5 thuyền trưởng ở Indonesia cam kết ngừng tuyệt thực

Các thuyền trưởng tàu cá của tỉnh Kiên Giang đã cam kết ngừng tuyệt thực phản đối quyết định của tòa án Ranai (tỉnh Riau, Indonesia) trong khi tòa án cấp cao hơn đang xem xét vụ việc này do các thuyền trưởng tiếp tục kháng án.

Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn ngày 22-12 cho biết liên quan đến vụ 5 thuyền trưởng các tàu cá của tỉnh Kiên Giang bị bắt, hiện đang bị giam giữ ở Natuna và thời gian qua đã tuyệt thực để phản đối quyết định của tòa án Ranai (tỉnh Riau, Indonesia), từ ngày 17-12, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia (ĐSQ) đã có mặt tại Natuna gặp gỡ các cơ quan chức năng của Indonesia và các ngư dân Việt Nam đang bị giam giữ tại nơi giam giữ của Viện Công tố Indonesia.

Cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia (thứ hai từ trái qua) cùng cán bộ Viện Công tố Indonesia và 5 thuyền trưởng - Ảnh: ĐSQ cung cấp
Cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia (thứ hai từ trái qua) cùng cán bộ Viện Công tố Indonesia và 5 thuyền trưởng - Ảnh: ĐSQ cung cấp

Ngay sau khi đến Natuna, đoàn công tác của ĐSQ đã đến làm việc với Viện Công tố và Tòa án Ranai, một lần nữa đề nghị họ xem xét và có phán quyết công tâm trên cơ sở các thông tin mà ngư dân và luật sư cung cấp tại Tòa án Ranai. ĐSQ cũng thông báo về sự phản đối của các ngư dân về phán quyết đối với 4 trong 5 thuyền trưởng vừa qua. Đồng thời ĐSQ cũng đề nghị Viện công tố tiến hành các biện pháp cần thiết chăm lo, theo dõi đảm bảo sức khỏe của các ngư dân, các công dân Việt Nam trong quá trình họ bị giam giữ tại đây chờ xét xử.

Viện phó Viện Cộng tố cho biết họ đã có những biện pháp cần thiết để chăm lo các ngư dân họ đang quản lý, đặc biệt là thông tin về 5 ngư dân sau khi có tin các ngư dân này phản đối phán quyết của Tòa. Từ sau khi có thông tin của ĐSQ về 5 ngư dân tuyệt thực, Viện Công tố đã liên tục cập nhật thông tin cho ĐSQ về tình trạng sức khỏe của các ngư dân. Đồng thời đại diện Viện Công tố cũng qua đại diện ĐSQ yêu cầu các ngư dân không tuyệt thực, Tòa án cấp cao hơn đang xem xét vụ việc của các ngư dân do các ngư dân tiếp tục kháng án.

Gặp gỡ các ngư dân, cán bộ ĐSQ đề nghị các ngư dân chấp hành tốt các nội quy của trại, chú ý ăn uống, giữ gìn sức khỏe. ĐSQ cũng gặp, động viên 5 thuyền trưởng, trực tiếp xem xét điều kiện ăn ở, sức khỏe của họ. ĐSQ khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng các ngư dân trong suốt tiến trình pháp lý. Các ngư dân cũng hứa sẽ nghe theo lời khuyên của cán bộ ĐSQ, không tiếp tục tuyệt thực.

Trong quá trình thăm lãnh sự ngư dân và làm việc tại Natuna, cán bộ ĐSQ biết tin có một ngư dân (không nằm trong số 5 thuyền trưởng này) đang phải nằm viện điều trị do đau bụng cấp tính và hiện đang phải truyền nước. Cơ sở và điều kiện y tế ở Natuna rất kém và cần có giải pháp sớm.

Nhận được thông tin, Đại sứ Hoàng Anh Tuấn đã chỉ đạo cán bộ ĐSQ đang công tác tại Natuna tiếp tục kéo dài thời gian công tác tại Natuna, chưa quay về Jakarta. Tập trung giải quyết bằng được trường hợp bệnh nhân đang nằm viện, đưa đi viện khác ở tuyến sau và xúc tiến làm thủ tục để đưa ngư dân này về Việt Nam sớm nhất. Đồng thời, thông báo cho các thuyền trưởng, cán bộ ĐSQ sẽ có mặt tại Natuna trong phiên tòa xét xử thuyền trưởng còn lại, dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 1-2018.

"Cán bộ ĐSQ đang công tác tại Natuna vừa kết hợp thăm hỏi, động viên và nhận được cam kết của 5 thuyền trưởng sẽ ngừng tuyệt thực phản đối, vừa làm việc với các cơ quan chức năng Indonesia đề nghị họ có các biện pháp theo dõi đặc biệt đối với các ngư dân này"- Đại sứ Hoàng Anh Tuấn cho biết.

Cán bộ Đại sứ quán thăm lãnh sự các ngư dân tại nơi tạm giữ - Ảnh: ĐSQ cung cấp
Cán bộ Đại sứ quán thăm lãnh sự các ngư dân tại nơi tạm giữ - Ảnh: ĐSQ cung cấp

Còn đối với ngư dân đang nằm viện, cán bộ ĐSQ gần như túc trực tại chỗ, đề nghị và mời bằng được bác sĩ đến thăm, khám và đưa ra hướng điều trị để có thể đưa ngư dân này về nước ngay. Đặc biệt, nơi ngư dân bị giam giữ ở Natuna xa xôi, hẻo lánh, bác sĩ cực hiếm và rất khó khăn để đặt lịch hẹn với họ. Sau những đề nghị liên tục và thiết tha mời bằng được một bác sĩ Indonesia đến khám bệnh, đến chiều 21-12, sau một thời gian điều trị tích cực, sức khỏe của công dân Việt Nam - người vốn không ăn uống trước đó vài ngày và phải tiếp nước liên tục - đã khá hơn và đủ sức khỏe để lên máy bay về nước.

Đại sứ Tuấn cho biết không chỉ có ngư dân đang cần điều trị này, khoảng 20 ngư dân khác cũng được ĐSQ can thiệp để có thể về sớm trong dịp này. Vào dịp cuối năm, các cán bộ ĐSQ phải nỗ lực gấp 2-3 lần bình thường để hoàn thành việc này do phải cố gắng hoàn tất các thủ tục trong điều kiện nhiều quan chức, ban ngành của Indonesia nghỉ lễ cuối năm. Ngoài ra, các cán bộ ĐSQ còn phải túc trực "săn" vé với giá hợp lý - một điều khá đơn giản trong điều kiện bình thường, nhưng lại là cả một câu chuyện lớn vào dịp nghỉ lễ cuối năm.

Theo D.Ngọc
Người lao động