57 dự án vào "tầm ngắm" cần xử lý chống lãng phí
(Dân trí) - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông cho biết qua rà soát có 57 dự án thuộc nhiều lĩnh vực cần xử lý chống lãng phí trong thời gian sắp tới.
Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 191-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo (thay thế Quy định số 32/2021) và Quyết định số 192-QĐ/TW kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng lãng phí, tiêu cực, trong đó bổ sung nhiệm vụ phòng, chống lãng phí với trọng tâm về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Trao đổi với báo chí về việc bổ sung nhiệm vụ chống lãng phí, ông Nguyễn Hữu Đông, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, khẳng định việc phòng, chống lãng phí là chủ trương xuyên suốt của Đảng từ trước đến nay. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều văn bản về chống lãng phí.
Trong những việc cần làm ngay sắp tới, ông Đông nói Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu phải ban hành hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, trong đó nêu rõ các biểu hiện của lãng phí cũng như trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này.
"Không chỉ lãng phí trong quản lý tài sản, tài chính công mà còn nhiều lĩnh vực khác, từ xây dựng thể chế cho tới thời gian", ông Đông nói.
Ông dẫn chứng hiện nay chi thường xuyên vẫn chiếm tới 70%. Do đó, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu cố gắng giảm chi thường xuyên xuống 50% để có nguồn lực đầu tư các công trình phục vụ nhân dân. Đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống lãng phí đảm bảo đồng bộ, thống nhất.
Các quy định về tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước cũng cần được sớm sửa đổi, bổ sung.
Đáng chú ý, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu rà soát, xử lý dứt điểm các dự án tồn tại kéo dài với các dự án trọng điểm quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát lãng phí lớn, dư luận xã hội quan tâm, theo đúng tinh thần "xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực".
"Tổng Bí thư yêu cầu dứt khoát phải có người chịu trách nhiệm, vì đây là tài sản của Nhà nước, là tiền của nhân dân", lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương cho hay.
Ông Đông cho biết qua rà soát có 57 dự án (9 dự án trong lĩnh vực xây dựng; 22 dự án lĩnh vực điện lực, công nghiệp than khoáng sản; 15 dự án lĩnh vực giao thông; 7 dự án lĩnh vực giáo dục, văn hóa - thể thao - du lịch; 4 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp) cần xử lý chống lãng phí.
Báo cáo của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo và kết luận của Tổng Bí thư tại cuộc họp sáng 30/10 đều cho thấy, trước mắt phải chỉ đạo xử lý với hai dự án Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 - tỉnh Hà Nam; Dự án chống ngập do triều cường tại TPHCM; các dự án điện năng lượng tái tạo đã xây dựng nhưng chưa được kết nối vận hành.
"Tại những dự án này phải quan tâm, làm rõ trách nhiệm, quan trọng nhất là định ra thời điểm để các dự án này đưa vào hoạt động, mang lại hiệu quả, phục vụ tốt cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, chứ không phải cứ kéo dài hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ kia", ông Đông trao đổi với báo chí.
Cuối năm 2014, cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức tại TP Phủ Lý, Hà Nam được khởi công xây dựng và kỳ vọng sẽ trở thành hai bệnh viện hiện đại lớn nhất từ trước đến nay được xây dựng. Đây cũng là lần đầu tiên nước ta có bệnh viện được xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế.
Ngày 21/10/2018, khu khám bệnh của cả hai cơ sở này đã chính thức được khánh thành. Tuy nhiên, sau đó chỉ có khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai được đưa vào sử dụng một thời gian từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2020 rồi thông báo tạm thời dừng hoạt động. Còn Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 chỉ dừng lại ở cắt băng khánh thành và chưa từng tiếp nhận bệnh nhân.
Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai có quy mô bệnh viện 1.000 giường, tổng 118.941m2 sàn. Tổng mức đầu tư 4.990 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Nhà nước 4.500 tỷ và nguồn khác.
Cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức có quy mô bệnh viện 1.000 giường, tổng 117.714m2 sàn. Tổng mức đầu tư 4.968 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Nhà nước 4.500 tỷ đồng và nguồn khác.
Theo báo cáo tổng kết công tác y tế trong năm 2023, Bộ Y tế đã phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết ngày 31/12/2024 và chỉ đạo chủ đầu tư làm việc với các nhà thầu để tiếp tục thi công hoàn thành công trình.