6 tháng, thiên tai làm 73 người chết và mất tích
(Dân trí) - Tình hình thiên tai trong 6 tháng đầu năm nay ở Việt Nam diễn ra phức tạp. Tính đến ngày 4/7, thiên tai đã làm 73 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước khoảng 4.025 tỷ đồng.
Ngày 15/12, tại huyện Kế Sách, UBND tỉnh Sóc Trăng phối hợp các tổ chức quốc tế tổng kết dự án "Tăng cường sức chống chịu của cộng đồng trong ứng phó với thiên tai".
Theo báo cáo của Tổng cục Phòng chống thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu đang gia tăng nhanh chóng tại khu vực Đông Nam Á. Hạn hán và lũ lụt đã ảnh hưởng đến 13,1 triệu ha đất trồng trọt và khoảng 20,6 triệu tấn sản lượng cây trồng trong khu vực từ năm 2015 đến năm 2019.
Riêng tại Việt Nam, tình hình thiên tai trong 6 tháng đầu năm nay diễn ra phức tạp, cực đoan và trái quy luật, mưa lũ trái mùa kèm theo dông, lốc lớn trên diện rộng gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp.
Tính đến đầu tháng 7, thiên tai đã làm 73 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước khoảng 4.025 tỷ đồng (gấp 2,7 lần thiệt hại về người và 24 lần thiệt hại về kinh tế so với 6 tháng đầu năm 2021).
Trong bối cảnh đó, dự án "Tăng cường sức chống chịu của cộng đồng trong ứng phó với thiên tai" đã được thực hiện giúp cộng đồng dễ bị tổn thương có khả năng thích ứng với các hiểm họa thiên tai khó lường.
Dự án được tài trợ bởi Tổ chức Bánh mì cho Thế giới (BfdW) và Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV), được khởi động vào tháng 7/2019 đến tháng 12/2022 tại huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) và TP Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh).
Sau 3 năm thực hiện dự án, đã có 13.567 hộ gia đình hưởng lợi. Có 37 sáng kiến phòng ngừa rủi ro thiên tai được cộng đồng đề xuất, trong đó có 22 sáng kiến được phê duyệt thực hiện và huy động nguồn vốn hơn 4,3 tỷ đồng (hơn 3,8 tỷ đồng từ chính quyền địa phương, gần 500 triệu đồng được người dân đóng góp).
Ông Lê Vũ Đức, Chủ tịch UBND huyện Kế Sách, cho biết dự án triển khai tại 3 xã là Thới An Hội, Kế Thành và An Mỹ. Dự án rất phù hợp và hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng diễn ra ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và huyện Kế Sách nói riêng.
Dự án có tác động tích cực đến đời sống người dân, tạo thu nhập bền vững cho người nghèo, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu.
Với kết quả dự án đem lại cho địa phương, huyện Kế Sách sẽ có những chính sách để duy trì các cách làm hay, mô hình mới hiệu quả và tiếp tục nhân rộng tại các địa phương trên địa bàn huyện.