảng viên, nhiệm vụ do chi bộ giao, vi phạm chính sách dân số, vi phạm chế độ sinh hoạt đảng, thu nộp đảng phí… mà chưa được xem xét, xử lý thì tùy theo nội dung vi phạm, tổ chức Đảng cấp trên của các tổ chức Đảng quản lý đảng viên trước đây và hiện nay xem xét, giải quyết hoặc ủy quyền cho tổ chức Đảng quản lý đảng viên hiện nay hoặc trước đây xem xét, xử lý.
Tổ chức Đảng bị kỷ luật, tất cả thành viên phải chịu trách nhiệm
Về nguyên tắc kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể hoặc việc xử lý bằng pháp luật và ngược lại (trừ trường hợp có quy định khác).
Theo hướng dẫn, sau khi xem xét xử lý hoặc chỉ đạo việc xem xét, xử lý về kỷ luật đảng, chậm nhất 5 ngày, tổ chức Đảng phải có văn bản chỉ đạo hoặc đề nghị với các tổ chức có thẩm quyền xử lý về hành chính, đoàn thể hoặc xử lý hình sự.
Chậm nhất 30 ngày, khi nhận được văn bản chỉ đạo hoặc đề nghị của tổ chức Đảng có thẩm quyền, tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội phải xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể đối với cán bộ, hội viên, đoàn viên là đảng viên; nếu quá thời hạn trên phải báo cáo rõ lý do với tổ chức Đảng đã chỉ đạo hoặc đề nghị.
Với trường hợp tổ chức Đảng bị kỷ luật thì tất cả các thành viên trong tổ chức đó đều phải chịu trách nhiệm, phải ghi rõ số quyết định, ngày, tháng, năm, tổ chức Đảng quyết định thi hành kỷ luật, nội dung, hình thức kỷ luật đối với tổ chức và lý lịch của từng thành viên.
Những thành viên không tán thành hoặc không liên quan trực tiếp đến quyết định sai trái của tổ chức Đảng đó cũng được ghi rõ vào lý lịch đảng viên và được bảo lưu ý kiến (nếu có); các nội dung về quản lý cán bộ đối với đảng viên đó (như điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, khen thưởng…) vẫn được thực hiện theo quy định.