50 người phục vụ 1km tàu đường sắt trên cao
(Dân trí) - Đại diện Ban quản lý dự án Đường sắt - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, đội ngũ phục vụ khai thác tàu Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) chạy suốt 13km đường sắt trên cao gồm 600 người, trong đó có 200 người được gửi sang Trung Quốc đào tạo. Trung bình 50 người sẽ phục vụ khai thác thương mại 1km đường sắt.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13 km khổ 1.435 mm, tốc độ đoàn tàu 80 km/h. Dự án sử dụng vốn ODA Trung Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Toàn tuyến đường sắt đi trên cao và chủ yếu chạy trên dải phân cách giữa 2 làn đường bộ thuộc trục đường Hào Nam và đường Nguyễn Trãi.
Đoàn tàu sẽ chạy dọc tuyến 13 km qua 12 ga đón tiễn khách là Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng - Đại học Quốc gia - Vành đai III - Thanh Xuân III - Bến xe Hà Đông - Hà Đông - La Khê - Văn Khê - Bến xe Hà Đông mới và khu Depo (trung tâm điều hành tuyến) tại phường Phú Lương, quận Hà Đông.
Theo đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt, chi phí đào tạo nhân lực nằm trọn gói trong chi phí thực hiện toàn dự án của Tổng thầu Trung Quốc nhằm phục vụ khai thác tàu chạy thương mại dự kiến từ tháng 9 năm nay.
600 nhân lực phục vụ khai thác thương mại tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông gồm: Lái tàu, nhân viên trung tâm điều độ, nhân viên trung tâm ga, sửa chữa tàu, đường ray… Có 400 người được đào tạo tại Việt Nam và 200 người được đào tạo tại Trung Quốc, trong đó có 37 lái tàu.
Ban Quản lý dự án thông tin, hiện công tác đào tạo này cơ bản hoàn tất để chuẩn bị cho việc khai thác thương mại. Các lái tàu đều đảm bảo chuyên môn và tiêu chuẩn điều kiện lái tàu theo quy định của Việt Nam và phía Trung Quốc.
Ngày 12/2, đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông đầu tiên đã được Tổng thầu Trung Quốc bàn giao cho Việt Nam. Sau quá trình thông quan tại cảng Hải Phòng, đoàn tàu được vận chuyển về Hà Nội đêm 19/2. Đêm 20/2, rạng sáng 21/2, toa tàu đầu tiên đã được cẩu lắp thành công lên hệ thống ray đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, tại điểm ga La Khê - Hà Đông. Tiếp đó, Tổng thầu Trung Quốc đã cẩu lắp 3 toa tàu còn lại lên ray đường sắt vào đêm 22/2, rạng sáng ngày 23/2, hoàn thành việc đưa đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông đầu tiên nhập vào hệ thống đường sắt trên cao.
Đối với 12 đoàn tàu còn lại, phía Trung Quốc sẽ chia làm 3 chuyến vận chuyển về Việt Nam vào trong khoảng từ tháng 6 - 7 năm nay và được tập kết ở khu Depot Hà Đông.
Về tiến độ chung của dự án, Tổng thầu Trung Quốc cho biết đến nay dự án đã hoàn thành cơ bản kết cấu chính của các nhà ga, thi công xong kết cấu chính của 13/16 đơn thể, 80% kết cấu thép khu Depot. Các đơn vị, nhà thầu phụ đang huy động tối đa nhân lực trên công trường, tập trung đẩy nhanh tiến độ.
Được biết, hiện nay vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ dự án là vốn. Nguồn vốn đã có nhưng vốn để giải ngân chưa có do những khó khăn trong việc tiến hành các thủ tục tài chính liên quan giữa các Bộ và ngân hàng Trung Quốc.
Ban Quản lý dự án Đường sắt đã đề nghị Tổng thầu Trung Quốc khẩn trương tiến hành việc ký kết gia hạn Hiệp định vay vốn tín dụng ưu đãi và ký kết Hiệp định vay vốn bổ sung, đồng thời bổ sung kế hoạch vốn năm 2017 để đảm bảo nguồn lực tài chính thực hiện dự án.
Theo kế hoạch, hết quý I/2017, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thiện toàn bộ phần xây lắp trang trí kiến trúc bao gồm các nhà ga và các công trình kiến trúc trong khu Depot. Tháng 3/2017 sẽ bắt đầu lắp đặt tuần tự các hạng mục chuyên ngành thiết bị và sẽ hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị vào cuối tháng 7/2017. Việc kiểm tra, kiểm định và thử hệ thống đơn động được tiến hành song song, tuần tự ngay khi lắp đặt thiết bị và mục tiêu đến 1/10/2017 sẽ chạy thử liên động toàn hệ thống.
Châu Như Quỳnh