1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

455 bị cáo được Toà cấp sơ thẩm cho hưởng án treo sai luật

Trong 3 năm (2011-2014), công tác xét xử còn để xảy ra những thiếu sót, sai phạm trong áp dụng, quyết định hình phạt, cho bị cáo hưởng án treo; xảy ra 01 trường hợp kết án oan người vô tội…

Theo kết quả giám sát về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự (TTHS) và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động TTHS theo quy định của pháp luật” của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), trong 3 năm (2011 - 2014), có 1.653 bị cáo bị cấp phúc thẩm hủy án để điều tra, xét xử lại, trong đó, chưa đủ căn cứ kết tội 629 bị cáo, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội 186 bị cáo, sai tội danh 110 bị cáo, áp dụng hình phạt không đúng 190 bị cáo.

Có một số trường hợp có đủ căn cứ kết tội bị cáo, nhưng Toà án (TA) cấp sơ thẩm lại tuyên bị cáo không phạm tội. Trong kỳ, có 11 bị cáo, TA cấp sơ thẩm tuyên bị cáo không phạm tội, nhưng TA cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm xét xử theo hướng có tội. Trong số 47 bị cáo TA sơ thẩm tuyên không phạm tội thì 43 trường hợp bị kháng nghị phúc thẩm, trong đó 32 trường hợp TA cấp phúc thẩm hủy án để điều tra, xét xử lại và tuyên 14 bị cáo có tội. TA cấp phúc thẩm sửa tội danh 228 bị cáo; một số địa phương tỷ lệ này khá cao. Điển hình như: Tại Bình Phước, có 41 vụ bị TA cấp phúc thẩm hủy để điều tra, xét xử lại, trong đó cấp tỉnh 04 vụ, cấp huyện 37 vụ; 06 vụ sai tội danh, 24 vụ vi phạm tố tụng...; chưa đủ căn cứ để kết tội bị cáo 04 vụ. VKS kháng nghị phúc thẩm 100 vụ/163 bị cáo, đã xét xử 78 vụ/115 bị cáo, trong đó TA cấp phúc thẩm đã chấp nhận 58 vụ/ 89 bị cáo.

Một số bản án, quyết định của TA còn xác định sai khung hình phạt, áp dụng không đúng các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự tại Điều 46 và Điều 48 Bộ luật Hình sự (BLHS) về các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Có trường hợp TA áp dụng hình phạt quá nặng, không phù hợp với chính sách hình sự trong BLHS. Điển hình như vụ Vũ Văn Thành cùng đồng phạm (ở Tiên Lãng, Hải Phòng) đều là học sinh, cướp giật tài sản giá trị nhỏ nhặt (01 chiếc mũ trị giá 30.000 đồng, 01 chiếc nón lá trị giá 60.000 đồng) bị TA hai cấp ở Hải Phòng tuyên phạt tù các bị cáo tổng cộng 92 tháng về tội cướp giật tài sản. Vụ án này đã bị TA cấp giám đốc thẩm hủy án để xét xử lại và sau đó, hầu hết các bị cáo được hưởng án treo. Ngược lại, có những trường hợp quyết định hình phạt quá nhẹ hoặc cho hưởng án treo không đúng pháp luật đối với bị cáo phạm tội về kinh tế, chức vụ, tham nhũng (như vụ Nguyễn Đại Tuyên ở Quảng Bình tham ô gần 96 triệu đồng và gây thất thoát 212 triệu đồng được hưởng án treo).

Đáng chú ý, có 455 bị cáo được TA cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, sau đó bị TA cấp phúc thẩm chuyển sang hình phạt tù do vi phạm các điều kiện về án treo quy định tại Điều 60 BLHS quy định về án treo; ấn định thời gian thử thách trái với hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/06/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC; không giao bị cáo được hưởng án treo cho chính quyền địa phương nào giám sát giáo dục… Một số trường hợp, cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm để giảm nhẹ hình phạt, cho bị cáo hưởng án treo thiếu căn cứ, nhất là đối với các vụ án về kinh tế, chức vụ, tham nhũng.

Bên cạnh đó, việc xem xét, giải quyết đơn giám đốc thẩm còn chậm, trong đó có phần trách nhiệm của VKS. Đáng lưu ý, có những trường hợp để quá lâu như: Vụ Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) bị oan xảy ra cách đây 10 năm. Mặc dù trong nhiều năm,Nguyễn Thanh Chấn và gia đình liên tục gửi đơn kêu oan nhưng chỉ khi hung thủ Lý Nguyễn Chung ra đầu thú năm 2014 thì vụ án này mới được xem xét theo trình tự tái thẩm (thực chất là giám đốc thẩm), hủy bản án đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại.

Theo đánh giá của UBTVQH, nguyên nhân dẫn đến các trường hợp oan, sai thuộc trách nhiệm TA chủ yếu do trình độ, năng lực của một bộ phận Thẩm phán còn hạn chế. Quá trình chuẩn bị xét xử, một số Thẩm phán không nghiên cứu kỹ hồ sơ, thiếu phân tích, đánh giá các chứng cứ vụ án một cách khách quan, toàn diện; chất lượng tranh tụng tại nhiều phiên tòa còn hạn chế, hình thức; Thẩm phán còn quá tin vào tài liệu hồ sơ, chưa chủ động làm rõ các tình tiết mới phát sinh; chưa coi trọng ý kiến bào chữa của bị cáo và luật sư; năng lực áp dụng pháp luật và trách nhiệm trong xét xử của một số Thẩm phán còn yếu; có trường hợp còn tiêu cực, cố ý ra bản án, quyết định hình sự trái pháp luật.

Trong kỳ, số bản án, quyết định phúc thẩm bị kháng nghị và đã xét xử giám đốc thẩm 125 vụ/210 bị cáo. TA cấp giám đốc thẩm hủy án để điều tra, xét xử lại 184 bị cáo, trong đó sửa tội danh 16 bị cáo, áp dụng hình phạt không đúng 95 bị cáo, chưa đủ căn cứ kết tội 25 bị cáo, dấu hiệu bỏ lọt tội phạm 10 bị cáo, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự, sai về phần dân sự 38 bị cáo. 58 bị cáo TA cấp phúc thẩm cho hưởng án treo bị TA cấp giám đốc thẩm hủy án để điều tra xét xử lại, chiếm tỷ lệ 0,87%. Trong số 06 bị cáo được TA phúc thẩm tuyên không phạm tội thì có đến 05 trường hợp bị xem xét theo trình tự giám đốc thẩm, hủy án phúc thẩm để điều tra, xét xử lại với cả 05 trường hợp.

Theo Thu Hằng

Báo Đảng Cộng sản Việt Nam