1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

5 địa phương dự kiến sơ tán gần 30.000 người trước bão số 1

Hà Mỹ

(Dân trí) - Trước nguy cơ bão Talim gây mưa lớn, gió mạnh, 5 địa phương từ Quảng Ninh đến Ninh Bình dự kiến sơ tán gần 30.000 người tại khu vực nguy hiểm và trên các lồng bè, chòi canh.

Nội dung trên được ông Phạm Đức Luận, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, cho biết tại cuộc họp ứng phó với bão số 1 (Talim) sáng 17/7. Cuộc họp do Phó thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì, được kết nối trực tuyến với 25 tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An. 

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ảnh hưởng của bão gây mưa lớn kéo dài ở miền Bắc từ đêm 17/7 đến ngày 20/7 với lượng phổ biến 200-400mm, có nơi trên 500mm. Người dân đề phòng nguy cơ ngập úng khu vực trũng thấp tại khu vực ven biển, cửa sông, sạt lở bờ biển.

Hai kịch bản của bão

Trước diễn biến trên, các địa phương Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định dự kiến cấm biển từ 12h ngày 17/7; Hải Phòng dự kiến từ 21h ngày 17/7. Các địa phương khác được đề nghị tiếp tục theo dõi diễn biến của bão để xem xét quyết định phù hợp với tình hình thực tế.

Các địa phương từ Quảng Ninh đến Ninh Bình cũng rà soát phương án sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm và trên các lồng bè, chòi canh, dự kiến sơ tán khoảng 29.887 người. Trong đó số người dự kiến sơ tán ở Quảng Ninh là 700, Hải Phòng 8.691, Thái Bình 19.021, Nam Định 1.128 và Ninh Bình 347. 

Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6h sáng 17/7, đơn đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 52.000 tàu với hơn 226.000 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động di chuyển vòng tránh.

Hiện, không còn tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm. Tuy nhiên, Văn phòng thường trực đề nghị địa phương quan tâm đến các tàu nhỏ, tàu du lịch đi về trong ngày.

5 địa phương dự kiến sơ tán gần 30.000 người trước bão số 1 - 1

Ông Phạm Đức Luận, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, báo cáo tại cuộc họp (Ảnh: Ngọc Hà).

Báo cáo tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết sáng 17/7, bão số 1 duy trì cường độ cấp 11-12. Lúc 4h, tâm bão cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) 340km về phía đông đông nam. 

Theo ông Khiêm, hướng di chuyển của cơn bão này phụ thuộc vào điều kiện hoạt động của cao cận nhiệt đới. Đây là yếu tố chính dẫn đường cho cơn bão. Dựa trên các mô hình dự báo quốc tế và trong nước, cơ quan khí tượng đưa ra nhận định hướng đổ bộ của bão có thể xảy ra theo hai kịch bản. 

Kịch bản 1 có xác suất xảy ra 80%, bão duy trì sức gió mạnh cấp 12 khi di chuyển về phía bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sau thời điểm này, bão có thể giảm 1-2 cấp và hướng thẳng vào khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh chiều 18/7. 

Do đây là cơn bão mạnh và hoàn lưu rộng, vùng ảnh hưởng của bão bao trùm Bắc Bộ và mở rộng xuống Thanh Hóa, Nghệ An. Trọng tâm mưa lớn là Quảng Ninh, Hải Phòng với thời gian nguy hiểm nhất có gió mạnh trên đất liền là trưa và chiều 18/7. 

5 địa phương dự kiến sơ tán gần 30.000 người trước bão số 1 - 2

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp ứng phó bão số 1 sáng 17/7 (Ảnh: Ngọc Hà).

Kịch bản hai có xác suất xảy ra thấp nhưng vẫn cần đề phòng, sau khi quét qua bán đảo Lôi Châu, bão đi men theo đất liền Trung Quốc rồi đổ bộ vào khu vực giữa Hải Phòng và Quảng Tây (Trung Quốc). Nếu kịch bản này xảy ra, khả năng mưa và gió ảnh hưởng đến đất liền nước ta ít hơn, lượng mưa ở miền Bắc dao động 250-300mm. 

Ông Khiêm đặc biệt lưu ý nguy cơ sạt lở cao xảy ra ở khu vực miền núi Bắc Bộ, do khu vực này đã tích mưa 5-10 ngày qua. 

Lấy công điện của Thủ tướng làm "kim chỉ nam"

Kết luận cuộc họp sau khi nghe một số bộ, ngành, địa phương báo cáo, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết bão Talim khởi động cho mùa mưa bão năm nay. Qua báo cáo, ông nhận thấy mọi công tác chuẩn bị được thực hiện một cách tích cực.

Dù vậy, Phó Thủ tướng lo ngại việc các bộ, ngành, địa phương cho rằng bản thân có kinh nghiệm có thể làm mất cảnh giác, chủ quan khi ứng phó với cơn bão này. 

Vì vậy, ông Quang lưu ý các đơn vị lấy công điện của Thủ tướng làm "kim chỉ nam" để thực hiện các công việc. Trường hợp không kịp xin ý kiến cấp trên cần đối chiếu với công điện để xử lý. 

Nhấn mạnh mục tiêu không có thiệt hại về người và giảm thiểu mức tối đa thiệt hại về tài sản, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các bộ, ngành, địa phương không chủ quan lơ là, chủ động, linh hoạt phối hợp tốt trong cung cấp thông tin và ứng xử trong trường hợp cụ thể. 

Cuộc họp kết thúc sớm để các đơn vị khẩn trương triển khai phương án ứng phó với bão. 

Dòng sự kiện: Cơn bão Talim