Nạn nhân bị vùi trong kho lạnh âm 10 độ C:
5 ngày mút nước đá vật lộn với đói rét
(Dân trí) - Cả kho lạnh ập xuống, đè anh Sang trong đống đổ nát, không phân biệt được ngày đêm, anh phải mút nước đá để chống chọi với cái đói, cái rét. “Thời gian đằng đẵng trôi đi, giữa lúc vô vọng tôi bất ngờ nghe thấy tiếng gọi của nhân viên cứu hộ”.
Sau khi được cấp cứu tại BV Đa khoa tỉnh Đồng Tháp, ngày 25/7, anh Mai Thanh Sang (23 tuổi) nạn nhân trong vụ sập kho đông lạnh được chuyển lên BV Chợ Rẫy (TPHCM) để tiếp tục điều trị. Tính từ thời điểm xảy ra tai nạn đến lúc được cứu ra ngoài, anh Sang đã trải qua 5 ngày kinh hoàng trong cái lạnh “đóng băng”.
Nằm trên giường bệnh, anh nhớ lại chuỗi ngày “đáng quên” của đời mình. “Trước lúc xảy ra tai nạn, em đang điều khiển xe, nâng các kiện hàng cá ba sa chất vào kho lạnh để chuẩn bị giao ca. Bất ngờ xe va chạm với kệ để hàng, chồng hàng cao trút xuống đè lên các chồng hàng khác, tất cả đổ theo hiệu ứng domino. Trong tích tắc, nhà kho đổ sập xuống, em không còn biết hướng nào để chạy thoát thân. Nhiều kiện hàng ập tới, em bị đè dưới đống hỗn độn. Tất cả tối đen như mực”.
“Toàn thân em bị đè bất động trong thế nằm nghiêng về bên phải. Em cố gắng trở mình và kêu cứu nhưng tất cả đều vô vọng. Đói và rét đến tê cóng người… em nghĩ mình sẽ chẳng còn sống được bao lâu. Nhưng hình ảnh vợ trẻ và đứa con thơ mới được 2 tháng tuổi là động lực giúp em không đầu hàng số phận. Để chống lại những cơn đói cồn cào và cái lạnh thấu xương, em cố dùng lưỡi để liếm từng giọt nước đá. Thời gian đằng đẵng trôi đi, sức của em mỗi ngày một kiệt đi. Hy vọng được cứu cũng tắt dần” - anh Sang nghẹn ngào.
Giữa lúc tuyệt vọng, Sang bất ngờ nghe tiếng người từ ngoài gọi tên mình. “Lấy hết chút sức tàn còn lại, em cố gắng kêu lớn nhưng tiếng kêu của em gần như chỉ ú ớ bên tai, may sao họ lại nghe được. Khi thấy có người hô lớn “ở đây rồi… ở đây rồi” em sung sướng đến lặng người. Khi được đưa ra khỏi đống đổ nát, chân và tay em đã bị tê cứng nhưng cảm giác sung sướng, hạnh phúc giữa tiếng vỗ tay của mọi người khiến em không thể khóc được”.
“Có đối mặt với cái chết mới thấy sự sống đáng quý đến nhường nào. Giờ đây chân tay đã bắt đầu có cảm giác trở lại em hy vọng sẽ có cơ hội bình phục như xưa để tiếp tục làm việc nuôi vợ con”.
BS Trần Đoàn Đạo, Trưởng khoa Bỏng và Tạo hình, BV Chợ Rẫy cho biết: “Hiện mạch huyết áp của bệnh nhân tương đối ổn định, các chỉ số sinh tồn nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, ở vị trí xa của cơ thể như bàn tay, bàn chân của bệnh nhân đã bị bỏng lạnh độ III”.
Theo nhận định của BS Đạo, bệnh nhân có thể sống sót được sau 5 ngày bị kẹt dưới đống đổ nát ở nhiệt độ âm 100C là nhờ áo bảo hộ lao động và nhiều lớp áo khác bệnh nhân mặc trên mình.
Hiện các ngón bàn chân của bệnh nhân Sang vẫn còn đen, là do cơ thể chưa cung cấp được đủ máu. Tuy nhiên, hiện mức độ tím của các đầu chi của bệnh nhân đang hồi phục tốt, bàn chân đã giảm đen nhiều, tốt hơn so với lúc mới nhập viện. Nhìn chung tình trạng bỏng lạnh không đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân Sang, BV Chợ Rẫy sẽ tiến hành hội chẩn để tìm phương án điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Theo phân tích của BS Trần Đoàn Đạo, bỏng lạnh làm thân nhiệt cơ thể hạ xuống, gây chết tế bào, làm co mạch dẫn đến hoại tử. Nếu tình trạng bỏng nặng, thời gian lạnh kéo dài nguy cơ tử vong rất cao. Ở vùng có khí hậu lạnh, những người tiếp xúc với nhiệt dộ dưới O0C kéo dài sẽ gây ra bỏng lạnh. Tại Việt Nam nhiệt độ trung bình luôn ở mức cao, nên tai nạn bỏng lạnh chỉ xảy ra đối với những người làm việc trong hầm đông đá, kho lạnh bảo quản hải sản.