5 nội dung dự kiến tại kỳ họp bất thường của Quốc hội
(Dân trí) - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có thông báo về việc triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, diễn ra từ 5/1/2023 và dự kiến bế mạc ngày 9/1/2023.
Thông báo nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV. Quốc hội họp trù bị vào chiều ngày 4/1/2023, khai mạc vào ngày 5/1/2023 và dự kiến bế mạc vào ngày 9/1/2023. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Do chưa có quy định cụ thể về việc tổ chức tiếp xúc cử tri đối với kỳ họp bất thường, thời gian kỳ họp ngắn, lại giáp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 nên các đoàn đại biểu Quốc hội không tổ chức tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp này.
Các đoàn đại biểu Quốc hội sẽ phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố có hình thức phù hợp để nắm bắt tình hình dư luận, tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân ở địa phương và gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu tài liệu được gửi trên App Quốc hội và dành thời gian cho ý kiến về dự kiến chương trình kỳ họp; gửi ý kiến về Tổng Thư ký Quốc hội để kịp tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên họp trù bị.
Theo dự kiến, tại kỳ họp bất thường sắp tới Quốc hội sẽ xem xét, quyết định về 5 nội dung:
Một là, xem xét, thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Hai là, xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ba là, xem xét tổng kết việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và việc tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.
Bốn là, xem xét, quyết định một số nội dung về tài chính, ngân sách nhà nước: việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021; việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương;
Năm là, công tác nhân sự đại biểu và nhân sự khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội (nếu có).
Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội cũng sẽ tự nghiên cứu báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.